Giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao

Thứ ba, 08/10/2024 12:45
(ĐCSVN) – Chốt phiên giao dịch ngày 7/10, giá dầu thế giới tăng hơn 3%, trong đó giá dầu Brent Biển Bắc lần đầu tiên vượt mốc 80 USD/thùng kể từ tháng 8/2024.
 Giá dầu Brent lần đầu tiên vượt mốc 80 USD/thùng kể từ tháng 8/2024. (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, tại thời điểm đóng cửa giao dịch trên thị trường New York (Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 3,7%, lên mức 80,93 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 2,76 USD/thùng, tương đương 3,7%, lên mức 77,14 USD/thùng. 

Nguyên nhân thúc đẩy đà tăng mạnh của giá dầu là do nhà đầu tư lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng toàn khu vực Trung Đông cũng như nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ các khu vực sản xuất chủ chốt.

"Nhà đầu tư lo ngại xung đột tiếp tục leo thang. Như vậy, nguồn cung dầu tại Iran và Trung Đông bị đe dọa", các nhà phân tích tại Tudor, Pickering, Holt & Co nhận định. Iran hiện sản xuất 3,4 triệu thùng dầu một ngày.

Tuần trước, giá dầu Brent cũng tăng hơn 8%, trong khi WTI tăng hơn 9%, ghi dấu tuần tăng mạnh nhất của giá dầu trong hơn một năm qua, sau khi Iran tấn công tên lửa vào Israel vào ngày 1/10, làm dấy lên lo ngại Israel sẽ đáp trả bằng cách tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran.

Vào sáng ngày 7/10, các tên lửa do lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã bắn vào thành phố Haifa - thành phố lớn thứ ba của Israel. Trong khi đó, Israel có khả năng mở rộng các cuộc tấn công vào miền Nam Liban, khiến xung đột có khả năng lan rộng khắp Trung Đông.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Phillip Nova, ông Priyanka Sachdeva nhận định, căng thẳng leo tháng có thể làm giảm áp lực về nhu cầu.

Theo các nhà phân tích, giá dầu tăng đang làm gia tăng kỳ vọng trên thị trường rằng các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) có thể sẽ đảo ngược quyết định cắt giảm sản lượng. 

OPEC+ dự kiến sẽ bắt đầu tăng sản lượng từ tháng 12 sau khi cắt giảm trong những năm gần đây để hỗ trợ giá do nhu cầu toàn cầu yếu. Theo Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates, việc này chỉ có thể xảy ra nếu giá dầu Brent phải chạm mức gần 90 USD/thùng.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak gần đây cho biết, OPEC+ đang chủ động cắt giảm nguồn cung dầu nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài cho thị trường dầu mỏ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị phần của OPEC+ đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, sau khi cắt giảm sản lượng kể từ năm 2022 và nguồn cung tăng từ Mỹ và các nhà khai thác khác. Theo tính toán của giới chuyên gia, sản lượng dầu của OPEC+ hiện chiếm khoảng 48% nguồn cung thế giới./.

H.Hà (Theo Reuters, CNN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực