Có phải Mỹ “nhường” Trung Đông cho Nga?

Thứ hai, 22/08/2016 16:23
(ĐCSVN) - Những động thái mới của các nước, nhất là hai cường quốc Mỹ, Nga khiến giới phân tích quốc tế đang có những dự đoán khác nhau về những chuyển động chiến lược này. Và câu hỏi đặt ra là: Liệu Mỹ có “nhường” Trung Đông cho Nga?

Hậu đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngả hẳn về Nga? 
Từ mục tiêu chiến lược…

Dư luận hẳn còn nhớ, Chiến lược “Đại Trung Đông mới” được các chiến lược gia Mỹ dày công nghiên cứu, cùng với sự chung tay thực hiện của các thành viên NATO, với mục tiêu “thầm kín” là: “Trả lại thời nguyên thủy của Trung Đông dưới hình thức bộ lạc sẽ dễ quản lý hơn”.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, hệ lụy của chính sách trên đã gây nhiều phiền toái cho Washington, sau Libya đến Syria và hiểm họa IS vẫn hiện hữu thì vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ lại nổi lên khiến Mỹ buộc phải có những động thái phù hợp, với hơn 20 đầu đạt hạn nhân được điều chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Romani.

Được biết, từ sau cuộc đảo chính bất thành, Mỹ bị Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo là đứng sau sự kiện này thông qua giáo sỹ Fethullah Gulen. Vì thế, tại căn cứ quân sự Incirlik, nguồn điện đã bị ngắt, các máy bay của Không quân Mỹ bị cấm hoạt động và chỉ huy căn cứ này cũng bị bắt vì tội ủng hộ lực lượng đảo chính.

Tại sân bay nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ là Iran, các máy bay hiện đại Tu-22M3, Su-34 của Nga cũng được lên xuống để oanh kích IS ở Syria. Với quan hệ nồng ấm trở lại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, cùng với cơ chế hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đã tạo ra những chuyển động mới tại khu vực. Theo đó, vai trò lãnh đạo của Nga trong “trục chiến lược” mới này, khiến Mỹ và phương Tây không thể ngồi yên.

Tương kế, tựu kế, Mỹ đã không phản đối mạnh những động thái tăng cường phạm vi và thanh thế trong các chiến dịch chống IS của Nga mà còn tỏ ra “hài lòng”. Tuy nhiên, thay vì nới lỏng dần các hoạt động chống IS ở Syria, Iraq, Libya thì Mỹ lại gia tăng việc điều chuyển lực lượng đến sườn phía Đông NATO gần với biên giới Nga hơn. Ngay cơ số đầu đạn hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng được chuyển sang căn cứ không quân ở Romani.

Đến giải pháp “tình thế”…

Sau gần hai nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama đã hình thành hệ thống quan điểm, chính sách được giới học thuật gọi là “Chủ nghĩa Obama”. Theo đó, nét đặc trưng nhất trong chính sách đối ngoại của ông Obama chính là nguyên tắc “không làm chuyện điên rồ”, tức là không đưa quân ra nước ngoài để phát động các cuộc chiến tranh giống như ở Iraq và Afghanistan.

Việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, thể hiện quyết tâm của “Chủ nghĩa Obama” là “kiềm chế”, “thu mình”, nhưng đổi lại là sự an toàn hạt nhân cho nước Mỹ và thế giới. Ông Obama chủ trương kiên trì sử dụng các biện pháp ngoại giao, kinh tế, áp lực quốc tế… cố gắng để tránh phải đối đầu quân sự với các cường quốc, nhất là các nước mới nổi.

Ông Obama lập luận rằng, nước Mỹ đã "kiệt sức" sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh nên cần thời gian để “khôi phục nguyên khí”. Tuy nhiên, từ khi ông nhậm chức, những sự kiện quốc tế như: Phong trào “Mùa xuân Arab” hay sự nổi lên của IS”… đã phá hỏng mong muốn ổn định khu vực theo chiến lược “Đại Trung Đông” mới của Mỹ.

Mặt khác, cục diện hỗn loạn của Iraq và Afghanistan cũng đưa lại những bài học cho nhiều nhà chiến lược Mỹ và dần nhận ra rằng, áp dụng khuôn mẫu chế độ tự do, dân chủ của phương Tây đối với các nước không cùng lịch sử, văn hóa, tư tưởng và tôn giáo là không thích hợp.

Giờ đây, ông Obama lại có một “bước lùi” nữa tại Trung Đông trước sự lấn lướt của Nga. Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái này vẫn nằm trong giải pháp chiến lược “chia sẻ trách nhiệm, hạn chế rủi ro” của “Chủ nghĩa Obama”. Tình hình vẫn nằm trong vòng ngắm của Chiến lược Đại Trung Đông mới và Washington vẫn có thể kiểm soát được.

Và hình thái mới đang hình thành…

Theo giới quan sát, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều có tham vọng củng cố và nâng cao vị thế cường quốc khu vực của mình. Tuy mục tiêu cụ thể của mỗi nước sự có khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau, nhưng những quan điểm lớn về khu vực và quốc tế đã có sự đồng nhất. Vì thế, những diễn biến bất ngờ, có tính bước ngoặt, trong nỗ lực khôi phục và cải thiện quan hệ giữa các bên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có chuyên gia còn nhận định, đã xuất hiện “trục chiến lược” mới, có thể làm xoay chuyển tình hình tại các khu vực Trung Đông.

Theo giới quan sát, lần đầu tiên ba “ông lớn dầu khí” đã tổ chức Hội nghị cấp cao (Nga - Azerbaijan - Iran) để khẳng định cam kết tăng cường hợp tác ba bên về kinh tế và an ninh. Ba nước này cũng nhất trí hợp tác thúc đẩy các cơ chế liên kết Trung Á và Trung Đông vì lợi ích chiến lược lâu dài.

Cơ chế mới còn được kỳ vọng giúp giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Azerbaijan và  Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno Karabakh, với sự trung gian của nước láng giềng Iran và cường quốc trong “không gian hậu Xô-viết” là Nga.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga đã khôi phục sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, kết thúc giai đoạn căng thẳng nhất trong suốt hai thập niên qua, cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước được đánh giá mang tính chất lịch sử có tác động mạnh đến quan hệ giữa Moscow, Ancara, Tehran và quan hệ Nga - Mỹ - phương Tây.

Những bước chuyển trong quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Iran và hợp tác giữa các nước liên quan cuộc khủng hoảng Syria, đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều quan trọng hơn là các bên cũng thảo luận cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria trong khuôn khổ cơ chế ba bên, có sự tham gia của Chính quyền Damascus.

Điều bất ngờ hơn là, Thổ Nhĩ Kỳ vốn được cho là ủng hộ các lực lượng chống ông Assad, nay lại chuyển hướng hợp tác với Nga và Iran nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Hòa bình Trung Đông vốn nằm trong Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ cầm đầu nay lại có thể về tay “bộ ba” trục chiến lược (Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ).

Kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, lần đầu tiên oanh tạc cơ của Nga sử dụng một căn cứ ở Iran để tấn công IS tại Syria với sự cho phép của Iran cho thấy, Moscow kiên định bảo vệ lợi ích chiến lược của mình tại Trung Đông bằng biện pháp quân sự.

Với việc xuất kích từ căn cứ không quân của Iran, Nga đã rút ngắn quãng đường từ 2.150 km xuống còn khoảng 1. 290 km để ném bom xuống căn cứ của IS ở  Syria, điều này đồng nghĩa với việc máy bay ném bom Nga tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, mang nhiều bom hơn và cường độ không kích vào IS ở Syria sẽ tăng lên. Thủ tướng Haider al-Abadi cũng tuyên bố, Iraq sẵn sàng cho phép máy bay Nga qua không phận nước này với điều kiện các chiến đấu cơ phải bay sát rìa biên giới, không bay qua các thành phố của Iraq.

Như vậy, những chuyển động trong quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran và cả Iraq liên quan đến cuộc chiến tại Syria tạo nên hình thái mới mà buộc Mỹ phải “cân nhắc”, đặc biệt trong thời điểm các nước đồng minh phương Tây đều gặp phải những vấn đề riêng.

Tuy nhiên, theo giới phân tích sự nhượng bộ của Washington đối với Moscow cũng chỉ có giới hạn trong khuôn khổ “chia sẻ trách nhiệm phân tán rủi ro” của chính sách Đại Trung Đông mới của Mỹ. Vì thế, sẽ không có chuyện Mỹ “nhường” Trung Đông cho Nga./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực