Hạ viện Anh 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit: Điều gì sẽ xảy ra?

Thứ bảy, 30/03/2019 22:28
(ĐCSVN) - Lần thứ ba liên tiếp, Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit của Chính phủ do bà Therasa May đứng đầu, mở đường cho việc trì hoãn Brexit, hoặc có thể là dẫn tới kịch bản Anh rời Liên minh châu Âu không có thỏa thuận. Đây được coi là nỗi buồn không chỉ của Thủ tướng Anh mà còn là sự bối rối, lo lắng của cả Châu Âu.

Ngày 29/3/2019, với 286 phiếu thuận và 344 phiếu chống, Hạ viện Anh lần thứ 3 đã bác bỏ thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hồi cuối năm ngoái. Động thái trên của Hạ viện Anh đã mở đường cho việc trì hoãn Brexit, hoặc có thể là dẫn tới kịch bản "thảm họa" Anh rời Liên minh châu Âu không có thỏa thuận. Sự chênh lệch giữa số phiếu thuận và số phiếu chống đối với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May trong lần bỏ phiếu thứ 3 vào ngày 29/3 đã được thu hẹp. Tuy nhiên, tờ The Guardian nhận định, thỏa thuận này đã thất bại và cần một cách tiếp cận mới đối với vấn đề Brexit.

Lần thứ ba liên tiếp, Thủ tướng May thất bại tại Hạ viện trong vấn đề Brexit (Ảnh: Reuters)

Việc thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May 3 lần liên tiếp thất bại tại Hạ viện đã đặt Anh trong một tình huống bất ổn, song lại mở ra nhiều khả năng. Sự cách biệt giữa số phiếu ủng hộ và phản đối đã được thu hẹp. Tuy nhiên, quyết định đã rõ ràng, "quá tam ba bận". Ba cuộc bỏ phiếu đều mang lại một kết quả giống nhau. Trong một bình luận sau khi thất bại lần 3, bà May dường như để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc bỏ phiếu lần thứ 4. Đây sẽ là một hành động khó tìm được sự ủng hộ. Cần có giới hạn số lần thỏa thuận được đưa ra để Quốc hội bỏ phiếu, và thỏa thuận của Thủ tướng May đã chạm tới giới hạn đó. Thỏa thuận Brexit của bà May đã thật sự thất bại và cần được chôn vùi.

Thủ tướng May cần thỏa thuận được thông qua để hạn chót Brexit sẽ được dời từ ngày 12/4 sang 22/5. Về lý thuyết, điều này có thể cho phép Quốc hội thông qua dự luật rút lui để Anh không liên quan tới cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu (EP) sắp tới. Tuy nhiên, sau thất bại lần 3, điều này dường như sẽ không xảy ra. Thực tế cho thấy Anh hiện đối mặt với phương án Brexit không thỏa thuận trong vòng 2 tuần hoặc trì hoãn Brexit lâu hơn, trong khoảng thời gian đó Anh có thể sẽ tham gia cuộc bầu cử Liên minh Châu Âu. Do phương án đầu tiên rõ ràng mang lại nhiều rủi ro, lựa chọn gần như chắc chắn là trì hoãn Brexit lâu hơn.

Thất bại của Thủ tướng May đòi hỏi một cách tiếp cận khác đối với vấn đề Brexit. Các phương án tiếp theo sẽ được đưa ra cho các nghị sĩ vào ngày 1/4. Có 2 đề xuất có thể sẽ được đưa ra, ủng hộ một liên minh thuế quan và một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về thỏa thuận cuối cùng. Nếu Hạ viện Anh có thể thống nhất điều này, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào ngày 10/4 tới có thể sẽ đề xuất gia hạn Điều khoản 50 cho Anh để củng cố một thỏa thuận khác, sau đó đưa ra cho công chúng bỏ phiếu cuối cùng. Thất bại lần thứ 3 của bà May cuối cùng đã mở ra hướng đi cho một cách tiếp cận hoàn toàn khác với cái mà bà theo đuổi trong 3 năm qua.

Ngày 29/3, Phủ Tổng thống Pháp đã cảnh báo việc các nghị sĩ Anh lần thứ 3 bác bỏ thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May về vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu "đã làm gia tăng mạnh mẽ khả năng rời khỏi không thỏa thuận". Tuyên bố của Phủ Tổng thống Pháp nêu rõ: "Anh cần lập tức đưa ra một kế hoạch thay thế trong những ngày tới. Nếu việc này thất bại, có khả năng xảy ra nhất đó là chúng ta sẽ thấy Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận".

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cập đến vấn đề Brexit tại một cuộc tranh thảo luận quan trọng tại Điện Elysée. Tổng thống Pháp cho rằng nếu tới ngày 12/4 mà người Anh không đưa ra được sự đồng ý với một thỏa thuận mà họ đã ký với Liên minh châu Âu, đó sẽ là thời điểm của một Brexit “cứng”. Ông Emmanuel Macron cho rằng Pháp nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất và cũng là nước sẵn sàng nhất nếu kịch bản này xảy ra.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo, đã gần hết thời gian để tránh viễn cảnh Brexit không thỏa thuận, song ông khẳng định Liên minh Châu Âu đã sẵn sàng đối phó với một kết quả như vậy. Ông Heiko Maas cho biết: "Chúng ta đã gần hết thời gian để tránh một Brexit hỗn loạn. Người dân Anh cần đưa ra quyết định trước ngày 12/4 về cách thức tiếp theo. Tôi chỉ có thể nói rằng Đức và Liên minh châu Âu đã sẵn sàng cho mọi tình huống".

Dự kiến, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ họp vào ngày 10/4 để thảo luận về vấn đề Brexit. Trên trang twitter của mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết rằng “do quyết định từ chối Thỏa thuận rút lui của Hạ viện Anh, tôi đã quyết định triệu tập cuộc họp Hội đồng châu Âu vào ngày 10/4”.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đưa ra thời hạn mới cho Thủ tướng Anh Theresa May với hy vọng tìm được sự ủng hộ cho thỏa thuận rút lui. Liên minh châu Âu cho biết nước Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu vào ngày 12/4 nếu như bỏ phiếu ngày 29/3 tại Hạ viện lại thất bại. Trường hợp thỏa thuận Brexit được thông qua thì Liên minh châu Âu mới đồng ý để Anh lùi ngày rời Liên minh châu Âu đến ngày 22/5./.

Tấn Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực