Hàn Quốc ứng phó với khủng hoảng y tế như thế nào?

Thứ ba, 12/03/2024 16:08
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – “Cuộc khủng hoảng” trong lĩnh vực y tế ở Hàn Quốc dường như chưa có dấu hiệu dừng lại khi tiếp tục lan rộng sang lĩnh vực đào tạo. Điều gì đang xảy ra đối với ngành y tế ở xứ sở kim chi?
 Ảnh chụp tại một bệnh viện đa khoa ở Incheon vào ngày 11/3/2024. (Yonhap)

Từ thực trạng thiếu nhân lực ngành y tế...

 Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ bác sĩ trên dân số của Hàn Quốc chỉ đạt mức 2,6 bác sĩ/1.000 dân, thấp hơn nhiều so mức trung bình 3,7 tại các nước thành viên OECD.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang chứng kiến xu hướng sụt giảm đáng kể số lượng bác sĩ trong các ngành thiết yếu như phẫu thuật, sản phụ khoa và nhi khoa. Nhiều bệnh viện ở ven đô thị hoặc nông thôn thường xuyên đối mặt tình trạng thiếu bác sĩ, buộc người dân phải di chuyển quãng đường xa để được khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, đến năm 2035, nước này sẽ thiếu khoảng 15.000 bác sĩ. Do vậy, để giải bài toán về thiếu nhân lực ngành y tế, ngày 6/2/2024, Chính phủ Hàn Quốc bất ngờ tuyên bố sẽ tăng số lượng tuyển sinh vào trường y từ 3.058 hiện nay lên 5.058 bắt đầu từ năm 2025.

Ðây là lần đầu Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y kể từ năm 1998. Giới phân tích cho rằng, quyết định thúc đẩy hoạt động đào tạo bác sĩ là cần thiết và phù hợp tình trạng khan hiếm nhân lực tại các bệnh viện ở khu vực nông thôn Hàn Quốc. Hạn ngạch nêu trên cũng không cao so mức của nhiều nước trên thế giới.

Trước quyết định nói trên của chính phủ, nhiều người dân Hàn Quốc  bày tỏ sự ủng hộ. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Gallup, khoảng 76% số người được hỏi ủng hộ việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh của trường y. Nhiều người nói rằng họ cảm thấy mệt mỏi vì thời gian chờ đợi lâu tại các bệnh viện, nên việc tăng số lượng nhân viên y tế là điều cần thiết.

Bệnh nhân được đưa đến phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở Seoul (Ảnh: Yonhap)

Đến làn sóng đình công lan rộng

Tuy nhiên, quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều bác sĩ Hàn Quốc. Trong ba tuần qua, hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ tập sự tại Hàn Quốc  đã nghỉ việc, gây ra tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế trầm trọng tại các bệnh viện ở nước này.

Các bác sĩ đình công lập luận rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh viên y khoa sẽ không giải quyết được vấn đề lương và điều kiện làm việc của họ, thậm chí có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Họ nói rằng chính phủ trước tiên nên giải quyết vấn đề lương bổng và điều kiện làm việc của đội ngũ hiện tại trước khi tìm cách tăng số lượng bác sĩ mới.

Ngày 3/3, hàng chục nghìn bác sĩ đã tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn tại phía Tây thủ đô Seoul, nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ. Cuộc tuần hành do Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), hội nghề nghiệp lớn nhất của các bác sĩ ở Hàn Quốc lên kế hoạch.

Sau nhiều tuần biểu tình và đình công của các nhân viên y tế, nhiều bệnh viện phải hủy bỏ một số hoạt động và các khoa cấp cứu luôn ở trong tình trạng căng thẳng.

Trong một động thái mới nhất,  ngày 11/3, các giáo sư trường y tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU) đã quyết định nộp đơn từ chức hàng loạt vào tuần tới nếu chính phủ không có bước đột phá hợp lý nhằm giải quyết cuộc đình công kéo dài của các bác sĩ tập sự. Các giáo sư trường y cảnh báo sẽ hành động nếu chính phủ không tiến tới đối thoại mà không có điều kiện.

Các giáo sư y khoa thuộc Đại học Catholic Hàn Quốc cũng cảnh báo sẽ tiếp tục đình chỉ các ca phẫu thuật và giảm hoạt động điều trị cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Tương tự, các giáo sư y khoa tại Đại học Chungang ở Seoul cũng tuyên bố sẽ đưa ra những phản ứng thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Một hiệp hội các giáo sư trường y cho rằng, việc các giáo sư chủ động từ chức sẽ ngày càng tăng, nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục y tế của đất nước. Động thái của các giáo sư trường y này được cho là nhằm bảo vệ các bác sĩ tập sự và sinh viên trường y đang tham gia đình công.

 Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong phát biểu trong một cuộc họp báo (Ảnh: Yonhap)

Chính phủ nỗ lực giải quyết khủng hoảng

Ngày 12/3, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong đã thể hiện quan ngại sâu sắc trước quyết định từ chức hàng loạt của các giáo sư y khoa, đồng thời cho rằng hành động tập thể này sẽ gây ra mối đe dọa cho sự an toàn của bệnh nhân. Ông cho rằng, thêm một đợt nghỉ việc hàng loạt nữa sẽ khiến mạng sống của bệnh nhân gặp nguy hiểm và sẽ không thể nhận được sự cảm thông của công chúng.

Trong động thái nhằm giải quyết tình hình, chính phủ cho biết đang xem xét việc ban hành mệnh lệnh hành chính yêu cầu các giáo sư y khoa tiếp tục công việc nếu họ nộp đơn từ chức. Chính phủ cũng đã huy động các bác sĩ phẫu thuật quân y và bác sĩ y tế công cộng đến các bệnh viện có bác sĩ đình công để giúp chăm sóc những bệnh nhân bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Park Min-soo cho biết Bộ trưởng Cho Kyoo-hong đã họp kín với các bác sĩ tập sự đình công vào ngày 11/3 và dự kiến sẽ tiến hành thêm các cuộc họp tương tự với cộng đồng y khoa.

Thứ trưởng Park Min-soo  cũng cho biết, chính phủ cũng sẽ sửa đổi chính sách về các bác sĩ tập sự phụ trách bệnh nhân nội trú và mở rộng chương trình thí điểm về nhiệm vụ của y tá nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của hệ thống y tế vốn tập trung vào các chuyên gia. Chính phủ sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện thuê thêm bác sĩ tập sự và triển khai nhiều biện pháp khác nhằm cải thiện điều kiện làm việc của họ.

Trước đó, chính phủ Hàn Quốc hôm 8/3 cho biết sẽ nhanh chóng cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc cho các bác sĩ trẻ, nhằm giải quyết đòi hỏi chính của các thực tập sinh y khoa đã nghỉ việc để phản đối.Theo các biện pháp mới, các bác sĩ thực tập sinh khoa nhi sẽ nhận được khoản trợ cấp khoảng 760 USD bắt đầu từ tháng này.

Chính phủ cũng có kế hoạch phân bổ ngân sách bổ sung cho các bác sĩ thực tập và sẽ bắt đầu với những bác sĩ thuộc các chuyên ngành thiết yếu như cấp cứu và phẫu thuật tổng quát.

Tuy nhiên, chính phủ kiên quyết giữ lập trường phản đối cuộc đình công đang diễn ra, buộc những người có hành vi sai trái phải chịu trách nhiệm, trong khi tiếp tục thúc đẩy các biện pháp cải cách để bình thường hóa hệ thống y tế của đất nước.

Tính đến ngày 11/3, chính phủ đã gửi thông báo về việc đình chỉ giấy phép hành nghề tới tổng số 5.556 bác sĩ tập sự, những người không chấp hành yêu cầu trở lại bệnh viện làm việc. Trong khi đó, ngày 12/3, Bộ Y tế đã mở đường dây nóng để bảo vệ các bác sĩ muốn quay trở lại./.

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực