Ông Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quan hệ với Nga và châu Âu
Reuters đưa tin, phát biểu tại New York, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, ông nhận thấy sự trùng hợp kỳ lạ giữa ý tưởng đối ngoại của hai nhà lãnh đạo và xem đây là nền tảng vững chắc để bắt đầu các cuộc đối thoại giữa Moscow và Washington.
“Họ (ông Putin và ông Trump) có chung các nguyên tắc chính sách đối ngoại và điều đó thật kỳ lạ”, kênh Channel One của Nga dẫn lời ông Peskov.
Trong hoàn cảnh Moscow và Washington hiện đang đối đầu trong các vấn đề liên quan tới Syria, Ukraine và NATO, ông Peskov cho rằng sẽ còn phải mất một thời gian dài để mối quan hệ hai nước vươn lên tầm cao mới bởi lâu nay, quan hệ hai bên đã xuống mức cực thấp.
Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết chính phủ nước này đã liên lạc với các thành viên trong nhóm chính trị của ông Trump khi tỷ phú Mỹ còn đang trong chiến dịch tranh cử. Thậm chí, Nga còn biết rõ các thân tín của ông Trump.
Dựa trên những phát biểu thiện chí của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang kỳ vọng sẽ có một cuộc đàm phán nghiêm túc với ông Trump. Tổng thống Mỹ sẽ có quyền hành pháp để nới lỏng các lệnh trừng phạt, và Nga có khả năng sẽ giảm bớt chiến dịch quân sự của họ tại Syria để tạo thuận lợi cho tiến trình đối thoại. Tuy nhiên, cả hai bên đều có nhiều hạn chế, khó có thể đi xa được. Bộ máy quân sự của Mỹ, cộng đồng tình báo Mỹ và các nghị sĩ Cộng hòa, thậm chí cả các thành viên tiềm tàng trong nội các của ông Trump, đều có quan điểm "diều hâu" đối với Nga và ý thức cái giá phải trả về mặt chiến lược nếu như khuyến khích Nga mở rộng ảnh hưởng trong không gian Xô viết trước đây.
Tuy nhiên, Nga có thể tranh thủ thời kỳ quá độ này để củng cố quan niệm rằng họ có thể có sự mặc cả quan trọng với Washington, và nhờ đó các đồng minh của Mỹ tại Đông Âu có thể có nhượng bộ theo. Điều này sẽ tạo cho Moscow thêm cơ hội để lái các quốc gia Đông Âu phải thỏa hiệp với Nga trong những vấn đề như hạn chế phạm vi hoạt động của NATO.
Một số quốc gia sẽ dễ bị Nga làm tổn thương hơn so với một số nước khác, nhất là Ba Lan và các quốc gia Baltic. Những nước này sẽ tìm cách liên kết với nhau và tự củng cố khả năng phòng thủ trong giai đoạn bất ổn này. Trong năm 2017, tại châu Âu cũng sẽ diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng tại Pháp, Đức, Hà Lan và có thể cả Italy. Những dấu hiệu tan rã của châu Âu và sự nổi lên của những đảng theo chủ nghĩa dân tộc và hoài nghi châu Âu - vốn có quan điểm nhẹ nhàng hơn với Nga - sẽ tạo lợi thế cho ông Putin khi ông bắt đầu tiến trình đàm phán với ông Trump.
Bức tranh ảm đạm tại Trung Đông
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump đã hứa sẽ tiến hành một cuộc chiến mạnh tay để tiêu diệt những phần tử Hồi giáo cực đoan ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt ông có quan điểm cứng rắn đối với lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, các chiến dịch quân sự tại Iraq và Syria nhằm chiến đấu với IS sẽ được đẩy mạnh, nhất là tại Iraq. Sự ủng hộ của Mỹ đối với lực lượng dân quân người Kurd có thể được tiếp tục, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra xa Mỹ hơn, song lâu nay Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tự củng cố sự hiện diện tại miền bắc Syria và Iraq.
Chiến trường này sẽ có sự thay đổi lớn nhất nếu như tại cuộc đàm phán Mỹ - Nga, Mỹ đồng ý giảm viện trợ cho lực lượng đối lập tại Syria. Viễn cảnh này sẽ củng cố vị thế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Iran, song lại gây lo lắng cho khối Sunni do Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cầm đầu. Nếu Mỹ giảm bớt sự ủng hộ đối với lực lượng đối lập tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia buộc phải tăng cường can dự, do đó sẽ "đổ thêm dầu" vào cuộc đấu giáo phái với Iran trên toàn khu vực.
Chiến thắng của ông Trump cũng làm dấy lên những câu hỏi về cuộc bầu cử tổng thống của Iran vào tháng 5/2017 cũng như số phận của hiệp định hạt nhân có tên Kế hoạch Hành động Phối hợp toàn diện (JCPOA). Iran sẽ tìm cách lấy lòng những nước châu Âu tham gia ký hiệp định hạt nhân nhằm cố gắng đảm bảo rằng Mỹ sẽ không rút khỏi hiệp định này hay tìm cách khôi phục các lệnh trừng phạt.
Giảm bớt sự can dự tại châu Á - Thái Bình Dương?
Ở một số phương diện, chiến thắng của ông Trump sẽ thúc đẩy sự mở rộng, chứ không phải là đảo ngược, những xu hướng gần đây trong chính sách của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương. Mạng tin "Stratfor" từng dự đoán rằng trong những năm tới, Mỹ sẽ bắt đầu chuyển thêm nhiều trách nhiệm đảm bảo an ninh khu vực sang cho những đối tác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiến trình này tuy chưa cụ thể, song có thể được tiếp tục dưới thời chính quyền Trump.
Trong bối cảnh Mỹ giảm bớt sự quyết đoán tại Đông Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thành viên khác trong khuôn khổ liên minh của Mỹ sẽ lấp khoảng trống đó. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các chính phủ sẽ tăng cường hơn nữa đầu tư cho quân đội và thậm chí có thể từng bước tiến tới phát triển kho vũ khí hạt nhân nếu như những cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực có sự cơ cấu lại đáng kể. Ngoài ra, những năm tới có thể chứng kiến việc Tokyo sửa đổi một cách quyết liệt hơn hiến pháp để có một quân đội "bình thường" - tiến trình này sẽ đưa Nhật Bản nổi lên như một cường quốc hàng đầu khu vực, có khả năng kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc.
Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp cận chính quyền của ông Trump bằng thái độ lạc quan dè dặt. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ cảnh giác trước bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump nhằm áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế, chẳng hạn áp thuế quan hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc.
Cơ hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trở nên cực thấp dưới thời chính quyền Trump, mặc dù trong suốt thời kỳ tranh cử ông Trump thay đổi quan điểm như chong chóng. Nếu không có sự tham gia của Mỹ, TPP sẽ "chết". Hiệp định này quy định phải có sự phê chuẩn của ít nhất 6 quốc gia ký kết với tổng sản phẩm quốc nội cộng lại tương đương 85% GDP của toàn bộ các nước tham gia thì TPP mới có hiệu lực. Sự sụp đổ của TPP nếu xảy ra sẽ là cú giáng mạnh vào những đối tác chủ chốt của Mỹ tại khu vực, nhất là Nhật Bản. Tokyo không chỉ "đặt cược" phần lớn các cuộc cải cách kinh tế và chính trị của mình vào việc tham gia TPP, mà còn coi hiệp định này có tầm trọng chiến lược đối với quan hệ Mỹ - Nhật cũng như vị thế của Washington tại khu vực.
Vẫn còn khá sớm để thấy những thay đổi trong chính sách đối ngoại của chính quyền dưới thời Tổng thống D. Trump. Những gì đang diễn ra trên thị trường tài chính tiền tệ quốc tế và việc ông D.Trump lên tiếng trấn an Hàn Quốc sau động thái họp chính phủ khẩn cấp mới chỉ là những phản ứng ban đầu. Những tháng tới sẽ là phép thử hiện thực đằng sau những tuyên bố hùng hồn của ông Trump về các chính sách quan trọng, trong đó chính sách đối ngoại vẫn còn là một ẩn số./.