COP 24 và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Thứ hai, 10/12/2018 18:05
(ĐCSVN) - Diễn ra trong bối cảnh thế giới ngày càng chứng kiến sự khắc nghiệt của các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự thiếu thiện chí của một số quốc gia trong việc chung tay chống biến đổi khí hậu, Hội nghị lần thứ 24 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) có nhiều động thái thuận nghịch đan xen.
Các đại biểu tham dự Hội nghị COP 24 tại Katowice, Ba Lan, ngày 2/12/2018.
Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ hội hiếm hoi

Theo giới quan sát, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với nhận thức và biện pháp đối phó của con người. Diễn ra từ ngày 2 đến ngày 14/12/2018 tại thành phố Katowice (Ba Lan), COP 24 được coi là cơ hội hiếm hoi để gần 200 quốc gia cùng Liên hợp quốc hoàn tất các quy chuẩn thực thi Thỏa thuận Paris 2015 một cách đầy đủ hơn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và hướng tới 1,5 độ C. 

Trong 3 năm qua (2015 - 2018) hiện tượng thời tiết cực đoan trên Trái Đất ngày càng gia tăng, các thảm họa mưa lũ, nắng nóng kỷ lục ở Nhật Bản; siêu bão, động đất ở Trung Quốc; nắng nóng bất thường ở Anh, Montreal, Canada; cháy rừng ở Thụy Điển, Hy Lạp; núi lửa phun trào ở Hawaii, Guatemala; vỡ đập thủy điện ở Lào; động đất, sóng thần ở Indonesia…

Nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong 3 triệu năm qua và đang gia tăng. Đã có tới 18/20 năm ấm nhất toàn cầu kể từ năm 1850. Theo dự báo, đến năm 2100, những cơn siêu bão như Sandy xẩy ra ở Mỹ sẽ lặp lại với tần suất thường xuyên hơn, có thể lên tới 17 lần.

Năm 2018, lần đầu tiên khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland bắt đầu rạn nứt. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tại Việt Nam thiên tai cũng đã làm 75 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên hơn 868,5 tỷ đồng.

Tại Hội nghị ở Hà Nội hồi tháng trước, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã có Báo cáo đặc biệt về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu. Chủ tịch IPCC, ông Lee nhận định: “Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5 độ C sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội.

Sự nóng lên toàn cầu không kiểm soát nổi chính là tác nhân gây ra hiện tượng thiên nhiên cực đoan nêu trên, đó cũng là sự cảnh báo của thiên nhiên đối với con người. Các tổ chức khí tượng và môi trường của Liên hợp quốc còn dự báo nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng thêm từ 3 tới 5 độ C trong thế kỷ XXI, vượt xa so với mục tiêu hạn chế mức tăng (1,5 – 2 độ C) theo Thỏa thuận Paris 2015.

Theo tính toán, đến năm 2030, lượng khí thải làm trái đất ấm lên cũng có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết. Tức là thế giới cần phải có nỗ lực cao hơn gần gấp 5 lần từ nay tới năm 2030 để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris đề ra.

Vì thế, COP 24 có 2 nhiệm vụ chính đó là: (1) Đưa ra một bộ quy chuẩn với các chi tiết cụ thể hiện thực hóa Hiệp định Paris sau sự kiện Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước này; (2) Cam kết chính trị rõ ràng và kế hoạch hành động cho mục tiêu chung vào năm 2020. Đây là cơ hội tốt để huy động các quốc gia cùng chung tay hành động chống biến đổi khí hậu.

Những động thái thuận nghịch đan xen

Đại diện gần 200 quốc gia tham dự COP 24 đều nhận thức và chia sẻ những quan ngại về tốc độ nóng lên của khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, lãnh đạo các cường quốc thế giới đều vắng mặt, thay vào đó là đại diện cấp thấp hơn, không có tiếng nói quyết định.

Mỹ là một trong những quốc gia phát khí thải hàng đầu thế giới đã rút khỏi thỏa thuận Paris từ năm 2017. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, được coi là chính trị gia quan trọng tại sự kiện này, đã không tới Ba Lan do phải giải quyết vấn đề trong nước. Các quốc gia EU phần lớn cũng chỉ cử đại diện cấp Bộ đến dự.

Chính phủ Brazil đã tuyên bố rút đề nghị đăng cai COP 25 vào năm tới, bởi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong cương lĩnh tranh cử, đã cam kết sẽ theo chân Mỹ rút Brazil ra khỏi thỏa thuận Paris do không đồng ý với những biện pháp bảo vệ rừng Amazon. Động thái này có thể tạo ra hiệu ứng Domino đối với một số nước thải nhiều khí CO2 .

Sự chia rẽ trong nội bộ các nước EU, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; mâu thuẫn Nga–Mỹ xung quanh sự kiện ở eo biển Kerch chưa được hóa giải… cũng ảnh hưởng đến chính sách biến đổi khí hậu, nhất là cam kết Thỏa thuận Paris về tài trợ 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo đến năm 2020 để hạn chế phát thải khí nhà kính. Một số quốc gia lại chọn phương án tái sử dụng điện hạt nhân - năng lượng tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh.

Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia của mình một số nước lớn cũng đã có những chiến lược đúng hướng có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến Thỏa thuận Paris 2015. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hiện có một số quốc gia cũng đề ra mục tiêu chính thức cho doanh số bán xe điện, bao gồm Áo, Đan Mạch, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha…

Anh và Pháp cho biết sẽ cấm bán ô tô chạy bằng xăng và diesel từ năm 2040; Ấn Độ đến năm 2030 các ô tô bán trong nước đều phải là xe điện; Na Uy với mục tiêu tất cả các ô tô, xe chở khách và xe tải mới bán ra vào năm 2025 đều phải là loại xe không phát thải khí nhà kính.

Trung Quốc là thị trường xe lớn nhất thế giới cũng tính tới việc cấm bán xe chạy xăng, dầu vào năm 2030. Đức là quốc gia cuối cùng thừa nhận sẽ phải cấm xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, nhưng vẫn chưa đưa ra thời hạn cụ thể để thực hiện lệnh cấm nêu trên.

Sự nỗ lực chưa đủ tầm

Theo thống kê, cho đến nay đã có 196 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris, mới thực hiện cắt giảm 30% lượng khí thải CO2 cần thiết nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 1,5 độ C đến năm 2020. Trung Quốc và EU hứa hẹn sẽ thành lập liên minh để đi đầu trong nỗ lực đối phó tình trạng biến đổi khí hậu. EC tuyên bố đang thúc đẩy những biện pháp nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 40% từ nay đến năm 2030.

Hội nghị “Một hành tinh” lần thứ hai, đã có sáng kiến “tiếp sức” thêm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo đó, chính phủ Pháp, Đức, Quỹ Hewlett đã cam kết đóng góp khoản tài chính cho Sáng kiến Đối tác tài chính khí hậu của LHQ.

WB cũng cam kết khoản 1 tỷ USD cho phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng và bổ sung 4 tỷ USD từ nay đến năm 2025, để xây dựng nhà máy dự trữ năng lượng. Hãng Google cũng giới thiệu một công nghệ giúp thu thập dữ liệu về khí phát thải nhà kính từ giao thông và tính công suất năng lượng mặt trời ở các đô thị.

Tuy nhiên, không chấp nhận dự thảo văn kiện kết thúc COP 24 với cụm từ “hoan nghênh”, các nước Mỹ, Saudi Arabia, Nga và Kuwait chỉ đồng ý đưa vào cụm từ “ghi nhận” – thể hiện sự thờ ơ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn những bất đồng khác, khiến phiên họp toàn thể COP 24 đã không thông qua được văn kiện về biến đổi khí hậu.

Bà Yamide Dagnet thuộc Viện Nguồn lực Thế giới và từng là người đàm phán biến đổi khí hậu của Anh đã thực sự giận dữ khi có một số quốc gia bác bỏ thông điệp và hệ lụy của biến đổi khí hậu mà thế giới đang phải đối mặt.

Trước đó, trong một bài phát biểu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh, Nhóm các nền kinh tế G20, chịu trách nhiệm 80% về lượng khí thải nhà kính, cần thể hiện rõ vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việc chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên “xa vời”, khi các nước phát triển mới chỉ đóng góp 10 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD của Mỹ bằng 30% cam kết mà Tổng thống Obama đưa ra.

Như vậy, với COP 24, thế giới kỳ vọng có thể giải quyết được những vấn đề nảy sinh để sớm bắt tay đẩy mạnh việc hiện thực hóa các mục tiêu Thỏa thuận Paris 2015. Tuy nhiên, với nhiều động thái thuận nghịch khác nhau bởi những toan tính lợi ích quốc gia của các nước, đặc biệt là các nước lớn, có thể thấy các nước phát triển và mới nổi vẫn khó vượt qua những lợi ích quốc gia của họ để hiện thực hóa mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 đề ra./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực