Căng thẳng Nga - Mỹ: Thời cơ của những thương vụ lớn

Thứ năm, 29/06/2017 16:05
(ĐCSVN) - Những động thái gần đây cho thấy, quan hệ Nga – Mỹ lại tiếp tục căng thẳng kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ đến nay.


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo Nga đang chuẩn bị có những biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt mới của Mỹ. (Nguồn: anninhthudo.vn).

Ngày 21/6, Nga đã tuyên bố hủy bỏ cuộc đàm phán theo kế hoạch với Mỹ, nhằm phản đối lệnh trừng phạt mới do Mỹ áp đặt lên Nga về sự kiện Ukraine. Trước đó, ngày 17/6, Adam Smith - Hạ Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ đã công bố dự luật chiến lược quân sự mới, coi “thách thức đến từ Nga” như một trong những “mối quan ngại hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ”, khiến giới nghiên cứu, dư luận quốc tế quan tâm và đặt câu hỏi vì sao?

Mỹ kiên trì chiến lược “Đông tiến"

Theo giới quan sát, trong “Chiến lược An ninh Quốc gia 2015”, thời Tổng thống Obama Mỹ đã xác định Nga là đối thủ cần phải ngăn chặn và làm suy yếu. Theo đó, Mỹ điều chỉnh thế trận toàn cầu trên 3 điểm cơ bản: (1) Trang bị thêm thiết bị đánh chặn. (2) Rút một phần kế hoạch ở châu Âu, nhưng tăng cường sự hiện diện của lực lượng NATO ở gần biên giới Nga. (3) Hoàn thiện Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) toàn cầu; dẫn đầu liên minh không kích IS ở Syria…

Giờ đây, tuy không nhắc đến chiến lược “Đông tiến” nhưng giới quân sự trong Quốc hội Mỹ vẫn âm thầm đi theo hướng này thể hiện trong dự luật về chiến lược quân sự mới của Mỹ, Nga tiếp tục được xác định là đối tượng của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, vì đây là “mối quan ngại hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ”.

Dự luật mới có tên gọi là, “Thúc đẩy đoàn kết chống lại hành vi hiếu chiến của Nga trong năm 2017”, trong đó có nội dung đề cập đến việc đối phó với năng lực quân sự ngày càng gia tăng của Moscow.

Ông Adam Smith tuyên bố: “Chúng ta đang chứng kiến một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với các giá trị dân chủ của Mỹ cũng như sự gắn kết giữa các đồng minh của chúng ta kể từ sau Thế chiến thứ II”.

Theo ông Smith, Mỹ cần phải vạch ra một chiến lược toàn diện mới nhằm “răn đe sự hiếu chiến của Nga, tăng cường sức mạnh cho các đồng minh và đối tác quân sự, thúc đẩy sự gắn kết, đồng thời tiến hành những biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân cũng như tránh việc lao đầu vào một cuộc chạy đua hạt nhân mới”.

Tại chiến trường Syria, ngày 18/6, Mỹ đã bắn rơi máy bay chiến đấu của chính quyền Damascu nói là để “phòng vệ tập thể cho những lực lượng đối tác thuộc liên minh” tại tỉnh Raqqa. Trước đó, ngày 8/6, F-15 của Mỹ cũng đã bắn hạ một máy bay không người lái của lực lượng ủng hộ chính phủ Syria tại phía Nam nước này.

Nga phản ứng không khoan nhượng

Nhằm đối phó với Mỹ và NATO, năm 2015, Nga đã cho công bố Học thuyết quân sự và tiếp sau đó là “Học thuyết biển” mới (7/2015). Nga cũng đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước vũ khí thông thường ở châu Âu; cảnh báo sử dụng sức mạnh hạt nhân để đáp trả các mối đe dọa về an ninh; tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn nhằm ngăn chặn việc thúc đẩy “Đông tiến” của Mỹ và NATO.

Ngày 21/6, Nga tuyên bố hủy bỏ cuộc đàm phán đã lên kế hoạch từ trước với Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga - ông Sergei Ryabkov lên án chế tài mới, trong đó Mỹ mở rộng danh sách cá nhân và tổ chức Nga bị trừng phạt.

Ông Ryabkov cho biết, ông sẽ hủy cuộc họp với người đồng cấp Mỹ Tom Shannon ở St Petersburg. Ông nói rằng, các chế tài mới cho thấy hoàn cảnh hiện tại “không hiệu quả cho việc tổ chức các cuộc đối thoại, đặc biệt khi không có chương trình nghị sự nào được đề ra vì Washington không muốn đưa ra các đề xuất cụ thể”.

Trước đó, ngày 19/6, Nga cũng trả đũa bằng cách tuyên bố dừng hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ “Bản ghi nhớ về việc ngăn chặn các hành động va chạm và đảm bảo an toàn hàng không tại Syria”. Quyết định này được đưa ra sau vụ Mỹ bắn hạ một máy bay của quân đội Syria vào ngày trước đó.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã đề nghị quân đội Mỹ thực hiện điều tra tổng quát về vụ bắn hạ máy bay của không quân Syria và chia sẻ kết quả với Nga. “Trong các sức mệnh chiến đấu của Nga trên không phận Syria, tất cả mọi vật thể trên không bao gồm máy bay có hoặc không người lái của liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ được theo dõi bởi các hệ thống phòng không của Nga triển khai ở khu vực phía Tây sông Euphrates”...

Những nhìn nhận sâu xa sau bất đồng Nga - Mỹ

Theo giới quan sát, trong chính giới Mỹ cũng có người cho rằng, “nỗi sợ hãi mang tên Nga” hoàn toàn không có gì mới: “Rất nhiều chuyên gia và các nhà phân tích về khoa học chính trị cũng đã khẳng định rằng, chiến lược mới mà ông Smith đệ trình chỉ là một kiểu “bình mới, rượu cũ”.

Giáo sư Sergei Sudakov, một chuyên gia về chính trị Mỹ tại Học viện Khoa học Quân sự Nga nhận định: “Cần phải nói thẳng ra rằng, sự hiện diện của Nga trong các chiến lược quân sự của Mỹ đã giúp các nhà thầu quân sự Mỹ kiếm hàng chục tỷ USD”. Đây thật sự là một giải pháp từ lợi ích kinh tế quân sự phù hợp với quan điểm lợi ích nước Mỹ trên hết của ông Donald Trump.

Ông Sudakov còn cho rằng: “Đúng là ông Donald Trump là người nắm quyền nhưng ông ấy cũng không được quyết định mọi thứ. Bản thân Tổng thống Trump cũng khó cưỡng lại được sức ép từ các nhà thầu quốc phòng hùng mạnh của nước Mỹ".

Giới chuyên gia dự đoán, nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ ký vào dự luật về chiến lược an ninh quốc gia mới, mặc dù tài liệu này sẽ hạn chế những nỗ lực của ông về việc bình thường hóa quan hệ với Nga, được hứa hẹn trong quá trình tranh cử.

Như vậy, trong quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sự cọ xát quyết liệt giữa hai đại chiến lược “Đông tiến” của Mỹ - NATO với “Chim ưng hai đầu” của LB Nga vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, tiêu điểm của cuộc đọ sức lần này là cuộc chiến cấm vận gắn với răn đe quân sự và bố trí lại thế trận toàn cầu, đặc biệt là lợi ích từ các thương vụ vũ khí khổng lồ chưa từng có, khiến cuộc “cọ xát” chiến lược sẽ kéo dài và hồi kết vẫn còn khó đoán định./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực