Đảm bảo quyền đối với giáo dục cho tất cả mọi người
|
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 19/9/2022. (Ảnh: Xinhua) |
“Trường học phải mở cửa cho tất cả mọi người, không có sự phân biệt đối xử… Từ nền tảng này, tôi kêu gọi các nhà chức trách ở Afghanistan: Hãy ngay lập tức dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với việc tiếp cận giáo dục trung học của trẻ em gái. Giáo dục trẻ em gái là một trong những bước quan trọng nhất để mang lại hòa bình, an ninh và phát triển bền vững ở mọi nơi" – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.
Ông Guterres đề cao vai trò của giáo viên là “mạch máu” của hệ thống giáo dục, chính vì thế, cần có sự tập trung mới vào vai trò và kỹ năng của họ. Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, giáo viên ngày nay cần phải là người hỗ trợ trong lớp học, thúc đẩy việc học tập thay vì chỉ truyền tải những câu trả lời. "Chúng ta cũng cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên toàn cầu và xem xét việc nâng cao chất lượng của họ bằng cách nâng cao vị thế của họ và đảm bảo họ có điều kiện làm việc tốt, cơ hội đào tạo và học tập liên tục, đồng thời nhận được mức lương tương xứng” – ông Guterres nhấn mạnh.
Trường học phải trở thành không gian an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, kỳ thị hay đe dọa. Các hệ thống giáo dục nên thúc đẩy sức khỏe thể chất và tinh thần của tất cả học sinh, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục của các em.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra trên thế giới phải mang lại lợi ích cho tất cả người học. Từ đó, ông đưa ra thông điệp nhằm kêu gọi các quốc gia cải thiện kết nối cho sinh viên và các cơ sở giáo dục. Sẽ không có mục tiêu nào nói trên trở thành hiện thực nếu không có sự gia tăng tài chính cho giáo dục và sự đoàn kết toàn cầu.
“Trong những thời điểm khó khăn này, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia bảo vệ ngân sách giáo dục và đảm bảo rằng chi tiêu cho giáo dục sẽ được chuyển thành sự gia tăng lũy tiến nguồn lực trên mỗi học sinh và mang lại kết quả học tập tốt hơn. Tài chính cho giáo dục phải là ưu tiên số một của các chính phủ. Đây là khoản đầu tư quan trọng nhất bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tạo ra con người và tương lai của mình” – ông Guterres nói.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng quốc tế trong quá trình chuyển đổi giáo dục, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các đối tác phát triển cần đảo ngược việc cắt giảm và dành ít nhất 15% hỗ trợ phát triển chính thức cho giáo dục. Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế cũng cần cung cấp nguồn lực và không gian tài chính cho các nước đang phát triển đầu tư cho lĩnh vực này.
“Tài chính cho giáo dục phải là ưu tiên số một của các chính phủ. Đây là khoản đầu tư quan trọng nhất mà bất kỳ quốc gia nào có thể thực hiện vì con người và tương lai của mình… Việc chi tiêu và tư vấn chính sách phải phù hợp với việc cung cấp chất lượng giáo dục cho tất cả mọi người” – người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ rõ.
Từ những lập luận trên, ông Guterres kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế sử dụng Quỹ Tài chính Quốc tế cho Giáo dục mới được thành lập nhằm huy động 10 tỷ USD để giúp 700 triệu trẻ em ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng.
Vượt qua rào cản, hiện thực tầm nhìn về chuyển đổi giáo dục
|
Bảo đảm quyền đối với giáo dục cho tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi trên thế giới. (Ảnh: Kiều Giang) |
Theo đánh giá của ông Guterres, nền giáo dục ở nhiều nơi đang rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc. Thậm chí ở nhiều nơi, giáo dục đang nhanh chóng trở thành những rào cản ngăn cách thay vì trở thành yếu tố thúc đẩy lớn. Theo số liệu thống kê, khoảng 70% trẻ 10 tuổi ở các nước nghèo không thể đọc một văn bản cơ bản. Hoặc là các em không được đi học, hoặc đang đến trường một cách hình thức.
Trong khi đó, người tàn tật và học sinh khuyết tật phải đối mặt với những trở ngại cao nhất trong việc tiếp cận với giáo dục. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến việc học tập trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, cuộc khủng hoảng giáo dục đã bắt đầu từ rất lâu trước đó và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hệ thống giáo dục đang không đáp ứng được nhu cầu của học sinh và xã hội. Giáo viên không được đào tạo, đánh giá thấp và trả lương thấp, trong khi khoảng cách về tài chính giáo dục đang bị nới rộng hơn bao giờ hết.
“Chúng ta sẽ không thể kết thúc cuộc khủng hoảng này bằng những cách đơn giản như hành động nhiều hơn, nhanh hơn hoặc tốt hơn. Bây giờ chính là lúc để chuyển đổi hệ thống giáo dục " – ông Guterres nói.
Theo lập luận của người đứng đầu Liên hợp quốc, giáo dục chất lượng phải hỗ trợ sự phát triển của cá nhân người học trong suốt cuộc đời của họ. Giáo dục phải giúp mọi người học cách học, tập trung vào giải quyết vấn đề và hợp tác. Giáo dục cũng cần cung cấp nền tảng cho học tập, từ các kỹ năng như đọc, viết và tính toán cho đến các kỹ năng khoa học, kỹ thuật số, xã hội và cảm xúc. Giáo dục cũng phải phát triển năng lực của học sinh để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trên thế giới. Mọi người cần tiếp cận được với giáo dục từ những giai đoạn đầu tiên và trong suốt cuộc đời của họ. Và giáo dục phải giúp chúng ta học cách sống và làm việc cùng nhau, cũng như hiểu được bản thân và trách nhiệm của chúng ta đối với nhau và với hành tinh của chúng ta.
Kết luận bài phát biểu, người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng, Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục sẽ chỉ đạt được các mục tiêu toàn cầu bằng cách huy động được một phong trào trên quy mô toàn cầu. "Hãy cùng nhau tiến về phía trước để mọi người có thể học tập, phát triển và ước mơ trong suốt cuộc đời của họ. Hãy đảm bảo rằng những người theo đuổi sự nghiệp học tập ngày nay và thế hệ tương lai có thể tiếp cận được nền giáo dục mà họ cần, hướng tới mục tiêu tạo ra một thế giới bền vững, hòa nhập, công bằng và hòa bình hơn cho tất cả mọi người” – ông Guterres nói.
Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu diễn ra trong các ngày 16, 17 và 19/9 do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chủ trì, diễn ra bên lề tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay nhằm thúc đẩy hành động toàn cầu trong giáo dục. Hội nghị diễn ra nhằm huy động ý chí chính trị và cam kết cho giáo dục với 2 mục tiêu cụ thể: Tăng cường và đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định đa phương hiện có, đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 và thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia và toàn cầu, đồng thời hỗ trợ thiết lập các lĩnh vực trọng tâm với các nguồn lực từ Ban chỉ đạo cấp cao Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4) hướng tới mục tiêu giáo dục chất lượng công bằng./.