Giao tranh Azerbaijan - Armenia lại tiếp diễn

Thứ ba, 13/09/2022 10:59
(ĐCSVN) – Sáng 13/9, truyền thông nước ngoài đưa tin các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa quân đội Azerbaijan và Armenia tiếp tục tái diễn ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, đánh dấu bước leo thang mới trong quan hệ căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ giữa hai láng giềng vùng Capcaz.
Giao tranh giữa quân đội Azerbaijan và Armenia bùng phát từ rạng sáng 13/9. (Ảnh: Telegram/oc-media.org)

Hãng truyền thông DW của Đức cho biết, các cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan đã bùng phát, với việc hai bên đều hứng chịu các cuộc pháo kích dữ dội từ đôi bên. Các cuộc giao tranh xảy ra ở vùng Nagorno-Karabakh, một khu vực thuộc Azerbaijan, nơi những người Armenia ly khai dân tộc thiểu số tuyên bố trở thành một nước Cộng hòa ly khai - sau này được gọi là Artsakh từ năm 1991.

Tại một cuộc họp báo vào sáng 13/9, người phát ngôn Bộ quốc phòng Armenia Aram Torosyan cho biết tình hình vẫn "cực kỳ căng thẳng" khi giao tranh đang tiếp diễn.

Hiện cả Armenia và Azerbaijan đều đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân ban đầu khơi mào cho các cuộc đụng độ.

Bộ Quốc phòng Armenia xác nhận: "Vào lúc 00:05 sáng (giờ địa phương) ngày 13/9, Azerbaijan đã tiến hành các cuộc pháo kích dữ dội, với pháo binh và vũ khí cỡ nòng lớn, nhằm vào các vị trí quân sự của Armenia theo hướng các thành phố Goris, Sotk và Jermuk”.

Về phía Azerbaijan cáo buộc lực lượng Armenia đã sử dụng mìn và huy động vũ khí để thực hiện "các hành động tấn công quy mô lớn" vào đêm 13/9 nhằm vào khu vực gần các quận biên giới Dashkesan, Kelbajar và Lachin. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết, đáp trả hành vi khiêu khích của quân đội Armenia, phía Azerbaijan đã tấn công vào những khu vực cục bộ và được quân đội Armenia sử dụng làm điểm bắn.

Các lực lượng Armenia khẳng định, họ đã phản ứng “tương xứng” trước các hành động tấn công từ Azerbaijan. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan lại nhấn mạnh rằng quân đội nước này đã phải hứng chịu các các cuộc pháo kích dữ dội từ các đơn vị quân đội Armenia. Cho tới nay, cả Yerevan và Baku đều khẳng định đã ghi nhận thương vong trong binh lính song không tiết lộ con số cụ thể.

Trước diễn biến trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin về tình hình giao tranh dọc biên giới Armenia-Azerbaijan, đồng thời kêu gọi hai bên chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.

Truyền thông Nga, ngày 13/9 đưa tin Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó các bên thảo luận về sự leo thang ở biên giới Armenia-Azerbaijan.

Binh sĩ Armenia trong cuộc giao tranh với lực lượng Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh ngày 25/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN. 

Văn phòng Báo chí Nội các Armenia cho biết, nhân cuộc điện đàm, Thủ tướng Armenia đã nêu chi tiết về các cuộc tấn công do các lực lượng vũ trang Azerbaijan nhằm vào lãnh thổ nước này. Nhà lãnh đạo Armenia coi đây là hành vi không thể chấp nhận và kêu gọi phản ứng phù hợp từ cộng đồng quốc tế.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và đòi độc lập khỏi Azerbaijan vào những năm 1990. Trên thực tế, khu vực này được tự trị và nhận được sự hỗ trợ từ Armenia kể từ đó. Tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Năm 2020, giao tranh lại tái diễn ở Nagorny-Karabakh và kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian. Theo đó, một nửa Nagorno-Karabakh có người Armenia sinh sống được lực lượng gìn giữ hòa bình Nga bảo vệ, trong khi tất cả các vùng lãnh thổ khác do Yerevan kiểm soát trước đây đã được nhượng lại cho Baku.

Đầu tháng 8/2022, Azerbaijan đã tấn công Nagorno-Karabakh sau khi cáo buộc Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn năm 2020, yêu cầu "phi quân sự hóa" hoàn toàn khu vực có người dân tộc Armenia sinh sống. Diễn biến này đã khiến Nga – nước bảo trợ cho thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh lên tiếng chỉ trích./.

T.Lan (Theo DW, Reuters, TASS)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực