Gần 20 quốc gia muốn thiết lập quan hệ đối tác với BRICS
Thứ ba, 03/10/2023 15:31 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ngày 2/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, gần 20 quốc gia quan tâm đến việc thiết lập quan hệ đối tác với Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: aa.com.tr) |
Thông tin trên được ông Sergei Lavrov phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai lần thứ 20 đang diễn ra ở thành phố Sochi (Nga).
“Thế giới đang trở nên đa cực và các quốc gia muốn tìm kiếm những đối tác đáng tin cậy và việc mở rộng BRICS có thể được coi là minh chứng cho điều này”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Ông khẳng định, BRICS là một trong những đối tác đáng tin cậy đó và có thể hỗ trợ cho mỗi quốc gia tham gia khối này. Theo Ngoại trưởng Lavrov, hiện đã có 6 nước gia nhập Nhóm BRICS và vẫn còn gần 20 quốc gia nữa muốn thiết lập quan hệ đặc biệt với khối này.
Sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong các ngày 22 - 24/8 vừa qua tại thành phố Johannesburg, Nam Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố mở rộng khối này. Theo đó, Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) sẽ trở thành thành viên của Nhóm BRICS từ ngày 1/1/2024.
BRICS được thành lập năm 2009 với 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp thêm Nam Phi một năm sau đó. Sau khi mở rộng thêm, số thành viên của nhóm BRICS sẽ nâng lên thành 11, trong đó có 3 cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới là Ả rập Xê út, UAE, và Iran.
BRICS mở rộng sẽ chiếm gần 40% nền kinh tế toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm BRICS hiện đã vượt GDP của Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) và khoảng cách này sẽ ngày càng lớn hơn khi có thêm 6 thành viên mới gia nhập BRICS vào năm tới.
Hội nghị BRICS diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo BRICS khẳng định cam kết với chủ nghĩa đa phương và duy trì luật pháp quốc tế. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng khuyến khích các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế./.
H.Hà (Theo TASS, Xinhua)