Những kết quả đến từ thiện chí
Trong cuộc gặp, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bàn thảo các vấn đề rất quan trọng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; việc đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi Triều Tiên thực hiện việc này; cải thiện quan hệ song phương, giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, vấn đề các gia đình ly tán, thúc đẩy các dự án hợp tác, ngoại giao nhân dân; và các vấn đề có liên quan khác.
Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc hội đàm trong không khí thẳng thắn, cởi mở
(Ảnh Korae Times)
Tại phiên họp sáng ngày 27/4, lãnh đạo hai miền đã cam kết nỗ lực để đạt tiến triển tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mong muốn hai bên sẽ "đạt một thỏa thuận lớn, để có thể mang lại một món quà lớn cho toàn thể nhân dân hai miền Triều Tiên và những người mong muốn hòa bình". Tổng thống Moon Jae-in hy vọng thượng đỉnh lần này sẽ tạo tiền đề cho các cuộc gặp tiếp theo tại Bình Nhưỡng. Ông nhấn mạnh rằng hai miền Triều Tiên là "người định đoạt" vận mệnh của bán đảo Triều Tiên, đồng thời đề cao tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác quốc tế. Tổng thống Moon Jae-in đã mời Nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ giúp tăng cường quan hệ song phương, đồng thời bày tỏ mong muốn tiến hành thêm nhiều cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Ông cũng cho biết thái độ hoài nghi về kết quả cuộc cuộc gặp liên Triều là có thể hiểu được, song khẳng định sự tin tưởng lẫn nhau là rất quan trọng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên hy vọng những thiện chí giữa hai bên trong 11 năm qua "sẽ không bị lãng phí", đồng thời bày tỏ mong muốn "viết nên một chương mới trong quan hệ hai nước". Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhấn mạnh rằng ông tới Hàn Quốc với mục đích chấm dứt đối đầu trên bán đảo Triều Tiên.
Tại cuộc gặp, ông Kim Jong-un đảm bảo với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng “ông sẽ không bị đánh thức vào mỗi buổi sáng sớm nữa”, hàm ý rằng Bình Nhưỡng sẽ ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Ông Kim Jong-un cũng đề cập vụ pháo kích của Triều Tiên vào hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc năm 2010, và bày tỏ mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh này "có thể hàn gắn vết thương của người dân". Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Moon Jae-in tới thăm Hàn Quốc đồng thời đưa ra lời mời Tổng thống Hàn Quốc tới thăm Triều Tiên và cam kết rằng ông sẽ chào đón nhà lãnh đạo Hàn Quốc tại sân bay.
Trong tuyên bố kết thúc cuộc thảo luận sáng, Tổng thống Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng rằng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đang diễn ra sẽ là một món quà lớn cho toàn thể người dân trên Bán đảo Triều Tiên cũng như thế giới, sau khi hai bên tiến hành cuộc thảo luận mang tính xây dựng. Về phần mình, ông Kim Jong-un cũng thể hiện sự lạc quan khi kỳ vọng rằng cuộc gặp thượng đỉnh này và kết quả cuộc gặp sẽ phần nào làm hài lòng những mong đợi của mọi người, mặc dù đây chỉ là sự khởi đầu.
Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí gặp nhau thường xuyên hơn đồng thời đánh giá cuộc thảo luận sáng "diễn ra rất tốt đẹp".
Hai nhà lãnh đạo đã cùng tham gia trồng một cây thông - loài cây được người dân hai miền Triều Tiên yêu thích - tại đường phân giới quân sự ở làng đình chiến Panmunjom, như một biểu tượng của hòa giải và hòa hợp.
Tại phiên họp chiều cùng ngày (27/4), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.
Sau phiên thảo luận chính thức kéo dài gần 1 giờ và cuộc trao đổi riêng kéo dài khoảng 30 phút vào chiều 27-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký tuyên bố chung mang tên “Tuyên bố Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên”, trong đó khẳng định các cam kết của hai bên hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tạo dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác giữa hai miền.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau khi ký tuyên bố chung, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định hai miền Triều Tiên là một dân tộc thống nhất và cần hợp tác với nhau hướng tới tái thống nhất. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết: “Chúng ta không phải là những người đối địch với nhau…Chúng ta cần được sống trong thống nhất…Chúng ta đã chờ đợi rất lâu cho thời khắc đó. Tất cả chúng ta…”. Ông Kim Jong-un cũng bày tỏ tin tưởng vào con đường hòa giải khi nhấn mạnh: “Con đường chúng ta đang đi hôm nay, tôi tin tưởng chắc chắn rằng mọi người dân Hàn Quốc và Triều Tiên đều có thể đi trên con đường này. Chúng ta có thể cùng hưởng hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên mà không hề phải lo lắng về chiến tranh”.
Trong phát biểu của mình, ông Kim Jong-un không nhắc tới vấn đề phi hạt nhân hóa, song Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết hai bên đều nhất trí hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa. Ông Moon Jae-in nhấn mạnh “Sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, một kỷ nguyên mới của hòa bình đã bắt đầu…Ngài Kim Jong-un và tôi đã nhất trí rằng mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn sẽ đạt được, đó là mục đích chung của chúng tôi…”.
Trong tuyên bố chung, hai bên nhất trí thiết lập một văn phòng liên lạc chung tại Kaesong để tạo thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác và trao đổi trong lĩnh vực dân sự; tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh vào dịp Ngày Giải phóng 15/8 tới; chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động thù địch ở cả trên bộ, trên biển và trên không, cùng hợp tác để đưa khu phi quân sự trở thành khu vực hòa bình thực sự; bảo đảm hòa bình tại khu vực đường Ranh giới phía Bắc (trên Hoàng Hải), tránh đụng độ quân sự và thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hoạt động đánh bắt cá tại đây; thường xuyên tiến hành các cuộc đối thoại quân sự, bao gồm các cuộc đối thoại cấp bộ trưởng quốc phòng và cấp tướng; cùng nỗ lực giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin.
Tuyên bố chung cũng nêu rõ: Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung trong việc xóa bỏ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn; tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán 3 bên, bao gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, hoặc cơ chế đàm phán 4 bên, bao gồm thêm cả Trung Quốc, để tiến tới ký hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình vững chắc, lâu dài. Hai bên cũng nhất trí xúc tiến cho chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng vào cuối năm nay.
Tạo bước ngoặt mới hướng tới hòa bình
Cách đây vài tháng những người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 với những kết quả lạc quan như đã thấy. Dù việc lãnh đạo 2 miền Triều Tiên trực tiếp gặp nhau không thể giải quyết ngay trong “một sớm một chiều” mọi vấn đề đã được coi là “hồ sơ nóng” của thế giới trong nhiều thập kỷ qua, song cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên sau 11 năm qua này vẫn được xem như một “cây cầu” không chỉ nối đôi bờ “dòng sông chia cắt” hai miền, mà còn có thể dẫn đến con đường dài phía trước hướng tới hòa bình và cùng phát triển thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.
Những tín hiệu tích cực từ tất cả các bên sau khi hai miền đạt được thỏa thuận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4, cho thấy cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều thể hiện thái độ nghiêm túc, thiện chí và quyết tâm biến cơ hội hiếm có này thành “cú hích” tạo bước ngoặt hướng tới một giải pháp hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Và cuộc gặp này là kết quả của các nỗ lực kiên định hòa giải với Triều Tiên trong một năm qua của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bất chấp những căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ phóng tên lửa, trong đó có 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ông Moon Jae-in là người ủng hộ "chính sách Ánh dương" mà các cố Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun từng theo đuổi.
Trước thềm hội nghị, hai bên cũng đã thiết lập đường dây nóng và duy trì liên tục các cuộc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước cùng với hàng loạt chuyến công du “con thoi” của các nhà ngoại giao và quan chức Hàn Quốc tới Mỹ, Nhật Bản…, hay của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc và giới chức Triều Tiên tới Nga … Điều đó cho thấy cả Bình Nhưỡng và Seoul đều đã có những bước “dọn đường” hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt, hai bên đều có các biện pháp gây dựng lòng tin và tránh gây căng thẳng. Mặc dù cuộc tập trận thường niên giữa quân đội Mỹ-Hàn đã diễn ra theo đúng kế hoạch, song thời gian, tính chất cũng như quy mô đều có điều chỉnh. Thời gian tập trận đã được rút ngắn xuống còn 1 tháng và không có sự tham gia của các khí tài chiến lược của Mỹ, như siêu hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom chiến lược hay tàu ngầm hạt nhân… Đây được nhìn nhận là nỗ lực tránh khiêu khích Triều Tiên và thể hiện thiện chí. Về phần mình, Bình Nhưỡng tuyên bố ngừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa, đóng cửa cơ sở thử hạt nhân tại Punggye-ri đồng thời nhất trí đàm phán không kèm điều kiện tiên quyết là quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc cũng là điểm được phía Seoul đánh giá cao.
Nhằm tạo thêm bầu không khí hữu nghị trước thềm cuộc gặp lịch sử này, bên cạnh hoạt động của các nhà ngoại giao là các hoạt động giao lưu, văn hóa thể thao, thể hiện tình đoàn kết giữa nhân dân hai miền. Những hoạt động ngoại giao nhân dân này đang tạo sự kết nối, gần gũi giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, càng làm cho lãnh đạo hai bên có thêm động lực để có những bước đi đáp ứng mong ước của người dân. Với cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-4, hai miền Triều Tiên đã có một cơ hội “thiên thời địa lợi, nhân hòa” để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là cuộc gặp "dẫn đường" cho hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.
Và những tuyên bố, cam kết được đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba này sẽ giúp cải thiện đáng kể quan hệ hai miền, trở thành tiền đề quan trọng để hướng tới những mục tiêu xa hơn, đúng với ý nghĩa “tạo sự khởi đầu mới” mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nêu ra.
Mở đường cho sự ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên
Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh liên Triều kết thúc, dư luận quốc tế đã hoan nghênh những kết quả tích cực mà Hội nghị đem lại. Phát ngôn viên Nhà Trắng (Mỹ) bày tỏ hy vọng cuộc gặp liên Triều sẽ mang đến tiến bộ về hòa bình và thịnh vượng cho toàn bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với Hàn Quốc nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cam kết của hai nhà lãnh đạo nhằm đạt được một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Thủ tướng Abe còn bày tỏ hy vọng Triều Tiên có những hành động cụ thể hướng tới việc thực hiện những cam kết của nước này. Theo nhà lãnh đạo Nhật Bản, Tokyo luôn duy trì liên lạc mật thiết với Washington, Seoul về vấn vấn đề Triều Tiên cũng như "tuyệt đối không" đứng ngoài tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đã hoan nghênh Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực để có được cuộc hội đàm hôm nay.
Trung Quốc đã hoan nghênh lãnh đạo hai miền Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, đồng thời gọi cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo tại đường ranh giới quân sự chia rẽ hai miền là "giây phút lịch sử". Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) cho biết "Trung Quốc hoan nghênh bước tiến lịch sử của lãnh đạo hai miền Triều Tiên và đánh giá cao quyết định chính trị và sự dũng cảm của họ". Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc mong chờ và hy vọng lãnh đạo hai miền Triều Tiêu tận dụng cơ hội này để mở ra con đường mới nhằm đem lại sự ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Nga đã ca ngợi hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là "tin tức rất tích cực", đồng thời cho rằng cuộc đối thoại trực tiếp về bán đảo bị chia cắt này là rất "khả quan".
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết đây là tin rất tích cực và các nước chứng kiến rằng cuộc đối thoại trực tiếp này đã diễn ra và mang lại những triển vọng tích cực. Từ Moskva, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của hai miền Triều Tiên. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS cùng ngày, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho rằng bán đảo Triều Tiên vốn là một trong những khu vực căng thẳng nhất trên thế giới, nơi hành động quân sự có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, theo ông, tình hình đã thay đổi và hai miền Triều Tiên đang đi theo hướng hòa giải.
Các bộ trưởng của 10 quốc gia Đông Nam Á tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Singapore ngày 27/4, đã hoan nghênh những tiến triển tích cực trên bán đảo Triều Tiên, trông đợi kết quả quan trọng từ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng như triển vọng cuộc gặp thượng định giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian tới, hướng đến một giải pháp hòa bình, bền vững cho việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Ông Yoon Young-chan, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho biết lãnh đạo hai miền đã tiến hành "một cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn" nhằm tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, cũng như phát triển các quan hệ liên Triều".
Các đảng phái chính trị tại Hàn Quốc cũng đã hoan nghênh cuộc gặp, đồng thời hy vọng hai bên sẽ có các bước đi cụ thể tiếp theo hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa. Đảng Dân chủ cầm quyền (DP) hy vọng hội nghị sẽ giúp mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn DP Park Beom-kye khẳng định những thỏa thuận trong hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đã không được triển khai đầy đủ. Nhưng hội nghị lần này sẽ được tiếp nối bằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên, được dự đoán sẽ tạo ra một kết quả đáng kể có thể mở đường cho một tương lai hòa bình và phát triển bền vững giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Đảng vì dân chủ và hòa bình cũng hoan nghênh hội nghị và cam kết sẽ ủng hộ bất kỳ tiến trình lập pháp nào cần thiết cho những kế hoạch của chính phủ sau hội nghị. Đảng Công lý cũng cho rằng đây là ngày đầu tiên của kỷ nguyên hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đồng thời nhấn mạnh một thỏa thuận phi hạt nhân hóa sẽ chứng minh sự thành công của hội nghị. Đảng đối lập chính Hàn quốc Tự do (LKP) cũng gọi cuộc gặp này là bước ngoặt mới đồng thời kêu gọi một tiến trình cụ thể nhằm dỡ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang rất kỳ vọng vào những hợp tác kinh tế sau sự kiện lịch sử này. Giới doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết ngay khi cuộc gặp thượng đỉnh có kết quả tích cực, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ khởi động các cuộc thảo luận thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều, nhằm nâng lĩnh vực hợp tác này lên một tầm cao mới. Điều này không phải không có cơ sở khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng cam kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên, với việc khởi động các dự án vĩ mô mở cửa cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Văn phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối cho hợp tác kinh tế dân sự giữa hai nước và đang chuẩn bị sẵn sàng cho các cơ hội này.
Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao triển vọng mà sự kiện lịch sử này đem lại, nhất là cho tiến trình hòa giải giữa hai miền cũng như quan giữa giữa Triều Tiên và Mỹ.
Ông Thomas Byrne, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Korea Soceity, Mỹ, tin rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un./.