Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cần giải pháp thương lượng

Thứ bảy, 07/04/2018 20:58
(ĐCSVN) - Từ ngày 23/3 đến nay, Mỹ và Trung Quốc bị cuốn vào một cuộc tranh cãi thương mại với những động thái khiến dư luận lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cần được tháo ngòi (Ảnh minh họa: baoquocte.vn)

Ăn miếng trả miếng...

Ngày 1/4, Trung Quốc công bố tăng thuế nhập khẩu 15-25% với 128 sản phẩm Mỹ, được coi là biện pháp trả đũa của Bắc Kinh sau khi Tổng thống Donald Trump (23/3) áp thuế 10% đối với mặt hàng nhôm và 25% với thép nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc.

 

Nhà Trắng lập tức chỉ trích rằng, Trung Quốc đã “gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ và bóp méo thị trường toàn cầu” và cho biết Washington sẽ tiếp tục công bố danh mục những mặt hàng của Trung Quốc phải tăng thuế khi nhập vào Mỹ.

 

Derek Scissors, học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng tình hình hiện nay mới chỉ là một cuộc đấu “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi gói thuế 60 tỷ USD của Mỹ và 3 tỷ USD đáp trả của Trung Quốc chưa phải là nhiều so với quy mô nền kinh tế hàng nghìn tỷ USD của mỗi quốc gia.

 

Tổng thống Mỹ D. Trump, người chưa từng phát động cuộc chiến thương mại nào, đã tự tin viết trên Twitter trước khi ký lệnh áp thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rằng: “Chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ dàng giành chiến thắng”.

 

Theo giới phân tích, đây là hành động quyết liệt của ông Trump nhằm hiện thực hóa lời hứa của ông khi tranh cử với chính sách kinh tế “Nước Mỹ trên hết”. Ông Trump tiếp tục dựa vào cáo buộc trước đó rằng, Trung Quốc là quốc gia ăn cắp sở hữu trí tuệ và thao túng đồng tiền, là thủ phạm khiến các nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa, công nhân mất việc làm và giảm thu nhập.

 

Trung Quốc lại cho rằng, xã hội Trung Quốc đoàn kết hơn Mỹ khi đối diện với nguy cơ chiến tranh thương mại, giúp họ có cơ hội chiến thắng cao hơn. Rằng: “Hầu hết người dân Trung Quốc sẽ ủng hộ mọi biện pháp đáp trả mà chính phủ đưa ra, vì họ biết rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.

 

Giới chức và người dân Trung Quốc thậm chí còn kêu gọi chính phủ áp thuế nặng hơn nữa đối với các mặt hàng của Mỹ, vì cho rằng gói thuế 3 tỷ USD là “chưa thấm vào đâu” so với gói 60 tỷ USD mà ông Trump đưa ra.

 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, điều này là nguy hiểm bởi những gì sẽ diễn ra tiếp theo, khi hai quốc gia tiếp tục tung ra những đòn đáp trả lẫn nhau và dẫn tới một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

…và những dự báo nhãn tiền

 

Theo giới quan sát, ngay từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ–Trung còn chưa nổ ra, người dân Mỹ đã phải hứng chịu những hậu quả đầu tiên. Người Mỹ đã quen với việc sử dụng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, vì thế việc tăng thuế đối với các mặt hàng này sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí sinh hoạt của họ.

 

Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz tại Đại học Columbia cho rằng: “Nếu thuế suất với hàng dệt may Trung Quốc tăng, sinh hoạt phí ở Mỹ sẽ tăng theo, Cục Dự trữ Liên bang sẽ phải tăng lãi suất, khiến nền kinh tế phát triển chậm lại và tạo ra thất nghiệp”.

 

Theo ông Stiglitz, nông dân Mỹ là người bị ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến thương mại. Chẳng hạn như 140 gia đình trồng nhân sâm ở hạt Marathon thuộc bang Wisconsin sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ đòn trả đũa của Trung Quốc. 85% sản lượng nhân sâm trị giá 30 triệu USD của hạt này được xuất sang Trung Quốc.

 

Với việc Trung Quốc áp mức thuế mới 15% với mặt hàng nhân sâm, cuộc sống của nhiều người dân hạt Marathon sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Jackie Fett, chủ tịch Hội đồng Nhân sâm Wisconsin, nói: “Đây là sinh kế của rất nhiều người. Chúng tôi vẫn hy vọng rằng mức thuế đó sẽ được dỡ bỏ”.

 

Nếu căng thẳng leo thang, Trung Quốc có thể tiếp tục nhắm vào những mục tiêu dễ tổn thương hơn ở Mỹ, trong đó có các nông dân trồng đậu nành, những người đã xuất sang Trung Quốc 12,4 tỷ USD sản phẩm trong năm ngoái.

 

Brent Bible, người trồng đậu nành và ngô ở Lafayette, Indiana, đã xuất hiện trên truyền hình và kêu gọi chính quyền D. Trump tránh gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Rằng “Chúng tôi mới là người mắc kẹt giữa hai làn đạn”.

 

Mặt khác, còn phải kể đến đó là mặt hàng khổng lồ máy bay Boeing và dự án Trung Quốc hứa hẹn đầu tư vào Mỹ nhằm mang lại hàng triệu việc làm tại đây trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống D. Trump hồi tháng 11 năm ngoái, cũng chịu chung số phận.

 

Tìm kiếm giải pháp “hai bên cùng có lợi”

 

Theo giới quan sát, trong khi các chuyên gia kinh tế của ông Trump đang rất tự tin vào thắng lợi của nước này trong cuộc chiến thương mại với đối thủ Trung Quốc, thì những cảm giác tương tự cũng tràn ngập trong dư luận ở Bắc Kinh trong suốt những ngày qua.

 

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Paul Ryan bày tỏ “quan ngại sâu sắc” rằng, chủ trương này sẽ gây ra cuộc chiến thương mại, đồng thời hối thúc Nhà Trắng từ bỏ ý định này. Trong khi đó, lãnh đạo Ủy ban Tài chính và thuế Hạ viện Mỹ đã soạn thảo một bức thư để trình lên Tổng thống Trump cũng với nội dung quan ngại nêu trên.

 

Ngay từ ngày 5/3, trong cuộc họp với đại diện phái đoàn các nước thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Geneva (Thụy Sỹ). Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo đã kêu gọi các nước thành viên tránh các hành vi nhằm thắt chặt các biện pháp rào cản thương mại toàn cầu và cân nhắc kỹ về vấn đề này.

 

Cũng trong cuộc họp nêu trên, đại diện các nước thuộc EU, Mexico, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil, Na Uy, Canada, Ấn Độ, Venezuela… tỏ ra quan ngại sâu sắc về những tuyên bố của Mỹ và cảnh báo ông D.Trump về “hiệu ứng ngược” của các biện pháp bảo hộ và kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ “suy nghĩ lại”.

 

Tổng Giám đốc WTO kêu gọi, tất cả các nước thành viên cần tận dụng mọi nỗ lực để tránh một hiệu ứng domino trong việc thực thi các chính sách rào cản thương mại, đồng thời nhấn mạnh rằng “vẫn còn thời gian” để hành động.

 

Theo giới phân tích, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực sự nổ ra thì thiệt hại của hai bên sẽ là “kẻ tám lạng, người nửa cân” và sẽ tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ mấy ngày qua ngập tràn sắc đỏ, cùng với đòn trả đũa của Trung Quốc, khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, các cuộc thương lượng Mỹ-Trung có thể là giải pháp tháo ngòi nổ cuộc chiến thương mại đang cận kề, sẽ sớm được hai bên lựa chọn./.

 

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực