(ĐCSVN) – Ngày 15/7, Israel khẳng định họ "không còn sự lựa chọn nào khác" là tăng cường các cuộc tấn công vào Dải Gaza sau khi thỏa thuận ngừng bắn bị Hamas bác bỏ và cuộc xung đột dường như vẫn chưa có điểm dừng.
|
Các loạt đạn pháo vẫn nổ ra trên Dải Gaza vào ngày 15/7/2014 (Ảnh: Liberation) |
Những phản ứng trái chiều trước đề xuất của Ai Cập
Ngày 15/7, đề nghị ngừng bắn được Ai Cập đưa ra đã tạo nên những phản ứng khác nhau tại Israel, khi nội các nước này tuyên bố chấp thuận, thì ở Dải Gaza, nhánh vũ trang của Hamas lại từ chối.
Sáng kiến do Ai Cập đề xuất kêu gọi một lệnh ngừng bắn vô điều kiện từ cả hai bên trong vòng 12 giờ, tiếp theo là mở các cửa khẩu biên giới tại Gaza và tổ chức đàm phán tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong vòng 2 ngày.
Người phát ngôn của Hamas Sami Abu Zuhri cho biết phong trào Hồi giáo này vẫn chưa chấp thuận đề nghị của Ai Cập và nói thêm rằng theo quan điểm của họ, Hamas sẽ chỉ ngừng bắn khi các yêu cầu của họ được chấp nhận. Phong trào Hồi giáo này yêu cầu đặc biệt chấm dứt việc phong tỏa của Israel đối với Dải Gaza và Ai Cập giảm bớt các hạn chế tại các cửa khẩu biên giới Rafah từ khi tổ chức Anh em Hồi giáo bị lật đổ cách đây một năm.
Không những thế, Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam Brigades, nhánh vũ trang của Phong trào Hồi giáo Hamas đã từ chối thỏa thuận ngừng bắn, cho rằng điều này đối với họ giống như một sự "đầu hàng" và thậm chí còn tuyên bố: “Các trận chiến của chúng tôi với kẻ thù sẽ tiếp tục và tăng lên về cả cường độ và sự quyết liệt”. Lực lượng thù địch từng khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng kể từ tuần trước, song đã không chấp nhận thời hạn ngừng bắn mà Ai Cập đưa ra, dự báo nhiều chia rẽ trong các cuộc đàm phán tại Cairo.
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết cuộc họp nội các diễn ra sáng 15/7 đã nhất trí với đề xuất ngừng bắn do Ai Cập bảo trợ, có hiệu lực từ 9 giờ sáng cùng ngày (giờ địa phương). Thông báo bằng văn bản này được đưa ra vô cùng ngắn gọn và không kèm theo bất cứ bình luận nào.
Quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Israel Amos Gilad chỉ ra nhiều điểm khá thuận lợi trong các ý tưởng về một thỏa thuận ngừng bắn bởi vì theo ông, các cuộc tấn công trên Dải Gaza đã thành công trong việc làm suy yếu Hamas. "Một đề nghị như vậy, nếu được chấp nhận, sẽ đồng nghĩa với việc Hamas cuối cùng cũng không thể làm được những gì mà họ đã dự kiến", lãnh đạo của Bộ Quốc phòng Israel cho biết.
Những nỗ lực để ngăn chặn một "thảm kịch"
Đêm 14 rạng sáng 15/7, Liên đoàn Ả Rập liên tiếp đưa ra kêu gọi Israel và Palestine chấp nhận đề nghị của Ai Cập. Trong một tuyên bố được đưa ra, Liên đoàn Ả Rập bày tỏ sự ủng hộ cho sáng kiến của Ai Cập "để bảo vệ cuộc sống của những người dân vô tội".
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, người đứng đầu chính quyền Palestine tại Bờ Tây, cũng hoan nghênh sáng kiến này của Ai Cập đồng thời hối thúc các bên ngừng giao tranh.
Đặc phái viên của nhóm Bộ Tứ về Trung Đông Tony Blair hoan nghênh đề nghị của Cairo có thể "ngăn chặn tổn thất bi thảm về con người, các loạt rocket vào Israel".
Đề nghị của Ai Cập cũng nhận được sự hoan nghênh từ phía Tổng thống Mỹ Barack Obama. "Tôi hy vọng (đề nghị này) sẽ khôi phục lại sự bình ổn", ông Obama tuyên bố, đồng thời đánh giá Israel có quyền tự vệ chống lại các cuộc tấn công "không thể tha thứ" và mô tả cái chết của các thường dân Palestine là một "thảm kịch".
Tại Washington, Nhà Trắng đã cảnh báo về các cuộc tấn công "bởi vì nó sẽ gây nguy hiểm cho dân thường", đồng thời nhắc lại rằng Israel có "quyền" và "trách nhiệm" để bảo vệ công dân của mình.
Trước đó, ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết đã sẵn sàng tạo điều kiện để chấm dứt chiến sự.
Ngày 15/7, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeir đã có cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah ở Bờ Tây. Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Abbas, ông Steinmeir kêu gọi phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas của Palestine, hiện đang kiểm soát Dải Gaza, chấp thuận đề xuất ngừng bắn do Ai Cập đưa ra. “Những giờ tới không chỉ rất khó khăn mà rất quan trọng, liên quan việc chấp thuận đề xuất của Ai Cập cũng như sự thành bại của đề xuất đó. Chúng tôi đã chứng kiến cuộc thảo luận căng thẳng tại Israel, bên đã chấp thuận đề xuất của Ai Cập. Chúng tôi đề nghị phong trào Hamas trong những giờ tới hãy đồng ý với đề xuất này”, ông Steinmeir nêu rõ.
Trong khi đó, người đồng nhiệm Itaty của ông Federica Mogherini dự kiến sẽ tới đây vào ngày 16/7.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng đánh giá "quá nhiều thường dân Palestine" đã bị thiệt mạng, và bày tỏ quan ngại về một cuộc tấn công trên mặt đất có thể sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm số nạn nhân này.
Chiến sự vẫn vô cùng ác liệt
Theo đánh giá mới nhất của các cơ quan cứu trợ, chỉ trong vòng 8 ngày xung đột, các cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza đã khiến 197 người Palestine thiệt mạng và gần 1.500 người bị thương. Đánh giá này thậm chí còn vượt quá con số từng khiến dư luận quan ngại 177 trường hợp người Palestine thiệt mạng đã thống kê trong cuộc tấn công vào tháng 11/2012.
Sau 6 giờ ngừng bắn vì đồng ý với thỏa thuận do Ai Cập đề xuất, Israel đã nối lại các cuộc không kích do Hamas bác bỏ kế hoạch này. Lực lượng phòng vệ Israel khẳng định từ sáng qua (15/7) đã có hơn 140 quả rocket bay từ Dải Gaza sang Israel. Phản ứng lại, máy bay Israel tiếp tục dội bom lửa xuống Gaza. Một quả tên lửa đã san bằng nhà của ông Mahmud al-Zahar, một thủ lĩnh Hamas. Nhà của ít nhất 3 thủ lĩnh Hamas khác cũng bị tấn công.
Phía Israel cho biết tính đến sáng nay (16/7) đã có hơn 1.000 quả rocket bắn từ Gaza sang nước này. Đêm qua, một người Israel đầu tiên đã thiệt mạng trong loạt rocket của Hamas là Dror Hanin, 37 tuổi, bị sát hại ở một địa điểm gần cửa khẩu Erez.
Vòng xoáy bạo lực hiện tại đã bùng phát với số lượng vụ tấn công bằng rocket tăng vọt, trong bối cảnh Israel trấn áp các thành viên lực lượng Hamas tại khu Bờ Tây hồi tháng trước, nhằm truy lùng những kẻ bắt cóc 3 thiếu niên Israel. 3 nạn nhân sau đó được phát hiện bị sát hại, và căng thẳng càng tăng cao khi một thiếu niên Palestine bị giết chỉ vài ngày sau đó trong một vụ việc được cho là để trả đũa.
Theo quân đội Israel, hơn 800 tên lửa đã nhằm vào lãnh thổ của nhà nước Do Thái trong vòng một tuần, khiến 4 người bị thương nghiêm trọng. Trước đó vào năm 2012, 6 người Israel đã bị thiệt mạng.
Tại Gaza "tất cả đã cho thấy, đó là một thảm kịch, khi phụ nữ và trẻ em chiếm một tỷ lệ lớn trong số các nạn nhân của các cuộc không kích", ông Pierre Krahenbuhl, người đứng đầu cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) nhấn mạnh. "Hiện nay, hơn ¼ số người thiệt mạng là trẻ em", ông lưu ý.
Theo UNRWA, khoảng 17.000 người đã tìm cách lánh nạn trong các trường học tại những địa điểm mà họ quản lý. Tuy nhiên, việc tiếp nhận rất khó khăn. Xung đột cũng đe dọa lây lan sang các biên giới của Israel.
Không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh hiện nay, một thỏa thuận ngừng bắn được thực thi sẽ mang lại sự ổn định có lợi cho cả hai bên chiến sự./.