Costa Rica chính thức đề nghị gia nhập CPTPP

Thứ năm, 11/08/2022 17:58
(ĐCSVN) - Ngày 10/8, Tổng thống Costa Rica Rodrigo Chaves tuyên bố nước này chính thức đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm hướng tới tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế châu Á.
Hiệp định CPTPP được 11 quốc gia thành viên ký kết vào năm 2018. (Ảnh: vir.com.vn) 

Chính phủ của quốc gia Trung Mỹ này đã hoàn tất kiến nghị gia nhập CPTPP, một tháng sau khi tuyên bố sẽ đàm phán gia nhập Liên minh Thái Bình Dương gồm các nước Mỹ Latinh.

Costa Rica là một quốc gia nhỏ với dân số khoảng 5,2 triệu người tại Mỹ Latinh. Kinh tế chính của nước này là nông nghiệp, với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm chuối và cà phê. Quốc gia này cũng có một số thế mạnh kỹ thuật cao, đứng thứ hai tại Mỹ Latinh và thứ 14 trên toàn cầu về xuất khẩu thiết bị y tế.

Tổng thống Costa Rica cho biết, mục đích xin gia nhập CPTPP nhằm đưa các sản phẩm của nước này tiến sâu vào khu vực châu Á, nơi có các nền kinh tế đang phát triển nhanh. "Thế giới ngày càng trở nên kết nối. Hiện chúng ta phải đối mặt với một số vấn đề với dịch vụ hậu cần, nhưng tương lai là giao dịch cởi mở", ông Chaves nhấn mạnh.

"Gia nhập CPTPP cho phép chúng tôi chia sẻ các chiến lược thương mại, thu hút đầu tư và tạo mối liên kết cho các công ty vừa và nhỏ”, ông Chaves nói, đồng thời cho biết Khu vực thương mại CPTPP ước tính chiếm tới 17% GDP toàn cầu".

Costa Rica, quốc gia với khoảng 5,2 triệu dân đã ký kết hiệp định thương mại tự do với 9 quốc gia và hiện đang tiến hành đàm phán thêm một hiệp định với Ecuador, cùng với đó là các Hiệp định thương mại khu vực với Liên minh châu Âu (EU), cộng đồng Caribe (Caricom) và các quốc gia Trung Mỹ (CAFTA).

Hồi tháng 1/2022, Ecuador cũng đã nộp hồ sơ xin gia nhập CPTPP. Hiện các quốc gia Mỹ Latinh như Mexico, Chile và Peru đã là thành viên của CPTPP.

Ông Antoni Estevadeordal, cựu Giám đốc điều hành cấp cao của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ cho biết, "triển vọng gia nhập của Ecuador và Costa Rica có thể củng cố mối liên kết của Mỹ Latinh với CPTPP".

Hiệp định CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Trước khi được 11 quốc gia thành viên ký vào năm 2018, CPTPP được biết với tên gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên, song cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào năm 2017./.

H.Hà (Theo Reuters, US News)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực