Câu chuyện trần nợ công ở Mỹ

Thứ ba, 30/05/2023 11:47
(ĐCSVN) – Những ngày qua, vấn đề nâng trần nợ công lại nóng lên ở Mỹ. Đây không phải là câu chuyện mới mẻ ở nước này, bởi kể từ năm 1960 đến nay, Quốc hội Mỹ đã tăng mức trần nợ 78 lần, với lần tăng gần đây nhất vào năm 2021, lên mức 31.400 tỷ USD.

Chiếc đồng hồ nợ công

Theo luật của Mỹ, trần nợ công hay giới hạn nợ là mức trần pháp lý về số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay. Mỗi khi khối nợ của chính phủ Mỹ đạt đến mức trần, việc tăng trần nợ công sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội và cần phải đạt được sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện.

Chiếc đồng hồ nợ công ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ, được chụp ngày 25/5/2023. (Ảnh: AP)

Nhằm làm nổi bật ý nghĩa về khoản nợ công gia tăng nhanh chóng tới các chính trị gia và người dân Mỹ, nhà phát triển bất động sản New York Seymour Durst đã nghĩ ra ý tưởng lắp đặt một loại đồng hồ đặc biệt: đồng hồ nợ công. Theo CNN, ngày 20/2/1989, Seymour Durst cho lắp đặt chiếc đồng hồ đếm nợ công đầu tiên ở vị trí cách Quảng trường Thời đại một dãy nhà. Khi đó, nợ quốc gia của Mỹ mới chỉ ở mức 2.700 tỷ USD.

Chúng ta vẫn thường nói “thời gian là vàng” và với chiếc đồng hồ đo nợ công này, thời gian là tiền. Vào năm 2008, chiếc đồng hồ này đã chạy hết số khi số nợ của nước Mỹ lên tới 10.000 tỷ USD. Sau đó, chiếc đồng hồ đo nợ công này được thay thế, hiện nằm ngay tại trung tâm của thành phố New York, ở quận Mahattan và có thể chạy lên con số hàng triệu tỷ USD. Vào tháng 1 năm nay, đồng hồ nợ công của Mỹ đã điểm 31.400 tỷ USD, chạm giới hạn vay, khiến Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để Chính phủ có thể tiếp tục trang trải hoạt động.

Tuy vậy, việc tăng mức trần nợ công cũng không đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ có thêm ngân sách để chi trả cho các hạng mục mới, mà chỉ giúp cho chính phủ nước này có thể vay thêm để thanh toán các hạng mục được Quốc hội thông qua. Trần nợ công của Mỹ đã được nâng tổng cộng 78 lần kể từ năm 1960, lần nâng gần đây nhất là vào năm 2021.

Điều gì sẽ xảy ra nếu không đạt được thỏa thuận về trần nợ công?

Nếu Quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng thống Joe Biden không thể đạt được thỏa thuận về vấn đề trần nợ công, chính phủ Mỹ có thể sẽ vỡ nợ vào đầu tháng 6. Điều này có nghĩa là nước Mỹ sẽ mất toàn bộ số tiền mặt để chi trả cho mọi nghĩa vụ, từ trả lương quân đội, trả lương hưu cho tới trả lãi trái phiếu…

Nếu không đạt được thỏa thuận về vấn đề trần nợ công, chính phủ Mỹ có thể sẽ vỡ nợ vào đầu tháng 6. (Ảnh minh họa: Forbes)

Theo tờ Financial Express, Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng đã cảnh báo vào đầu tháng này rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể khiến thị trường chứng khoán sụt giảm 45% và dẫn đến một cuộc suy thoái thảm khốc tương tự như đại khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi đó, Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's dự báo mức sụt giảm là 20%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 5% - đồng nghĩa với khoảng 8 triệu người Mỹ sẽ mất việc.

Việc vỡ nợ sẽ khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Theo đó, các cơ quan có chi tiêu chưa được phê duyệt sẽ cho người lao động nghỉ phép, trong khi một số nhân viên “thiết yếu” sẽ tiếp tục làm việc mà không được trả lương. Số tiền lương này sẽ được hoàn trả khi Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, việc nhận trợ cấp an sinh xã hội hàng tháng của hơn 60 triệu người, chủ yếu là người cao tuổi cũng sẽ bị chậm trễ.

Không chỉ ảnh hưởng ở phạm vi trong nước, nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ, nền kinh tế thế giới cũng bị tác động không nhỏ. Nhiều quốc gia bảo vệ tài chính của họ bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ - vốn được nhiều người coi là một trong những tài sản an toàn nhất trên thế giới. Nhưng việc vỡ nợ có thể làm giảm giá trị của những trái phiếu đó, làm tổn hại đến dự trữ của nhiều quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng việc vỡ nợ có thể làm tổn hại đến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Khoảng 60% các giao dịch ngoại tệ vẫn được thực hiện bằng USD, nhưng việc Mỹ không trả được nợ - có thể khiến giá trị của đồng bạc xanh lao dốc và làm thay đổi điều đó. 

Và khi nền kinh tế Mỹ suy thoái, các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Việt Nam, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Việc bán hàng vào Mỹ sẽ không được nhiều như trước đây.

Nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ

Sau nhiều tuần đàm phán, Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về trần nợ công vào đêm 27/5 (theo giờ Mỹ). Điều này đã giúp Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ đối mặt với tình trạng vỡ nợ.

Theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thống nhất sẽ đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, đến năm 2025. Như vậy, trần nợ sẽ không tăng, song Chính phủ Mỹ cũng sẽ không phải lo về việc không thể vay thêm tiền.

 Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (trái) trong cuộc đàm phán về trần nợ công với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington DC., ngày 22/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cụ thể, theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số các dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Dự luật cũng bao gồm quyết định cấp hơn 886 tỷ USD cho ngân sách an ninh trong năm tài chính 2024 và hơn 703 tỷ USD trong hạng mục chi phí an ninh trong cùng năm. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng 1% chi tiêu an ninh trong tài khóa 2025.

Ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết thỏa thuận nâng trần nợ công mà ông và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được đã sẵn sàng trình Quốc hội, đồng thời hối thúc lưỡng viện nhanh chóng bỏ phiếu thông qua văn kiện này.

Kết quả đột phá này đạt được sau cuộc đàm phán nước rút trước thềm hạn chót đạt thỏa thuận nâng trần nợ công vào tháng 6 tới. Vào ngày 26/5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã điều chỉnh dự báo về thời hạn chót để nâng giới hạn nợ liên bang, cho rằng Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 5/6 tới, thay vì ngày 1/6 đưa ra trước đó.

Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện với số ghế 222-213, trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với số ghế 51-49. Điều này đồng nghĩa với việc để được thông qua, dự luật trên cần nhận được sự ủng hộ của những nghị sĩ có quan điểm ôn hòa từ cả hai phía./.

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực