Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân vẫn còn những rào cản lớn?

Thứ tư, 27/09/2017 15:48
(ĐCSVN) - Hơn 50 nước thành viên Liên hợp quốc đã ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân bên lề Đại hội đồng khóa 72 diễn ra tại New York (Mỹ). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tất cả 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã không tham gia Hiệp ước này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng đại diện các nước hoan nghênh việc ký 
 Hiệp ước quốc tế về cấm vũ khí hạt nhân. (Ảnh: AFP)

Từ “bước tiến quan trọng”…

Phát biểu tại lễ ký, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đánh giá đây là một bước tiến quan trọng nhằm đạt được mục tiêu toàn cầu về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ông Guterres nói: “Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đã phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về những nguy cơ của vũ khí hạt nhân, trong đó có các thảm họa nhân đạo, cũng như hậu quả đối với môi trường... Hiện thế giới vẫn còn khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân và không thể cho phép những thứ vũ khí hủy diệt này gây nguy hiểm cho thế giới cũng như các thế hệ tương lai của chúng ta”.

Văn kiện đã được 122 quốc gia tại Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 7 sau hàng loạt phiên đàm phán do CH Áo, Brazil, Mexico, Nam Phi và New Zealand chủ trì. Đây là văn kiện lần đầu tiên quy định cấm một cách toàn diện việc phát triển, thử, chế tạo, sản xuất, chiếm hữu, tàng trữ, chuyển giao, kiểm soát, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Khi tham gia Hiệp ước, các quốc gia cũng phải cam kết không cho các quốc gia đồn trú, lắp đặt hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ và tại các khu vực trong phạm vi tài phán và kiểm soát của mình.

Tổng thống Brazil, ông Michel Temer là người đầu tiên ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, tiếp sau là các nhà lãnh đạo Mexico, Áo, Thụy Điển, Bangladesh, Malaysia... . Ngày 22/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã ký vào bản Hiệp ước.

Theo Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), đây là một tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy, phần lớn thế giới bác bỏ vũ khí hạt nhân không coi đây là các loại vũ khí hợp pháp. Điều này sẽ tạo ra một tiêu chuẩn mới.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi của những nước không có vũ khí hạt nhân trong suốt 70 năm qua, kết quả lần đầu tiên đã có một điều ước quốc tế quy định cấm một cách toàn diện đối với loại vũ khí hủy diệt này.

Tính đến ngày 23/9, đã có 52 nước ký vào bản Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, và theo quy ước của văn kiện thì đến ngày 23/12/ 2017 Hiệp ước sẽ có hiệu lực, vì đã hội đủ 50 quốc gia thông qua văn kiện này.

Đến những rào cản lớn…

Được biết, tính đến năm 2016, có 9 quốc gia gồm: Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên sở hữu khoảng 4.120 vũ khí hạt nhân có thể triển khai trong tác chiến; tất cả các đầu đạn hạt nhân mà các quốc gia này sở hữu vẫn là con số 15.395. Tuy nhiên, không quốc gia nào trong 9 nước nêu trên đồng ý tham gia.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), số vũ khí hạt nhân có xu hướng giảm chủ yếu do nỗ lực của Nga và Mỹ, hai quốc gia chiếm tới 93% số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, theo SIPRI thì quy trình giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân vẫn còn rất chậm chạp và tiến trình hiện đại hóa các loại vũ khí hạt nhân và phương tiện mang vẫn đang được thực hiện tại các quốc gia này.

Tuy nhiên, những cường quốc hạt nhân cho rằng, kho vũ khí của họ đóng vai trò ngăn chặn tấn công của một số nước và họ vẫn cam kết tiếp cận từng bước giải trừ vũ khí được nêu trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Mỹ, Anh, Pháp bác bỏ hiệp ước trên, vì họ cho là không phù hợp với tình hình thực tế về an ninh thế giới hiện nay và lập luận rằng, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cho thấy việc ngăn chặn các vụ bắn thử vũ khí hạt nhân vẫn còn cần thiết.

Các quốc gia thành viên NATO cũng chỉ trích Hiệp ước và cho đây là một văn kiện nguy hiểm không tính đến thực tế môi trường an ninh quốc tế, đồng thời nhấn mạnh, văn kiện không có bất kỳ hiệu quả nào đối với việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Và sự phản ứng khác nhau…

Mỹ là quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất, với 4.500 đầu đạn hạt nhân (1.750 đầu đạn chiến lược, 180 đầu đạn chiến thuật và 2.570 đầu đạn hạt nhân dự trữ), trong đó có 1.930 đầu đạn hạt nhân đã được triển khai. Mỹ còn chủ trương xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran và có kế hoạch sẵn sàng tấn công hủy diệt Triều Tiên.

Lãnh đạo Iran thông qua diễn đàn lớn nhất thế giới để lên án Israel. Ông Rouhani gọi Israel là quốc gia đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu bằng kho vũ khí hạt nhân với con số hàng trăm mà Israel chưa bao giờ xác nhận hay bác bỏ.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Netanyahu cáo buộc Iran đang thực hiện “một chiến dịch xâm lược Trung Đông”.

Tổng thống Costa Rica, Luis Guillermo Solis Rivera – người chủ trì các vòng đối thoại về Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, ngày 20/9 đã lên án các cường quốc hạt nhân vì đã tạo ra mối sợ hãi đối với thế giới. Qua đó, nhà lãnh đạo này kêu gọi các nước sở hữu hạt nhân trên thế giới tham gia vào Hiệp ước.

Bên cạnh những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng có không ít quốc gia từng là nạn nhân của loại vũ khí này như Nhật Bản cũng quyết định không tham gia ký kết Hiệp ước, bởi các lý do khác nhau.

Một số nước vẫn dựa vào sự răn đe của những nước sở hữu vũ khí hạt nhân; một số nước khác có quan điểm nên tập trung vào điều 6 của NPT thay vì tạo ra hiệp ước mới; một số nước khác lại cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để ký vào bản hiệp ước này, nhất là trong bối cảnh đang bị hạt nhân Triều Tiên đe dọa.

Như vậy, bên cạnh “bước tiến quan trọng” mà Hiệp ước đưa lại, thì văn kiện cũng tạo ra sự phân hóa trong cộng đồng quốc tế, tâm lý hoài nghi, thậm chí lo ngại đối với các cường quốc hạt nhân về thiện chí bảo đảm an ninh, loại trừ thảm họa do loại vũ khí giết người hàng loạt này gây ra./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực