|
Dải Gaza tan hoang sau 1 năm xung đột. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 7/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát thông điệp nhân kỷ niệm tròn 1 năm bùng phát xung đột ở Gaza (7/10/2023 – 7/24/2024) với lời kêu gọi hướng tới một nền hòa bình ở Trung Đông.
Trong thông điệp trực tuyến, ngày 7/10, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Ngày hôm nay đánh dấu tròn 1 năm kể từ sự kiện kinh hoàng ngày 7/10/2023 khi phong trào Hamas phát động một cuộc tấn công quy mô lớn ở Israel khiến hơn 1.250 người Israel và người nước ngoài thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ… Hơn 250 người đã bị bắt cóc và đưa đến Gaza, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em".
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, kể từ sau sự kiện ngày 7/10/2023, một làn sóng bạo lực và đổ máu gây sốc đã bùng nổ, nối tiếp theo đó là một cuộc chiến "tiếp tục hủy hoại cuộc sống và gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân Palestine ở Gaza, và bây giờ là tới người dân Li-băng".
"Đã đến lúc trả tự do cho các con tin. Đã đến lúc im tiếng súng. Đã đến lúc chấm dứt nỗi đau đã nhấn chìm khu vực này. Đã đến lúc thiết lập hòa bình, luật pháp quốc tế và công lý" – ông Guterres nói, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Liên hợp quốc trong việc đạt được các mục tiêu này.
"Chúng ta đừng bao giờ ngừng nỗ lực tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột, nhằm bảo đảm rằng Israel, Palestine và tất cả các quốc gia khác trong khu vực cuối cùng có thể chung sống trong hòa bình, phẩm giá và tôn trọng lẫn nhau" – ông Guterres phát biểu.
Trong một thông điệp riêng rẽ đánh dấu một năm kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Gaza ngày 7/10/2023, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Philemon Yang nhấn mạnh sự cần thiết của "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các con tin và quay trở lại đối thoại nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao cho các cuộc xung đột trong khu vực".
"Tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng nỗi đau khổ của con người phải chấm dứt, và phải chấm dứt ngay bây giờ" - ông Yang nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Yang, hành động quân sự sẽ không thể mang lại nền hòa bình bền vững. Chỉ có giải pháp hai nhà nước, dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nghị quyết có liên quan của Liên hợp quốc, mới có thể đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài cho cả người dân Israel và Palestine, và thực sự cho phần còn lại của khu vực.
Cùng ngày, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cũng kêu gọi hành động khẩn cấp và mô tả 2023 là "năm mất mát và đau thương", đồng thời nhấn mạnh đến tổn thất to lớn mà cuộc xung đột đã gây ra cho các gia đình. ICRC nhấn mạnh tất cả các bên cần tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, để giảm bớt đau khổ của con người và mở đường cho một tương lai hòa bình hơn.
Trong khi đó, Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực, nhấn mạnh rằng "nhân đạo phải thắng thế". IFRC cũng hối thúc chấm dứt các hành động thù địch và trả tự do cho tất cả các con tin.
|
Trẻ em Palestine ăn thức ăn cứu trợ tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 7/10, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR) dẫn tuyên bố chung của các chuyên gia Liên hợp quốc nêu rõ: “Năm qua đã chứng kiến sự leo thang tàn khốc về đau khổ của con người, với những hậu quả nghiêm trọng đối với người dân Palestine, người Israel và toàn bộ khu vực Trung Đông. Hôm nay, chúng tôi bày tỏ lòng trắc ẩn chân thành của mình đối với tất cả các nạn nhân và gia đình của họ, đặc biệt là trẻ em, những người đáng lẽ phải tránh khỏi tai họa chiến tranh, đồng thời nhắc lại cái giá phải trả cho con người nặng nề của cuộc xung đột này và nhu cầu cấp thiết về hòa bình và trách nhiệm giải trình”.
Từ thực tế trên, các chuyên gia Liên hợp quốc tiếp tục thúc giục cộng đồng quốc tế đảm bảo chấm dứt việc chuyển giao vũ khí của các quốc gia và công ty cho Israel, bao gồm cả thông qua các bên ủy nhiệm. Bên cạnh đó, các chuyên gia Liên hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng bạo lực và thù địch ở các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là sự leo thang bất ổn ở Li-băng mà vốn cho đến nay đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em cùng hơn 9.500 người bị thương và hàng trăm nghìn người phải di dời. Sự bén rễ và lan rộng của các hành động thù địch này rõ ràng làm suy yếu luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của khu vực Trung Đông – vốn đã phải chịu đựng nhiều thập kỷ xung đột.
Theo số liệu thống kê mới nhất, cuộc tấn công quân sự của Israel vào Gaza đã giết chết khoảng 42.000 người Palestine ở Gaza, bao gồm 17.000 trẻ em, làm bị thương hơn 97.000 người và khiến gần 2 triệu người phải di dời. Phần lớn những người thiệt mạng là trẻ em và phụ nữ, trong khi ước tính 10.000 thi thể người Palestine vẫn nằm dưới đống đổ nát mà không có khả năng thu thập và nhận dạng để xoa dịu phần nào nỗi đau của gia đình các nạn nhân của xung đột.
Ở phần còn lại của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, gần 700 người đã thiệt mạng bao gồm 176 trẻ em. Lực lượng Israel cũng đã giết chết 986 nhân viên y tế, nhân viên nhân đạo, trong số đó có 225 nhân viên Cơ quan cứu trợ và công trình của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) và 126 nhà báo, cũng như phá hủy các bệnh viện, trường học và trại tị nạn.
Không còn nơi nào an toàn ở Gaza, tình cảnh người dân nơi đây thật sự đã trở nên bi đát sau một năm xảy ra chiến sự.
|