Trong phiên bỏ phiếu ngày 3/4, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật
ngăn Brexit không thỏa thuận. (Ảnh cắt từ bản tin của PressTV)
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn chỉ trích bà May đã không “đi đủ xa” trong các cuộc đối thoại để phá vỡ thế bế tắc trong Brexit.
Theo lịch trình ban đầu, Anh đáng lẽ ra đã rời khỏi EU từ ngày 29/3 vừa qua. Tuy nhiên, dù đã 3 năm trôi qua kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, tiến trình Brexit vẫn gặp nhiều trắc trở và Anh vẫn chưa thể đưa ra một lộ trình rõ ràng nhằm rời khỏi ngôi nhà chung EU mà nước này đã gia nhập từ năm 1973.
Sau khi Quốc hội 3 lần bác bỏ bản thỏa thuận Brexit do chính phủ đề xuất, bà May đã mời ông Corbyn đối thoại để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng đang làm chao đảo chính trường Anh. Tuy nhiên, sau khi sự kiện này kết thúc, lãnh đạo 69 tuổi của phe đối lập nhận định, đã không có nhiều thay đổi như ông mong đợi và cuộc gặp giữa ông với bà May tuy hữu ích song lại không đem lại kết quả cuối cùng.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc liệu bà May đã chấp nhận điều kiện của ông Corbyn về việc thành lập Liên minh hải quan chung với EU trong thời kỳ hậu Brexit, lãnh đạo phe đối lập không trả lời trực tiếp mà chỉ khẳng định rằng, ông và bà May thực sự đã thảo luận về tất cả các vấn đề liên quan tới điều này.
Ông Corbyn – người bỏ phiếu phản đối Anh gia nhập EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1975, đã bày tỏ quan điểm cho rằng Brexit nên bao gồm việc hình thành một Liên minh hải quan với EU và các điều khoản về quyền tiếp cận thị trường đơn lẻ cũng như việc bảo vệ người tiêu dùng và quyền của người lao động.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, cuộc gặp giữa bà May và ông Corbyn kéo dài 1 giờ 40 phút. Đây được đánh giá là một sự kiện mang tính xây dựng và cả hai nhà lãnh đạo đã tỏ rõ sự linh hoạt cũng như cam kết sẽ đặt dấu chấm hết cho tình thế bất ổn hiện nay về Brexit.
Cuộc gặp gỡ giữa bà May và lãnh đạo Công đảng chiếm 245 ghế trong tổng số 650 ghế tại Quốc hội được xem là một cách tiếp cận khả thi để Thủ tướng Anh bảo đảm có được sự ủng hộ đa số từ phía các nhà lập pháp đối với bản thỏa thuận Brexit, nhất là trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang nỗ lực để kêu gọi EU gia hạn lần thứ 2 cho tiến trình Brexit sau ngày 12/4.
Tuy nhiên, hành động trên của bà May đã vấp phải sự phản đối từ một số thành viên trong đảng Bảo thủ cầm quyền. Ngay trong ngày 3/4, đã có tới 2 thứ trưởng tuyên bố từ chức, với một trong số này là quan chức phụ trách mảng Brexit.
Trong khi đó, sức ép ngày càng gia tăng đối với Thủ tướng May trong vấn đề Brexit không chỉ đến từ chính trường Anh khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker kêu gọi Quốc hội Anh chấp thuận bản thỏa thuận Brexit và xem đây là điều kiện để lùi thời hạn chót.
Phát biểu từ Nghị viện châu Âu (EP), ngày 3/4, ông Junker đã để ngỏ kịch bản sẽ chấp thuận phương án lùi thời hạn Brexit đến ngày 22/5 nếu như Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit vào ngày 12/4. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo EC cũng cảnh báo nguy cơ rất hiện hữu của kịch bản Brexit không thỏa thuận vào ngày 12/4. “Đây không phải là kết cục mà tôi mong muốn. Song đây cũng là kịch bản mà tôi cũng đã từng tuyên bố chắc chắn rằng EU đã sẵn sàng đón nhận” – ông Juncker nói
Dự kiến vào ngày 10/4, các nhà lãnh đạo EU sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh bất thường để lắng nghe Thủ tướng Anh trình bày ý tưởng nhằm giải quyết vấn đề Brexit./.