Công dân châu Âu sống tại Anh: Một ưu tiên, nhiều lo lắng

Chủ nhật, 18/06/2017 16:08
(ĐCSVN) - Chấm dứt nguyên tắc tự do đi lại nhằm hạn chế làn sóng người di cư là một trong những động lực chính của chiến dịch vận động ủng hộ Brexit. Vào thời điểm các cuộc đàm phán về Brexit sẽ được tổ chức vào ngày mai (19/6), câu hỏi hiện đặt ra là số phận của hơn 3,6 triệu công dân châu Âu đang sống tại Anh sẽ ra sao?

 

Những lá cờ của các thành viên Liên minh châu Âu tại Brussels, ngày 29/4/2017 (Ảnh: AFP)

Chính phủ Anh bảo đảm sẽ đặt vấn đề này là một ưu tiên, đồng thời đổi bằng tương lai của 1,2 triệu người Anh đang ở 27 quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU). Ủy ban châu Âu cũng xem đó là một ưu tiên song nhấn mạnh tới mức độ phức tạp của vấn đề như: bảo hiểm xã hội, hưu trí,… Trong khi đó, những người bị trục xuất lại tiếp tục theo đuổi các cuộc tranh cãi với nhiều thất vọng và lo lắng…

Những người châu Âu ở Anh

Theo ước tính của Migration Observatory thuộc Đại học Oxford dựa trên các số liệu mới nhất của Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), có hơn 3,6 triệu công dân châu Âu đang sinh sống tại Anh vào năm 2016, trong đó khoảng 1/3 sống tại London.

Tuy nhiên, thống kê dân số nước ngoài tại Anh được xem là một “câu đố” bởi vì đăng ký tại cơ quan lãnh sự không phải là bắt buộc. Đức, Pháp và Tây Ban Nha ước tính rằng số lượng công dân của họ có mặt ở Anh vào khoảng 300.000 người, gần như gấp đôi so với ước tính chính thức. Và với 1 triệu người, Ba Lan đến nay là quốc gia châu Âu có người dân ở Anh nhiều nhất. Năm 2015, số lượng công dân Ba Lan ở Anh lần đầu tiên vượt quá số lượng những người sinh ra ở Ấn Độ nhưng sống tại Anh.

Những làn sóng này được giải thích một phần bởi thực tế Anh là một trong số hiếm hoi các quốc gia thành viên ngay lập tức mở thị trường lao động cho Ba Lan khi gia nhập vào EU hồi năm 2004. Việc dỡ bỏ các hạn chế vào tháng 1/2014 đối với Bulgaria và Romania cũng đã tạo ra lời mời gọi tương tự.

Trong bối cảnh hơn một nửa số người nhập cư vào Anh là từ EU, chủ yếu từ Đông Âu, London cho rằng Quy chế tự do lưu thông trong EU đã gây khó khăn cho chính sách an sinh xã hội và bảo đảm an ninh nội địa của Anh. Do vậy, Chính phủ Anh muốn siết chặt hơn quy định nhập cảnh và đây là lý do được London đưa ra trong cuộc vận động ủng hộ Brexit.

Theo ONS, tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng những người nhập cư châu Âu trước tiên đến Anh để làm việc. Trong số hơn 3,6 triệu người châu Âu hiện ở Anh, thì có 2,2 triệu người là người lao động. Năm 2015, trong số những người mới đến, bị thu hút bởi một thị trường lao động năng động và tỷ lệ thất nghiệp thấp, 73% đến vì công việc và 21% đến để học tập.

Một số người dân Anh cáo buộc những người nhập cư châu Âu đã góp phần làm giảm mức lương. Tuy nhiên, theo Jonathan Wadsworth, tác giả của một báo cáo về chủ đề này của London School of Economics, "tất cả các nghiên cứu cho thấy rằng nhập cư không ảnh hưởng đến mức tiền lương hoặc ảnh hưởng một cách rất nhẹ".

Tương lai nào cho hàng triệu công dân châu Âu và Anh?

London và 27 quốc gia thành viên EU đều đã thông báo đặt số phận của người nước ngoài là ưu tiên trong quá trình xem xét và hoạch định chính sách. Tuy nhiên, không thể loại bỏ nghi vấn và đôi khi là nỗi sợ hãi của những người này khi phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Sẽ có visa đi du lịch? Một giấy phép lao động? Ưu tiên quốc gia? Phải giành được một số điểm hoặc một mặt bằng tiền lương để ở lại? Trước với những câu hỏi này, nhu cầu trở thành một công dân Anh hoặc được cấp giấy phép thường trú tại Anh đã bùng nổ kể từ khi công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Đồng thời, đây là chủ đề gai góc mà các quan chức châu Âu và Anh tranh cãi công khai trong nhiều tháng qua.

Một ngày sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ký quyết định chính thức kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để đưa Anh rời Liên minh châu Âu, 4 nhật báo uy tín hàng đầu châu Âu là The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp), La Vanguardia (Tây Ban Nha) và Gazeta Wyborcza (Ba Lan) đã ngay lập tức cùng ký vào một bài xã luận, yêu cầu London và Brussels coi việc giải quyết số phận của hàng triệu công dân này là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Theo dự kiến, trong giai đoạn đàm phán đầu tiên khởi động vào ngày mai (19/6), các nhà đàm phán Brexit sẽ phải giải quyết một vấn đề cực kỳ phức tạp là quyền lợi của các công dân châu Âu sinh sống tại Anh cũng như của các công dân Anh đang sinh sống tại các nước thành viên EU.

Cho đến nay, cơ chế tự do đi lại của EU cho phép những người này được cư trú, học tập và làm việc ở khắp nơi trong EU. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May từng nhấn mạnh rằng quyết định Brexit tất yếu dẫn đến yêu cầu xem xét lại việc kiểm soát biên giới và hạn chế dòng người nhập cư từ châu Âu vào Anh.

Theo nhận định của giới phân tích, rất có thể quyền lợi của các công dân châu Âu sinh sống tại Anh cũng như của các công dân Anh đang sinh sống tại các nước thành viên EU sẽ bị đưa ra để “mặc cả” trong các cuộc đàm phán về Brexit tới đây và người ta khó có thể sớm thống nhất các quy chế liên quan. Các quyền này sẽ là chủ đề quan trọng bậc nhất trong cuộc đàm phán được đánh giá là vô cùng phức tạp liên quan đến các nguyên tắc như: chính sách an sinh xã hội, hệ thống y tế hay các dịch vụ trợ giúp xã hội.

Mặc dù Liên minh châu Âu từng đưa ra yêu cầu hai bên nỗ lực bảo đảm mọi quyền có thể áp dụng về pháp lý cho tất cả công dân châu Âu song thực tế, các quyền lợi này hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của nước Anh. Không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh hiện nay, hơn 4 triệu người, gồm các công dân Anh sinh sống tại EU và công dân EU sinh sống tại Anh, sẽ phải đối mặt với tình trạng bấp bênh hơn bao giờ hết về quyền lợi và tương lai của họ. Giai đoạn đàm phán đầu tiên, dự kiến khởi động vào ngày mai (19/6), được kỳ vọng sẽ đạt được thống nhất về giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cho cả hai phía./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực