Ông Donald Trump phát biểu sau chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ngày 9/11/2016 tại New York.
(Ảnh: AFP)
Nhiều lời chúc mừng, tin tưởng và kỳ vọng…
Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đồng thời khẳng định, Anh và Mỹ sẽ vẫn là những đối tác gần gũi và bền chặt về thương mại, an ninh cũng như quốc phòng. Trong một tuyên bố được đưa ra, bà Theresa May bày tỏ mong muốn “làm việc với Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, xây dựng quan hệ giữa hai nước để bảo đảm an ninh, thịnh vượng trong những năm tới".
Cùng chúc mừng chiến thắng của ông Trump, Thủ tướng Bỉ Charles Michel bày tỏ hy vọng Bỉ và Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhau trong việc bảo vệ các giá trị chung như sự tự do và lòng khoan dung.
Phát biểu tại Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng chiến thắng của ông Donald Trump sẽ mang lại những bước đi tích cực hòa bình và các quyền cơ bản ở Trung Đông và thế giới. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bezik Bozdağ thì nói rằng, chiến thắng của ông Trump về cơ bản không thay đổi mối quan hệ "sâu sắc" giữa hai nước.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump và bày tỏ "mong muốn được làm việc rất chặt chẽ" với tân Tổng thống Mỹ, "đặc biệt là về các vấn đề thương mại, đầu tư cũng như hòa bình và an ninh quốc tế".
Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump và hy vọng sẽ có một “cuộc đối thoại mang tính xây dựng” với tân Tổng thống Mỹ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Thông cáo của Điện Kremlin cho biết: “Ông Putin bày tỏ hy vọng sự hợp tác chung để khôi phục lại quan hệ Nga – Mỹ cũng như để giải quyết các vấn đề quốc tế và tìm ra những biện pháp ứng phó hiệu quả đối với những thách thức gây quan ngại tới an ninh toàn cầu”. Ngoài ra, hãng thông tấn TASS trích lời Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma quốc gia Nga) Vyacheslav Volodin cho biết, Moscow hy vọng tạo được đối thoại mang tính xây dựng hơn nữa với Washington khi Tổng thống mới của Mỹ được bầu. Quốc hội Nga sẽ hoan nghênh bất cứ bước đi nào theo hướng này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump và cam kết duy trì quan hệ gắn bó giữa hai nước Nhật Bản và Mỹ. "Tôi gửi lời chúc chân thành về cuộc bầu cử và Tổng thống tiếp theo của Mỹ. Nhật Bản và Mỹ là hai đồng minh không thể tách rời, gắn kết với nhau bởi các lợi ích chung như tự do, dân chủ, quyền cơ bản của con người và các nguyên tắc của pháp luật" – ông Abe cho biết.
Trong khi đó, Hàn Quốc, một trong các đồng minh hàng đầu của Mỹ tại châu Á, tuyên bố hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục chính sách gây sức ép đối với Triều Tiên.
Chúc mừng ông Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng bày tỏ mong đợi tiếp tục mối quan hệ đối tác với Washington. “Tôi nghĩ sự hợp tác với Mỹ sẽ vẫn tiếp tục vì họ cũng cần quan hệ đối tác với Malaysia và nhiều nước khác. Tôi chắc chắn ông Trump sẽ sử dụng đúng phương pháp để giúp nước Mỹ hợp tác với nhiều nước khác” – ông Razak nêu rõ.
Ông Martin Andanar, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho hay, Tổng thống Rodrigo Duterte đã gửi lời "chúc mừng nồng nhiệt" đến ông Donald Trump, ngay sau khi tỷ phú New York giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tổng thống Duterte mong “làm việc với chính quyền mới của Mỹ nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Philippines và Mỹ, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, cam kết chia sẻ những lý tưởng dân chủ và pháp quyền".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã viết trên mạng xã hội Twitter chúc mừng Tổng thống đắc cử của Mỹ: "Chúng tôi đánh giá cao tình bạn mà ông đã minh chứng đối với Ấn Độ trong chiến dịch của mình. Chúng tôi mong được làm việc với ông để đưa quan hệ song phương Mỹ – Ấn Độ lên một tầm cao mới”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng ca ngợi chiến thắng của ông Donald Trump và coi ông như "một người bạn thực sự của Nhà nước Israel". "Tôi mong muốn được làm việc với ông về an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực của chúng tôi" – Thủ tướng Netanyahu bày tỏ.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã chúc mừng tân Tổng thống Mỹ và hy vọng chiến thắng của ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho mối quan hệ gần gũi hơn với Washington. Trong thông cáo được đưa ra, Tổng thống al-Sisi nêu rõ: “Ai Cập mong đợi thời gian nắm quyền của ông Donald Trump sẽ thổi một luồng sinh khí mới trong quan hệ Ai Cập – Mỹ với sự hợp tác nhiều hơn vì lợi ích của nhân dân Ai Cập và Mỹ”.
Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto viết trên trang mạng xã hội Twiiter cho biết "sẵn sàng làm việc" với ông Trump và bảo đảm rằng hai nước là "bạn bè, đối tác và đồng minh". "Tôi tin tưởng rằng, Mexico và Mỹ tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác và tôn trọng lẫn nhau" – ông nhấn mạnh. Đến tối 9/11, ông Peña Nieto thông báo đã thống nhất với ông Trump rằng họ sẽ gặp nhau trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2017. Cuộc gặp này sẽ nhằm mục đích "xác định rõ định hướng tương lai của mối quan hệ giữa hai nước" – Tổng thống Mexico cho biết.
Trong tuyên bố được đưa ra sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hoan nghênh ông Donald Trump, đồng thời nhấn mạnh những thách thức toàn cầu hiện đòi hỏi một hành động quốc tế phối hợp và các giải pháp chung. Trong bối cảnh đó, theo Tổng thư ký, “là thành viên sáng lập của Liên hợp quốc và thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Mỹ là một nhân tố chủ chốt trong tiến trình nghị sự quốc tế”. Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc cũng bày tỏ tin tưởng ông Donald Trump sẽ “ủng hộ các giá trị chung, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy quyền con người”.
Giám đốc điều hành Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng nhấn mạnh với ông Donald Trump về vai trò quan trọng của Mỹ "đối với nền kinh tế thế giới".
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong NATO và nhấn mạnh, một NATO là hết sức quan trọng đối với cả Mỹ lẫn châu Âu. Theo ông Jens Stoltenberg, nhà lãnh đạo của Washington có vai trò "quan trọng hơn bao giờ hết" đối mặt "với một môi trường an ninh khó khăn mới".
Đối với các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã mời Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump tới dự hội nghị thượng đỉnh EU – Mỹ vào thời gian thích hợp nhất. Theo hai quan chức cấp cao EU, điều này quan trọng hơn bao giờ hết nhằm tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. “Tôi không cho rằng, hiện nay một quốc gia có thể tự khẳng định lớn mạnh bằng cách cô lập” – ông Tusk cho biết. “Châu Âu và Mỹ đơn giản không có sự lựa chọn nào khác là hợp tác chặt chẽ nhất có thể”.
… cùng những lo ngại và thận trọng
Cùng với lời chúc mừng được gửi tới ông Donald Trump sau chiến thắng của tỷ phú này tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng không giấu mối quan ngại khi cho biết: “Tôn trọng sự lựa chọn dân chủ của người dân Mỹ, chúng tôi cũng đồng thời nhận thức được những thách thức lớn mà kết quả này mang lại. Một trong số đó là sự không chắc chắn ở thời điểm này về tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng tôi”. Đề cập đến cú sốc mới đây của Brexit làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến EU, ông Tusk cảnh báo rằng "các sự kiện trong những ngày tháng gần đây phải được coi là một dấu hiệu cảnh báo cho tất cả những ai tin vào dân chủ tự do”.
Nhấn mạnh “quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Mỹ là sâu và rộng”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định: "Chỉ thông qua hợp tác chặt chẽ, EU và Mỹ mới có thể tiếp tục vượt qua sự khác biệt để loại bỏ những thách thức chưa từng có như: IS (tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng), các mối đe dọa đến chủ quyền và lãnh thổ của Ukraina, biến đổi khí hậu và di cư”.
Còn theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini, EU “sẽ tiếp tục làm việc” với Mỹ, các mối quan hệ hiện có “sâu sắc hơn bất kỳ sự thay đổi chính trị nào”. Một cuộc họp đặc biệt của các Ngoại trưởng EU sẽ diễn ra vào ngày 13/11 tới đây sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump song Tổng thống Pháp Francois Hollande lưu ý rằng, kết quả của cuộc bầu cử này mở ra “một giai đoạn không chắc chắn”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng bày tỏ quan ngại, đặc biệt là về tương lai của thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran. "Sẽ phải cố gắng để biết những gì Tổng thống mới muốn làm" – ông nói, và bảo đảm rằng Pháp, "đồng minh của Mỹ", sẽ tiếp tục làm việc với đối tác Mỹ "vì một thế giới hòa bình".
Tại Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen – một đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, miêu tả kết quả cuộc bầu cử là “một cú sốc lớn”. Phát biểu với mạng lưới truyền hình ARD, bà Ursula von der Leyen nói: "Tất nhiên, chúng ta và những đối tác khác của NATO biết ông Donald Trump sẽ hỏi chúng ta về những gì mình đã góp cho liên minh (NATO). Nhưng chúng ta cũng được đòi hỏi lại là vị trí của nước Mỹ trong liên minh là gì? Nhiều câu hỏi sẽ được đưa ra. Trách nhiệm của Mỹ và vì cả lợi ích của chúng ta. Tôi cũng nghĩ rằng, Donald Trump thừa biết kết quả cuộc bầu cử này không phải là vì ông ấy mà là sự chống lại Washington, chống lại định chế của người dân Mỹ".
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắc nhở vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ về "trách nhiệm" ở phạm vi quốc tế: “Đức và Mỹ liên kết bởi các giá trị, dân chủ, tự do, tôn trọng quyền, nhân phẩm của con người không phân biệt màu da, tôn giáo, giới tính hoặc quan điểm chính trị. Chính trên cơ sở những giá trị này, tôi đề nghị hợp tác chặt chẽ với Tổng thống tương lai”.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, không nên "đánh giá thấp" kết quả của cuộc bầu cử Mỹ. "Kết quả của cuộc bầu cử ở Mỹ là khác với đa số những gì người Đức mong muốn nhưng tất nhiên là chúng ta phải chấp nhận kết quả này. Trong quá trình tranh cử, ông Trump thường xuyên chỉ trích châu Âu và nước Đức. Chúng tôi sẽ phải điều chỉnh chính sách vì chính sách đối ngoại trong tương lai của Mỹ sẽ rất khó dự đoán" – ông khẳng định.
Tại Italy, Thủ tướng Matteo Renzi đã phát biểu rất đơn giản: "Tôi chúc mừng anh. Tình bạn Italy – Mỹ là vững chắc".
Từ Trung Đông, Tổng thống Palestine kêu gọi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump hướng tới việc thành lập một "Nhà nước Palestine trên các đường biên giới năm 1967", cùng tồn tại với Israel, đồng thời cảnh báo về những nguy cơ nếu ông bỏ qua vấn đề Palestine. Người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rdeinah nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề Palestine đối với việc đảm bảo an ninh và ổn định tại khu vực Trung Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif kêu gọi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ "tôn trọng các thỏa thuận" quốc tế mà Mỹ đã thông qua: "Bất kỳ Tổng thống nào của Mỹ đều phải hiểu những thực tại của thế giới ngày nay. Điều quan trọng nhất là Tổng thống tương lai của Mỹ phải tôn trọng các thỏa thuận, cam kết không chỉ ở cấp độ song phương, mà còn ở cấp độ đa phương".
Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro kêu gọi ông "thiết lập và để lại một chương trình nghị sự tích cực cho chính quyền kế tiếp" về các quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo của Venezuela chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ tôn trọng "các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc" liên quan đến "bình đẳng chủ quyền" và "tự quyết" trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, bắt đầu vào tháng 1/2017./.