(ĐCSVN) - Cuộc xung đột tại Syria không những tạo ra sự bất ổn trầm trọng trong khu vực mà còn gây ra những chao đảo, rung lắc dữ dội cho châu Âu, bất chấp những nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho sự giằng co lợi ích giữa các phe phái tại Syria.
Cuộc khủng hoảng di cư - Hậu quả trực tiếp của cuộc nội chiến Syria.
Khủng hoảng di cư - nỗi đau không của riêng ai
Trước hết, phải kể đến cuộc nội chiến Syria kéo dài gần nửa thập kỷ qua đã gây ra bao đau khổ cho người dân đất nước Bắc Phi này. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, kể từ khi bắt đầu hồi tháng 3/2011 cho tới nay, các cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của hơn 260.000 người và khiến khoảng 6,5 triệu người mất nhà cửa. 4,4 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tới các nước khác, trong đó 633.000 người lánh nạn ở Lebanon (chiếm tới 1/4 dân số Lebanon); 1,07 triệu người tha hương tại Jordan (chiếm 10% dân số Jordan). Người tị nạn Syria chen chúc trong các cơ sở, lều trại tạm bợ, đe dọa sự ổn định của các nước láng giềng. Với số người cần giúp đỡ lớn như vậy, các tổ chức cứu trợ quốc tế đã quá tải với một khối lượng công việc khổng lồ.
Không chỉ tràn sang các nước láng giềng, người tị nạn Syria còn mạo hiểm tính mạng, lênh đênh trên biển để tới châu Âu, nơi mà họ coi là miền đất hứa, tránh xa tao loạn. Làn sóng người Syria đổ vào châu Âu đã khiến châu lục này lâm vào cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Để đối phó, chống đỡ, Liên minh châu Âu đã phải tiến hành nhiều hội nghị khẩn cấp và bất thường trong suốt năm 2015 để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Làn sóng người di cư khổng lồ, chủ yếu đến từ Syria, đã khiến nhiều quốc gia ở châu Âu bất lực và đẩy Liên minh châu Âu vào tình trạng “rối như canh hẹ” trong việc giải quyết chủ đề này. Bất đồng giữa các nước thành viên về vấn đề này càng lớn hơn sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel mở cửa biên giới Đức cho người tị nạn, gây ra tình trạng “mắc kẹt” tại các nước trung chuyển, buộc một số nước phải đưa ra cảnh báo về khả năng tái khởi động các chốt kiểm tra biên giới. Trong khi đó, thỏa thuận trị giá 3,25 tỷ USD giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trước đó để tìm nơi ở cho hơn 2 triệu người di cư Syria đang mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đạt được kết quả khả quan, khi Ankara nhiều lần bị cáo buộc là không thể thu xếp ổn thỏa hay gây sức ép khiến người tị nạn phải rời bỏ quốc gia này.
Không chỉ bào mòn phúc lợi xã hội của Liên minh châu Âu, làn sóng người di cư ồ ạt đến từ Syria còn gây ra các nguy cơ an ninh lớn, tạo ra sự hỗn loạn về trật tự công cộng, nhất là tại các cửa khẩu biên giới và hệ thống giao thông của một số quốc gia. Chính vì vậy, một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã tiến hành đóng cửa biên giới để ngăn ngừa tình trạng quá tải người di cư. Khu vực miễn thị thực Schengen vốn là niềm tự hào của Liên minh châu Âu nay cũng bị đe dọa và tổn hại trước làn sóng di cư từ Syria. Nguy cơ khu vực Schengen bị tạm ngừng đang được thảo luận và trở thành một lựa chọn có thể là không thể tránh khỏi trong năm 2016 khi châu Âu ngày càng quá tải vì người di cư.
Bóng ma khủng bố
Không chỉ gây ra tình trạng quá tải, năm 2015, làn sóng người di cư từ Syria còn trở nên nguy hiểm hơn khi các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là lực lượng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lợi dụng trà trộn vào dòng người này để tràn vào các nước mục tiêu ở phương Tây. Trên thực tế, đây không còn là mối đe dọa nữa mà đã trở thành nỗi sợ thật sự sau vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris của Pháp ngày 13/11/2015, làm 130 người chết và 350 người khác bị thương. Các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS cũng không hề che giấu âm mưu phát triển những “mầm mống” của Nhà nước Hồi giáo ra toàn thế giới, nhất là châu Âu.
Mối đe dọa khủng bố này đã thổi bùng ngọn lửa cực hữu vốn đã âm ỉ cháy ở châu Âu. Khủng bố đã trở thành một trong những chủ đề nổi cộm trong các cuộc tranh luận chính trị tại Lục địa già. Dường như lần đầu tiên mối lo ngại an ninh quốc gia đã che khuất mối lo về kinh tế. Những người theo đường lối dân túy đã tận dụng sự hoang mang, sợ hãi của người phương Tây, kêu gọi những chính sách kiểu như không tiếp nhận người di cư, cấm cửa người Hồi giáo mà phần lớn trong số đó đến từ Syria.
Như vậy, có thể thấy chỉ riêng cuộc nội chiến ở Syria đã gây ra vô số hệ lụy khiến cả thế giới, đặc biệt là châu Âu rúng động.
Thay đổi cục diện quan hệ các nước
Năm 2015, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria. Từ đầu tháng 8/2015, các cuộc tham vấn về tình hình khủng hoảng tại Syria bất ngờ gia tăng với nhịp độ chưa từng thấy và tần suất các cuộc tiếp xúc ngày càng dày đặc. Đại diện các nước Nga, Mỹ, Saudi Arabia, Iran không ngừng trao đổi, gặp gỡ để thảo luận nhằm tìm hướng giải quyết cuộc nội chiến ở Syria.
Vấn đề về Syria cũng đã góp phần thay đổi cục diện quan hệ giữa các nước lớn khi cho phép Nga không kích IS trên lãnh thổ Syria. Chỉ trong vòng 3 tuần đầu không kích chống IS ở Syria, Nga đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố này ở Trung Đông. Hàng trăm cứ điểm quan trọng, nhiều nhà máy sản xuất vũ khí của IS đã bị phá hủy, hàng trăm tay súng IS bị tiêu diệt, nhiều chiến binh của tổ chức này phải rời bỏ hàng ngũ vì khiếp sợ. Chỉ với thời gian ngắn và gần 500 đợt không kích liên tục cả ngày lẫn đêm, Nga đã làm được điều mà Mỹ và liên quân hùng hậu gồm hàng chục quốc gia đã không thể làm được trong một năm qua.
Sự đảo ngược tình thế nhanh chóng này tại Trung Đông đã khiến cho Mỹ và phương Tây bất ngờ và rơi vào thế bị động. Chiến dịch không khích chống IS của Mỹ và các đồng minh phương Tây bị lu mờ. Dù Lầu Năm Góc khẳng định chiến dịch ném bom của Nga để hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không thay thế được sứ mệnh quân sự riêng của liên minh do Mỹ đứng đầu, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là sự hiện diện của Nga đã buộc quân đội Mỹ phải thích nghi với không gian chiến trường mới, bất ngờ và phức tạp hơn. Điều này đã giúp Tổng thống Nga V.Putin thể hiện được uy lực và tầm ảnh hưởng lớn hơn của mình tại khu vực Trung Đông, thách thức trực tiếp vai trò của Mỹ tại khu vực chiến lược này.
Bên cạnh đó, chiến dịch không kích IS ở Syria còn tạo ra một nút thắt mới bất ngờ cho quan hệ giữa Nga với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi một chiếc Su-24 của Nga đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trên bầu trời Syria. Sự kiện này đã đẩy quan hệ Nga-Thổ xấu đi nhanh chóng, kéo theo những biện pháp trừng phạt lẫn nhau.
Như vậy, với diễn biến xung quanh cuộc chiến ở Syria, có thể thấy những biến động ở nước này đã gây ra nhiều hệ lụy cho châu Âu và thế giới trong năm 2015. Tuy nhiên, ngay những ngày đầu năm 2016, cuộc nội chiến Syria đã đón nhận những tín hiệu tích cực khi Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura ngày 8/1 đã tới thủ đô Damascus để gặp Ngoại trưởng nước chủ nhà Walid Muallem, nhằm thảo luận các bước chuẩn bị cho cuộc đàm phán hòa bình dự kiến diễn ra cuối tháng 1 giữa chính phủ và các nhân vật đối lập. Cuộc hòa đàm giữa các phe phái đối địch ở Syria là bước đầu tiên của kế hoạch 18 tháng đầy tham vọng do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm đem lại một giải pháp chính trị cho nước này.
Xu thế hòa bình và hợp tác vẫn là dòng chủ lưu trong quan hệ quốc tế có thể thắp lên tia sáng cho vấn đề Syria và những vấn đề xung quanh cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” ở quốc gia Bắc Phi này./.