Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-24 của Nga tại căn cứ quân sự Hmeimin thuộc tỉnh Latakia, miền Tây Bắc Syria.
Nguồn: AFP/TTXVN
Sứ mệnh của Nga tại Syria đã hoàn thành Ngày 14/3, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói: "Tôi cho rằng các nhiệm vụ giao cho Bộ Quốc phòng, nhìn chung đã được hoàn thành. Vì vậy tôi ra lệnh từ ngày 15/3 các đơn vị chính của quân đội chúng ta rút ra khỏi Syria. Các quân nhân, binh sĩ, sĩ quan của chúng ta đã cho thấy tính chuyên nghiệp, sự phối hợp, khả năng tổ chức chiến đấu cách xa lãnh thổ của mình".
Ông Putin bày tỏ hy vọng việc bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria sẽ là động lực mới đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định Nga vẫn sẽ duy trì căn cứ không quân Hemeimeem của lực lượng Nga tại tỉnh Latakia, miền Đông Syria, để hỗ trợ giám sát lệnh ngừng bắn, cùng một cơ sở hải quân tại thành phố cảng Tartous của Syria. Ông Putin cũng chỉ đạo Ngoại trưởng Lavrov tăng cường vai trò của Nga trong tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột Syria.
Trao đổi với báo giới trước thềm cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho biết, các nhà ngoại giao của Nga đã nhận được mệnh lệnh đẩy mạnh các nỗ lực để đạt được một giải pháp chính trị tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này. Theo ông Churkin, lực lượng quân đội của Nga trong thời gian qua đã hoạt động hiệu quả. Quan chức này từ chối đề cập đến khả năng Nga dừng tất cả các cuộc không kích, song khẳng định Moskva sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn được thực thi.
Ngay sau khi Tổng thống Nga ra sắc lệnh rút quân khỏi Syria, Văn phòng Tổng thống Syria cho biết, quyết định trên đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận và nhất trí với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Quyết định này “phù hợp với việc duy trì trạng thái ngừng giao tranh cũng như tình hình trên thực địa”, cũng như căn cứ vào những thành công của quân đội Syria và không quân Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, lập lại hòa bình, an ninh cho nhiều vùng lãnh thổ của Syria.
Văn phòng Tổng thống Syria cũng bác bỏ những thông tin từ phe đối lập cho rằng có sự tranh cãi hoặc có "vấn đề" giữa Moskva và Damascus dẫn đến việc Nga bắt đầu rút lực lượng khỏi Syria. Thông cáo của văn phòng này khẳng định “đây là bước đi đã được cân nhắc kỹ và được thực hiện với sự phối hợp hoàn toàn giữa hai bên Nga và Syria". Thông cáo cũng nêu rõ Nga cam kết tiếp tục ủng hộ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình Syria, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi nhấn mạnh, Moscow và Damascus tiếp tục phối hợp ở mức cao nhất trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Zoubi cũng khẳng định rằng “không có sự thay đổi nào trong quan hệ quân sự và chính trị giữa Nga và Syria”.
Ngày 15/3, nhóm các máy bay quân sự đầu tiên đã rời căn cứ không quân Hmeimin ở Syria để trở về các căn cứ thường trực trên lãnh thổ Liên bang Nga. Nhóm đầu tiên trở về này có các máy bay cường kích Su-34. Ngoài ra, mỗi nhóm sẽ được hộ tống bởi một máy bay chở khách Tupolev-154 hoặc máy bay vận tải Ilyushin-76 chở các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật và hàng hóa.
Phản ứng của dư luận quốc tế
Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Ismael Gaspar Martins cho biết, các thành viên hội đồng hoan nghênh kế hoạch rút phần lớn các đơn vị chủ lực của Nga khỏi Syria. Ông Martins cũng cho rằng, "bước đi tích cực" này là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ, đồng thời cho rằng tiếp sau việc Nga rút quân, thỏa thuận giải quyết xung đột ở Syria có thể sẽ bước sang một trang mới.
Trong phản ứng đầu tiên, Chính phủ Mỹ đã bày tỏ sự thận trọng trước quyết định rút quân bất ngờ của Nga. Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, cho biết Washington sẽ phải xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các ý định của Nga. Trong cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc Tổng thống Putin gây sức ép với Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad ngừng mọi hoạt động quân sự có nguy cơ làm đổ vỡ lệnh ngừng bắn mong manh mới đạt được. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về “những bước đi tiếp theo” trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng cho rằng động thái của Nga bắt đầu rút quân khỏi Syria là một dấu hiệu tích cực đối với lệnh ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông này.
Quyết định có cơ sở và mang tính chiến lược
Không kém bất ngờ như khi Điện Kremlin mở chiến dịch không kích chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ Syria cách đây hơn 5 tháng, sự kiện Nga đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Syria ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Đã có nhiều cách lý giải khác nhau về động cơ thực sự của Nga trong quyết định này. Nhưng dù giải thích theo cách nào thì các nhà phân tích đều phải thừa nhận Nga đã thành công trong cuộc chiến ở Syria và quyết định rút quân là hoàn toàn có cơ sở mà mang tính chiến lược.
Thứ nhất là, do Moskva đã hoàn thành toàn bộ mục tiêu đề ra tại Syria kể từ khi bắt đầu các cuộc không kích vào tháng 9/2015 và làm suy yếu tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức khủng bố khác. Đây là mục tiêu số một khi Nga can dự vào Syria. Hiệu quả không kích và sự trợ giúp về quân sự của Nga cho chính quyền Syria cao hơn rất nhiều so với các nước phương Tây. Đến nay, IS đã không còn tồn tại với tư cách là một nhà nước khủng bố, mà bị phân tán thành những nhóm khủng bố nhỏ lẻ ở nhiều khu vực khác nhau. Các lực lượng khủng bố khác, ví dụ như al-Nusra, một chi nhánh của Al Quaeda tại Trung Đông, cũng bị đánh tan tác. Trong bối cảnh đó, đã đến lúc phải điều chỉnh phương thức chống khủng bố, không thể sử dụng sức mạnh không quân quy mô lớn như trước. Thay vào đó, Nga đang chuyển dần sang sử dụng các lực lượng đặc nhiệm, luồn sâu tìm diệt và chuyển giao trách nhiệm cho quân đội chính phủ Syria.
Thứ hai là, mục tiêu hỗ trợ đồng minh và củng cố vị thế chiến lược của Nga ở Trung Đông đã cơ bản hoàn thành. Chính quyền Syria đã giành lại thế chủ động, làm chủ các chiến trường rộng lớn. Điều này cũng tạo cho phía Chính phủ Syria có lợi thế lớn trong các cuộc đàm phán hòa bình với phe đối lập đang diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ).
Giờ đây, thế đứng chân của Nga ở Syria đã vững chắc. Nga không chỉ có căn cứ hải quân Tartus, mà còn có căn cứ không quân ở Latakia với nhiều khí tài hiện đại, có thể kiểm soát những vùng rộng lớn cả ở trên không phận châu Âu và trên biển Địa Trung Hải. 5 tháng không kích IS đủ để Nga chuyển các thông điệp mạnh mẽ tới NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các lực lượng Shiite thân Nga ở khu vực. Uy tín của Nga ở Trung Đông tăng lên rất mạnh.
Thứ ba là, kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Ucraina đến nay, Nga đã chuyển từ thế bị động sang chủ động về chính trị, có thêm các con bài lợi hại trong xử lý quan hệ với Mỹ và phương Tây; buộc Mỹ và phương Tây phải tính tới lợi ích của Nga trong các vấn đề toàn cầu.
Bên cạnh đó, quyết định này cũng chứng minh hành động can thiệp quân sự của Nga theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là hoàn toàn đúng đắn. Mặc dù diễn biến ở Syria không có bất kỳ mối liên quan nào tới các lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Nga nhưng với thành công mà Moskva thu về trên chiến trường Syria, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại việc trừng phạt Nga vì những vấn đề ở Ukraine.
Thứ tư là, quyết định rút quân này còn giúp ông Putin tránh nguy cơ bị thiệt hại đáng kể cả về phương diện quân sự lẫn uy tín nếu như sứ mệnh này lún sâu vào bãi lầy như ở Afghanistan trước đây.
Thứ năm là, quyết định rút quân lần này cũng góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với Nga. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày quân đội Nga chi phí khoảng 4 triệu USD ở chiến trường Syria. Đây là một gánh nặng không nhỏ cho ngân sách của Nga. Trong khi đó, kinh tế Nga đang gặp vô vàn khó khăn do giá dầu liên tục giảm sâu và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Một số nhà phân tích cho rằng, trong lúc kinh tế lao dốc, giá dầu xuống thấp và ảnh hưởng chính trị có xu hướng giảm, nước cờ khôn ngoan nhất của ông Putin là rút ra khỏi một cuộc chiến tốn kém sau khi đã đạt được những điều mình muốn. Đây cũng là một thắng lợi chính trị trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).
Thứ sáu là, với quyết định rút quân, Tổng thống Putin đã cho thế giới thấy Nga đang chuyển hướng chiến lược ở Syria. Nhiệm vụ chống khủng bố và giai đoạn sử dụng sức mạnh quân đội quy mô lớn đã kết thúc. Bây giờ là lúc Nga chuyển sang sử dụng các biện pháp đàm phán, đối thoại để tìm kiếm một giải pháp chính trị toàn bộ cho vấn đề Syria trên thế mạnh.
Rõ ràng, sự chuyển hướng chiến lược của Nga vào lúc này là một quyết định rất khôn ngoan và hoàn toàn chính xác. Nhật báo "Izvestia" của Nga khẳng định: "Nga đặt ra hình mẫu về cách tiếp cận hòa bình nhằm giải quyết xung đột. Bằng cách tuyên bố rút các lực lượng chính ra khỏi Syria từ ngày 15/3, Nga có đủ cơ sở để tuyên bố rằng chiến dịch tại Syria là một thắng lợi"./.