|
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng Đức cần áp đặt các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để đẩy lùi làn sóng lây nhiễm COVID-19. (Ảnh: dw.com) |
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 31.800.853 ca nhiễm COVID-19, trong đó 574.815 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (144.829 ca); Brazil (89.090 ca); Mỹ (83.449 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (55.791 ca); Pháp (41.243 ca); Ba Lan (28.487 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (3.647 ca); Mỹ (904 ca); Ấn Độ (773 ca); Ba Lan (768 ca); Italy (718 ca); Mexico (548 ca) Ukraine (419 ca)…
Tại châu Âu, tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm COVID-19 hiện tại là 41.311.921 người, với 945.563 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại nhiều nước như Pháp, Đức, Cộng hòa Séc... Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 214.478 ca nhiễm mới và 4.343 ca tử vong vì COVID-19.
Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 4.980.501 ca mắc COVID-19 và 98.395 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 9/4, Pháp có thêm 41.243 ca nhiễm mới và 301 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Tổ chức các bệnh viện AP-HP của Pháp dự báo làn sóng lây nhiễm thứ 3 trong nước sẽ lên tới đỉnh dịch vào ngày 20/4 tới.
Với hơn 2,9 triệu bệnh nhân COVID-19 và tốc độ lây lan gia tăng trong những ngày qua, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng Đức cần áp đặt các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để đẩy lùi làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay càng sớm càng tốt. Ông Spahn nhấn mạnh, Đức cần thực hiện một đợt phong tỏa và có thể sẽ cần áp đặt giới nghiêm ban đêm để hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội. Ông Spahn cho biết thêm hiện có gần 4.500 bệnh nhân vẫn đang phải điều trị tích cực, nếu tình trạng này không suy giảm, hệ thống y tế của Đức có thể sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Tính đến nay, nước này ghi nhận gần 79.000 ca tử vong vì dịch bệnh.
Châu Á đã có tổng cộng 30.629.747 ca nhiễm và 444.268 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 292.826 ca mắc và 2.247 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 27.414.224 ca được điều trị khỏi; 2.771.255 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 27.495 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 9/4, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 144.829 ca mắc mới và 773 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 13.202.783 ca và 168.467 ca. Riêng thủ đô New Delhi ghi nhận tới hơn 7.400 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong năm nay, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Cùng ngày, chính quyền bang Delhi yêu cầu tất cả các trường công và tư tại bang đóng cửa cho đến khi có chỉ thị tiếp theo, khi số ca mắc tăng vọt tại khu vực này.
Ngày 9/4, Chính phủ Nhật Bản quyết định cho phép chính quyền thủ đô Tokyo, tỉnh Kyoto và tỉnh Okinawa áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh ở những khu vực này. Theo đó, các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/4 ở tất cả 23 quận và 6 thành phố thuộc thủ đô Tokyo, 9 thành phố thuộc tỉnh Okinawa và thành phố Kyoto thuộc tỉnh Kyoto. Dự kiến, các biện pháp này sẽ được dỡ bỏ ở các tỉnh Kyoto và Okinawa vào ngày 5/5, và ở thủ đô Tokyo vào ngày 11/5. Hiện, Nhật Bản ghi nhận hơn 496.206 ca nhiễm và 9.334 ca tử vong vì dịch bệnh.
|
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại các địa điểm đã được bố trí tại thủ đô Berlin, Đức ngày 9/4. (Ảnh: Xinhua) |
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 20.571 ca mắc mới và 528 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.997.763 người mắc COVID-19, trong đó 61.576 ca tử vong.
Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế Indonesia ngày 9/4 cho biết, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 5.265 ca mắc mới COVID-19 và 121 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 1.558.145 ca, bao gồm 42.348 ca tử vong. Trước đó, ngày 8/4, Bộ Giao thông vận tải Indonesia thông báo nước này đã quyết định cấm người dân di chuyển bằng đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt trong lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Lệnh cấm này sẽ được áp dụng từ ngày 6-17/5.
Philippines hiện ghi nhận số ca lây nhiễm mới lên tới trên 12.000 người, trong khi ca tử vong cũng tăng mạnh, nâng tổng số người chết do COVID lên 14.520 ca. Tình hình dịch bệnh tại Campuchia cũng rất đáng lo ngại. Bộ Y tế Campuchia ngày 9/4 ghi nhận số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày cao nhất từ trước tới nay với 576 ca, trong đó riêng thủ đô Phnom Penh đã có 544 ca. Như vậy tổng ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 3.604 trường hợp, trong đó 24 ca tử vong. Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vadine kêu gọi người dân nên đón Tết cổ truyền Khmer ở nhà (từ ngày 14-16/4), thực hiện triệt để các hướng dẫn về phòng chống dịch gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn với người khác.
Tại Thái Lan, chính phủ nước này ngày 9/4 đã ra lệnh đóng cửa các cơ sở giải trí tại thủ đô Bangkok và 40 tỉnh khác trong ít nhất 2 tuần nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trước thềm lễ hội đón Năm mới của nước này trong tuần tới. Các quán bar, karaoke, massage sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 23/4.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 104.938 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 36.651.099 ca, tổng số người tử vong là 833.313 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 28.358.971 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.267.019 ca nhiễm và 206.146 ca tử vong.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 9/4 khẳng định, làn sóng dịch thứ 3 tại nước này hiện đang nghiêm trọng hơn 2 làn sóng đầu, khi số ca mắc bệnh nặng và nhập viện tăng vọt trong lúc chiến dịch tiêm vaccine chưa thể thay đổi tình hình trong vòng vài tuần tới.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 22.257.783 ca nhiễm; 587.693 ca tử vong và 19.892.874 ca phục hồi. Brazil tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 13.375.414 ca nhiễm, trong đó 348.934 ca tử vong.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.366.161 ca mắc COVID-19, trong đó 115.490 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.556.242 trường hợp, trong đó 53.226 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.267 ca mắc mới COVID-19 và 53 ca tử vong vì đại dịch.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, French Polynesia, New Zealand, Wallis and Futuna và Fiji là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Australia đang dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 6 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 29.388 ca. Australia hiện ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19./.