Các Ngân hàng Trung ương phối hợp giúp tăng thanh khoản toàn cầu
Thứ hai, 20/03/2023 16:07 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ngày 19/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một loạt Ngân hàng Trung ương lớn đã công bố các biện pháp phối hợp đặc biệt để cải thiện khả năng tiếp cận thanh khoản đồng USD trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ sụp đổ của các ngân hàng lớn tại Mỹ và châu Âu.
|
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa các Ngân hàng Trung ương được công bố vài giờ sau khi Thụy Sỹ làm trung gian cho thỏa thuận UBS tiếp quản Credit Suisse. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Theo thông báo được đưa ra, các hợp đồng hoán đổi hàng ngày giữa FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB), Ngân hàng Canada và Ngân hàng Nhật Bản sẽ hoạt động từ ngày 20/3 cho tới ít nhất cuối tháng 4. “Để cải thiện hiệu quả hoạt động hoán đổi tiền tệ bằng đồng USD, các Ngân hàng Trung ương đã nhất trí tăng tần suất hoạt động hoán đổi USD kỳ hạn 7 ngày từ hàng tuần sang hàng ngày” - thông báo nêu rõ.
Các Ngân hàng Trung ương cho biết, động thái này “đóng vai trò hỗ trợ thanh khoản cực kỳ quan trọng để duy trì sự ổn định và xoa dịu căng thẳng trên thị trường vốn toàn cầu, từ đó giảm thiểu tác động tới nguồn cung tín dụng cho hộ gia đình và doanh nghiệp”.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, tình trạng hỗn loạn trên thị trường do các vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ hồi đầu tháng này có thể khiến người dân và doanh nghiệp khó vay tiền hơn.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa các Ngân hàng Trung ương sẽ cho phép các ngân hàng nhận ngoại tệ từ cơ quan phát hành, và phân phối đến các ngân hàng thương mại trong nước. Ví dụ, thỏa thuận giữa FED và ECB sẽ cho phép ECB đổi euro lấy lượng USD tương ứng. ECB sau đó sẽ phân phối số USD này cho các ngân hàng thương mại tại 20 nước sử dụng đồng euro.
Thông tin trên được công bố vài giờ sau khi Thụy Sỹ làm trung gian cho thỏa thuận UBS tiếp quản Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai của nước này chìm trong khủng hoảng trong thời gian gần đây.
Năm 2020, FED đã cung cấp và sau đó mở rộng cơ chế hoán đổi tương tự khi đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tiền mặt toàn cầu./.
H.Hà (Theo Reuters, CNN)