|
|
Trong phiên tranh luận ngày 9/1, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi Mỹ và Iran khởi động đối thoại. (Ảnh cắt từ bản tin NHK) |
Tại phiên tranh luận, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft tiếp tục lên tiếng bảo vệ vụ Mỹ sát hại Chỉ huy đặc nhiệm Iran Qassem Soleimani và xem đây là một hành động tự vệ. Quan chức ngoại giao này cảnh báo Mỹ sẽ thực hiện thêm các biện pháp bổ sung nếu cần thiết. Tuy nhiên, bà Craft cũng khẳng định lập trường cởi mở của Mỹ nhằm quay trở lại bàn đàm phán.
“Ngày hôm nay, tôi muốn tái khẳng định rằng, Mỹ sẵn sàng hợp tác với tất cả những ai tìm kiếm điều này…Nhìn về phía trước, chúng tôi hy vọng sẽ tìm được những đối tác có thiện chí trong công việc này” – bà Craft nói.
Về phía Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi lại tỏ rõ sự mất niềm tin vào phía Mỹ và khẳng định “tính đúng đắn” của các vụ tấn công tên lửa nhà nước này nhằm vào các căn cứ quân sự tại Iraq hôm 8/1 vừa qua. Bên cạnh đó, đại diện ngoại giao Mỹ cũng tỏ quan điểm chỉ trích chính quyền Tổng thống D.Trump có động thái siết chặt trừng phạt kinh tế lên Iran sau vụ việc.
Trong bối cảnh trên, các đại diện đến từ hơn 60 quốc gia tham gia phiên tranh luận của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc cùng nhiều nhà lãnh đạo, các nước trên thế giới lên tiếng kêu gọi hai bên giải quyết bất đồng qua đối thoại.
Ngay trong ngày 9/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố chủ tịch kêu gọi tất cả các nước thành viên tuân thủ đầy đủ Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời thừa nhận tầm quan trọng đặc biệt của Hiến chương này đối với việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Tuyên bố nhấn mạnh tính cần thiết của việc tăng cường đối thoại toàn diện, vì lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên để chia sẻ các kinh nghiệm khác nhau, thực tiễn tối ưu từ mỗi quốc gia và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ mà Hiến chương đề cập tới. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khuyến khích Tổng thư ký Liên hợp quốc tiếp tục theo đuổi nỗ lực nhằm hỗ trợ các nước thành viên và các tổ chức khu vực tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.
Giáo hoàng Francis cũng vừa lần đầu tiên đưa ra bình luận trực tiếp về cuộc khủng hoảng hiện nay trong quan hệ Mỹ-Iran khi kêu gọi hai bên tránh leo thang và theo đuổi "đối thoại và kiềm chế" nhằm tránh một cuộc xung đột lớn hơn tại Trung Đông. Trong một bài phát biểu thường niên mang tên "Tình trạng thế giới" gửi tới các Đại sứ của hơn 180 quốc gia ở Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng nhấn mạnh căng thẳng "có nguy cơ làm phức tạp thêm tiến trình tái thiết Iraq, cũng như tạo nền tảng cho một cuộc xung đột lớn hơn mà tất cả chúng ta đều muốn tránh…Vì vậy, tôi một lần nữa kêu gọi tất cả các bên liên quan tránh leo thang xung đột và duy trì ngọn lửa đối thoại và kiềm chế, và tôn trọng luật pháp quốc tế".
Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) cũng chỉ trích các vụ tấn công tên lửa của Iran nhằm vào Erbil và Anbar là hành vi có nguy cơ làm leo thang xung đột và vi phạm chủ quyền của Iraq. Qua đó, UNAMI kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và nối lại đối thoại, đồng thời tỏ rõ lập trường rằng “Iraq không nên phải trả giá cho các cuộc cạnh tranh từ bên ngoài”.
Theo kế hoạch, trong các ngày từ 12-15/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thực hiện chuyến thăm 3 nước Trung Đông gồm: Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Oman. Ông Abe cho biết sẽ nỗ lực hòa giải và ổn định tình hình khu vực Trung Đông thông qua các biện pháp ngoại giao, đồng thời kêu gọi các bên liên quan có những hành động kiềm chế, tránh làm xấu thêm tình hình đang căng thẳng hiện nay.
Dự kiến trong tuần này, Nhật Bản sẽ triển khai Lực lượng phòng vệ tới Trung Đông nhằm bảo vệ an toàn của các tàu Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang gia tăng./.