|
Ủy ban châu Âu đã ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan lên ít nhất 20 tỷ m3/năm vào năm 2027. (Ảnh: Reuters) |
Thỏa thuận được ký trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tới thủ đô Baku mang tên "Quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng”.
"Trong bối cảnh Nga tiếp tục vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng, việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng là ưu tiên của Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Ủy viên phụ trách Năng lượng của EU Kadri Simson sẽ đến Azerbaijan để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên”, thông báo của EC cho biết hôm 17/7.
"Mục tiêu của chúng tôi là tăng gấp đôi lượng khí đốt chuyển từ Azerbaijan tới EU trong vài năm tới. Azerbaijan sẽ là đối tác quan trọng đảm bảo nguồn cung năng lượng cho chúng tôi và thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải", bà Ursula von der Leyen viết trên trang cá nhân Twitter.
Tại lễ ký kết, Chủ tịch EC nói: "Hôm nay, theo bản ghi nhớ mới ký kết, chúng ta đang mở ra chương mới trong hợp tác năng lượng với Azerbaijan, đối tác quan trọng trong nỗ lực từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga”.
Theo bà Ursula von der Leyen, nhập khẩu khí đốt của Azerbaijan sẽ tăng lên 12 tỷ vào năm tới, điều này “sẽ giúp bù đắp việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga và đóng góp đáng kể nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung của châu Âu”.
Về phần mình, Tổng thống Azerbaijan Aliyev ca ngợi thỏa thuận hợp tác năng lượng EU-Azerbaijan đã "thay đổi bản đồ năng lượng của châu Âu”, đồng thời nhấn mạnh “các vấn đề an ninh năng lượng đang ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết”.
Theo đó, hai bên nhất trí mở rộng “Hành lang khí đốt phía Nam” chạy qua Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhằm nâng công suất lên 20 tỷ m3/năm trong vài năm tới.
Hồi tháng 5 vừa qua, các lãnh đạo EU thống nhất dừng đa số hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay theo gói trừng phạt mà EU đang áp dụng đối với Moskva vì chiến dịch quân sự mà Nga đang triển khai tại Ukraine.
Theo đó, EU đang tích cực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và đảm bảo nguồn cung nhiên liệu hóa thạch từ các đối tác mới./.