Cuộc chiến Syria: Từ hai phe đến hai phái

Thứ sáu, 30/09/2016 02:12
(ĐCSVN) - Ngày 25/9 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp về tình hình tại Aleppo (Syria) nơi quân đội Syria đang thực hiện chiến dịch chống lại phe đối lập. Cuộc họp nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, do Anh, Pháp, Mỹ đề xuất.

Trước đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về các diễn biến tại thành phố này, với cuộc không kích khiến 62 binh lính Syria thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Cả hai bên Nga, Mỹ đều đổ lỗi cho nhau, khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.


Cảnh đổ nát tại thành phố Aleppo (Syria). Ảnh: AFP

Từ nội chiến hai phe…


Năm 2011 những bất ổn tại khu vực Trung Đông- Bắc Phi, đặc biệt là phong trào Mùa xuân Arabia từ Tunisia, Ai Cập và Libya đã lan truyền thành phong trào biểu tình chống chính quyền Assad tại Syria. Người biểu tình bày tỏ thái độ bất mãn với tiến trình chính trị và đòi một cuộc cải cách dân chủ.

Phong trào biểu tình nhanh chóng lan rộng. Các nhóm đối lập bắt đầu tổ chức các phe nhóm chính trị và quân sự chống chính quyền đương nhiệm, dẫn đến việc chính phủ Assad sử dụng sức mạnh quân sự để đối phó. Đến năm 2012, căng thẳng giữa 2 phe (chính phủ và đối lập) leo thang thành cuộc nội chiến.

Năm 2013, sau một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra bên ngoài thủ đô Damascus, đã gây ra làn sóng phản ứng từ nhiều nước. Những cuộc thảo luận diễn ra sau đó nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt hành động này và đưa người chịu trách nhiệm ra ánh sáng.

Đến tháng 9/2013, LHQ xác nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria. Cả hai phe chính phủ và nổi dậy đều đổ lỗi cho nhau khiến vấn đề trở nên căng thẳng. Mỹ, Anh đe dọa can thiệp quân sự, còn Nga lại phản đối và cho rằng Mỹ, phương Tây cần tính toán đến hậu quả khi can thiệp vào vấn đề nội bộ của Syria.

Tiếp sau đó, Nga đề xuất việc chính phủ Syria đồng ý phá hủy các nhà máy vũ khí hóa học để tránh xung đột gia tăng. Tháng 9/2014, quân đội Mỹ đã không kích các mục tiêu của IS tại Syria với hy vọng “bắn một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa tiêu diệt IS, vừa hỗ trợ cho sự lớn mạnh của phe đối lập “ôn hòa”.

Năm 2015, Nga bất ngờ đưa lực lượng quân sự sang Trung Đông không kích IS có hiệu quả nhằm hỗ trợ chính quyền Assad và bảo tồn lợi ích của Nga tại khu vực. Vào tháng 3/2016, Nga lại bất ngờ rút phần lớn lực lượng quân sự khỏi Syria với lý do các mục tiêu đặt ra “nhìn chung đã hoàn thành”.

Với sự hỗ trợ của không quân Nga, các lực lượng Syria đã giải phóng được hơn 400 khu vực đông dân cư và hơn 10.000 km2 lãnh thổ. Những phần tử khủng bố bị đẩy lùi khỏi Latakia, Aleppo và thành cổ Palmyra. Nga hy vọng việc rút quân này sẽ khuyến khích tất cả các bên liên quan theo đuổi một giải pháp hòa bình.

Đến đầu năm 2016, Hội nghị đàm phán hòa bình cho Syria được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự bảo trợ của LHQ và các nước trung gian hòa giải nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến đã quá kéo dài. Tuy nhiên, hội nghị sau đó đã bị tan vỡ do phe đối lập thiếu thống nhất và không thiện chí.

Mới đây, cuộc ngường bắn tạm thời để vận chuyển hàng cứu trợ do Nga, Mỹ đồng bảo trợ cũng không đưa lại kết quả và các bên đều đổ lỗi cho nhau. Tại Đại hội đồng LHQ khóa 71 cũng có phiên họp về vấn đề Syria và không có bước tiến nào khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Đến cuộc chiến hai phái…

Theo giới phân tích, lúc đầu chỉ thuần túy là sự kích động của phong trào “Mùa xuân Arabia” với sự nổi dậy của phe đối lập, được phương Tây bảo trợ. Tuy nhiên, thời gian qua đi càng bộc lộ nguyên nhân của cuộc chiến là sự mâu thuẫn  sắc tộc giữa người Hồi giáo (dòng Shiite thân Iran và dòng Sunni với sự ủng hộ của Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar…).

Chuyên viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu Arab và Hồi giáo thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông (Nga) - bà Zvyagelskaya cho rằng, “một trong những yếu tố gây mất ổn định chính đối với tình hình hiện nay ở khu vực Trung Đông là việc tăng cường bản sắc tôn giáo thay vì bản sắc nhà nước. Điều này có thể dẫn đến xu hướng nguy hiểm là phi thế tục hóa hay còn gọi là ‘Hồi giáo hóa’ trở lại”[1].

Bà Zvyagelskaya nhấn mạnh: “Các quốc gia đang chìm trong tình trạng khủng hoảng bởi những mâu thuẫn nội tại ngày một phát triển trong lĩnh vực tôn giáo, sắc tộc... Điều này cũng dẫn đến sự yếu kém của các thiết chế nhà nước cũng như sự tin tưởng của người dân vào nhà nước dần mất đi”[2].

Ông Vitaly Naumkin, Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông cũng lập luận: “Sự sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn của các thiết chế nhà nước ở Libya, Yemen và Syria là minh chứng sinh động về những nỗ lực nhằm ảnh hưởng đến tình hình từ bên ngoài đã thất bại, hậu quả tất yếu của nó là sự gia tăng bất ổn và khiến cuộc khủng hoảng lan rộng ra trong khu vực, tình hình hiện nay ở Sudan và gần đây là cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ càng minh chứng cho thấy cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đang lan rộng và xa hơn”.

Mặt khác, tam giác quyền lực truyền thống (Ai Cập - Syria – Iraq) đã mất dần sự ảnh hưởng trong khu vực, trong khi các quốc gia phi Arab (Iran-Thổ Nhĩ Kỳ-Israel) ngày càng mạnh hơn. Thế giới Arab hiện bị chia rẽ sâu sắc tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia Arab cũng như các cuộc đấu đá giữa các dòng phái của đạo Hồi.

Theo giới chuyên gia, cuộc đối đầu hiện nay giữa Iran và Saudi Arabia phản ánh cuộc đối đầu giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite, đang trở thành trọng tâm chú ý của khu vực kéo dài từ Iraq–Syria–Lebanon-Yemen đến Bahrain. Cuộc đối đầu đang làm cho tình hình thêm mất ổn định và gia tăng nguy cơ mất kiểm soát đối với toàn bộ khu vực.

Nếu cuộc đối đầu giữa Iran-Saudi Arabia được giải quyết thì đây sẽ là chìa khóa để giải quyết các vấn đề ở Trung Đông. Tuy nhiên, giải pháp này không khả thi vì Nga, Mỹ khó có thể nhượng bộ nhau về lợi ích địa - chiến lược. Vì thế, theo giới phân tích, bài toán của cuộc nội chiến (hai phe) ở Syria đang trở thành cuộc chiến (hai phái) trong khu vực Trung Đông vẫn khó bề tìm ra lời giải./.

  

[1] http://vov.vn: "Những yếu tố tiềm ẩn khiến Trung Đông chìm trong bất ổn", đăng 24/9/2016.

[2] Tài liệu đã dẫn trên.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực