Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ: Còn đó những bất đồng

Thứ năm, 07/09/2017 17:36
(ĐCSVN) - Ngày 5/9, vòng đàm phán thứ 2 về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã kết thúc với tuyên bố “đã củng cố các đề xuất để hướng tới đồng thuận trong một số lĩnh vực” của đại diện thương mại ba nước Mỹ, Canada và Mexico.
 Khu vực Bắc Mỹ tìm hướng tăng cường hội nhập kinh tế (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN).

Tái đàm phán đồng thuận xen lẫn bất đồng

Mỹ, Canada và Mexico đã kết thúc vòng đàm phán thứ 2 tại Mexico nhằm hiện đại hóa Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (diễn ra từ ngày 1 đến 5/9/2017). Vòng đàm phán thứ nhất được tổ chức hai tuần trước tại Washington, Mỹ.

Trong khuôn khổ vòng đàm phán, các đại diện Mexico, Mỹ và Canada đã tổ chức 25 buổi làm việc về nhiều lĩnh vực khác nhau như: Tiếp cận thị trường hàng hóa, thương mại số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, minh bạch và chống tham nhũng, đầu tư, quy định xuất xứ và môi trường.

Kết thúc đàm phán, các bên đã đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, đầu tư, cũng như cải thiện điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và đơn giản hóa thủ tục hải quan. Trong khi đó, bất đồng còn tồn tại trong các cuộc đàm phán là lĩnh vực ôtô, lao động và vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mexico, Mỹ và Canada cũng cho biết, các nhà lãnh đạo của cả ba nước vẫn đặt mục tiêu hoàn tất tái đàm phán NAFTA vào cuối năm 2017.

Về ngành sản xuất ô tô, cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh các nhà vận động hành lang trong ngành ô tô nhận định yêu cầu của Tổng thống Mỹ Trump về việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm ô tô đang nổi lên như một trở ngại lớn đối với hiệp định NAFTA. Đại diện đàm phán Mỹ đã không công bố con số cụ thể về tỷ lệ linh kiện tối thiểu phải được sản xuất tại Mỹ trong sản phẩm ô tô Bắc Mỹ là bao nhiêu. Song, một nguồn giấu tên tiết lộ tỷ lệ này phải đạt ít nhất là 35% mới có thể làm Tổng thống Trump chấp thuận. Yêu cầu này cũng có khả năng sẽ trở thành một trở ngại lớn hơn cả việc Chính phủ Mỹ muốn nâng tỷ lệ “Bắc Mỹ hóa” trong sản phẩm ô tô của khu vực này từ mức 62,5% ở hiện tại lên cao hơn nữa mới cho phép mặt hàng này được vận chuyển miễn thuế giữa ba nước.

Chủ tịch Hiệp hội sản xuất linh kiện ô tô của Canada, ông Flavio Volpe nhận định, Mexico và Canada nhiều khả năng sẽ phải nhân nhượng trong đàm phán về quy định xuất xứ trong ngành ô tô, song những nhượng bộ này có thể được sắp đặt một cách linh hoạt. Chẳng hạn, yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa hoàn toàn có thể được xây dựng theo hướng đưa hàng tỷ USD tiền đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm - những hoạt động chủ yếu được thực hiện tại Mỹ. Điều này sẽ bảo vệ công việc của hàng nghìn kỹ sư của nền kinh tế lớn nhất thế giới không bị dịch chuyển sang nước ngoài.

Tại vòng đàm phán lần này, các bên đều chưa đạt được nhiều tiến triển về quy tắc xuất xứ, cũng như nội dung Chương 19 của hiệp định NAFTA cũ liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại. Ngoài ra, phía Mỹ cũng không đưa ra các đề xuất cụ thể về yêu cầu gia tăng hàm lượng nội địa đối với sản phẩm trong lĩnh vực chế tạo, đặc biệt đối với công nghiệp ô tô.

Khi thảo luận về quy tắc thị trường, các bên cũng nảy sinh bất đồng về việc tiền lương lao động. Phía Mỹ và Canada đều muốn Mexico cải thiện mức lương của người lao động vì hai quốc gia này đều cho rằng, chi phí nhân công rẻ đã giúp Mexico có lợi thế hơn về thu hút đầu tư. Tuy nhiên, Mexico tuyên bố vấn đề tiền lương của người lao động không thuộc phạm vi đàm phán và quyền lợi của người lao động là một vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia.

NAFTA là hiệp định thương mại có hiệu lực từ ngày 1/1/1994 và đã giúp xóa bỏ hầu hết các khoản thuế quan trong giao thương giữa ba nước Bắc Mỹ. Nếu NAFTA bị xóa bỏ, các khoản thuế áp lên hoạt động thương mại tại Bắc Mỹ sẽ có thể lên tới hàng trăm tỷ USD, qua đó khiến người tiêu dùng phải chi trả nhiều tiền hơn nhưng lại ít hàng hóa được bày bán hơn.

Hiện đại hóa NAFTA nhằm biến Bắc Mỹ thành khu vực cạnh tranh hơn

Có thể nói, sau hai vòng tái đàm phán, các đại diện của Mexico, Mỹ và Canada mới chỉ dừng lại ở mức thăm dò những mục tiêu ưu tiên và đề xuất của nhau cho việc hiện đại hóa NAFTA. Dù chưa thể thống nhất các đề xuất và yêu cầu từ cả 3 nước đối tác, song các bên vẫn đặt mục tiêu hoàn tất quá trình đàm phán sửa đổi NAFTA vào cuối năm 2017, nhằm tránh vướng vào những rắc rối chính trị có thể xuất phát từ cuộc bầu cử tổng thống tại Mexico cũng như bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm 2018. Đây được cho là kế hoạch đầy tham vọng đối với việc đàm phán một hiệp định mang tầm khu vực, khi khoảng thời gian còn lại là không nhiều. Tuy nhiên, khoảng cách từ việc vạch lộ trình cho đến hiện thực hóa mục tiêu đề ra vẫn còn xa vời, đặc biệt trong bối cảnh mỗi nước đều có những lập trường và mục tiêu cứng rắn cũng như những lợi ích riêng khó có thể sớm dung hòa.

Ngay trước thềm vòng tái đàm phán thứ hai, Tổng thống Mỹ Trump đã ám chỉ khả năng hủy bỏ NAFTA khi tuyên bố rằng để tạo dựng thỏa thuận mới cần hủy bỏ thỏa thuận cũ. Thực tế, Tổng thống Mỹ Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ hủy bỏ NAFTA nếu không thể thu hẹp khoản thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 64 tỷ USD với Mexico và 11 tỷ USD với Canada. Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, NAFTA là lý do khiến Mỹ mất đi một lượng lớn việc làm vào tay Mexico, nơi có giá nhân công thấp hơn nhiều. Do vậy, Mỹ muốn dùng ảnh hưởng từ vị thế là khách hàng xuất khẩu lớn nhất của Mexico và Canada để yêu cầu nhượng bộ trong vấn đề thâm hụt thương mại, rằng Mỹ muốn siết chặt hơn các quy định về nguồn gốc xuất xứ, nhất là các sản phẩm ô tô.

Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng với việc là những đối tác thương mại lớn của nhau, cả Mỹ, Canada và Mexico đều được hưởng những lợi ích cũng như có những ràng buộc nhất định khi tham gia NAFTA. Là nước khởi xướng việc đàm phán lại để biến NAFTA thành một mô hình cải tiến và hiện đại hơn, song điều này không đồng nghĩa Washington sẽ chi phối và dẫn dắt quá trình đàm phán. Bản thân Mỹ cũng sẽ phải có những nhượng bộ nhất định bởi hơn ai hết, giới chức nước này cũng hiểu rằng, việc duy trì thỏa thuận đã có hiệu lực 23 năm đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của kinh tế Mỹ và khu vực, trong bối cảnh thế giới ngày càng đối mặt với nhiều biến động khó lường. Trong khi đó, mặc dù Canada và Mexico coi trọng và cần Mỹ làm đối tác, song vị thế của hai quốc gia này cũng đã khác so với thời điểm ký kết NAFTA hiện nay. Nếu như vào hai thập kỷ trước, Canada và Mexico chỉ có thỏa thuận khu vực thương mại tự do với Mỹ, thì giờ đây hai nước này đã có được các thỏa thuận tương tự với nhiều đối tác khác.

Mặt khác, sự gắn kết và hội nhập của 3 nền kinh tế đã và đang diễn ra rất sâu rộng trong nhiều lĩnh vực là một lợi thế cạnh tranh của cả Mỹ, Canada và Mexico, mà việc phá bỏ nó sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Những số liệu thống kê cho thấy, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt tăng trưởng cao kể từ khi NAFTA có hiệu lực, với tổng kim ngạch trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016. Và trên thực tế, NAFTA không chỉ tạo ra lợi thế cho ngành sản xuất ở Bắc Mỹ nhờ việc khai thác chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn mang lại lợi ích cho kinh tế thế giới. Chính vì thế, việc sửa đổi NAFTA cần tập trung vào việc làm cho Bắc Mỹ trở thành khu vực cạnh tranh hơn và mở cửa hơn cho thương mại quốc tế, tạo ra một khuôn khổ vững chắc để phát triển và thúc đẩy cả 3 nền kinh tế thành viên.

Sau hai vòng tái đàm phán NAFTA, các đại diện Mexico, Mỹ và Canada đã đạt được một số tiến bộ nhất định song vẫn còn tồn tại không ít bất đồng khiến các cuộc thương lượng vẫn gặp không ít khó khăn. Do đó, các bên cần đặt ra một phạm vi rộng trong tiến trình đàm phán lại để tăng cường mức độ hội nhập kinh tế của khu vực Bắc Mỹ./.

Tấn Vũ (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực