|
Đại diện thường trực của Kazakhstan tại Liên hợp quốc Akan Rakhmetullin (thứ 3 từ phải sang), Đại diện thường trực của Pháp tại Liên hợp quốc Nicolas de Riviere (thứ 4 từ phải sang) và đại diện thường trực tại Liên hợp quốc của 5 thành viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham dự lễ thượng cờ tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ngày 2/1/2024. (Ảnh: Tân Hoa Xã/Xie E) |
Năm nước ủy viên không thường trực mới đã bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm thay thế cho các nước Albania, Brazil, Gabon, Ghana và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hết nhiệm kỳ hôm 31/12 vừa qua. Được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu chọn vào tháng 6, các nước ủy viên không thường trực mới sẽ đảm nhiệm vai trò của họ từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2025.
Để đảm bảo một ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các ứng cử viên phải nhận được ít nhất 2/3 số phiếu bầu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, tương đương 129 phiếu trong tổng số 193 thành viên của tổ chức này.
Đại diện thường trực của Pháp tại Liên hợp quốc - ông Nicolas de Riviere, người đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2024, đã hoan nghênh các thành viên mới của Hội đồng Bảo an. Theo ông Riviere, đây vừa là vinh dự song cũng là trách nhiệm, nhất là trong thời điểm các cuộc khủng hoảng khu vực đang gia tăng, đặc biệt là Trung Đông, Đông Âu và châu Phi.
“Chúng tôi mong muốn được làm việc với các bạn trong hai năm tới, để thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời bảo vệ chủ nghĩa đa phương, cũng như tôn trọng các giá trị của Hiến chương Liên hợp quốc” - Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ.
Đại diện thường trực của Guyana tại Liên hợp quốc - ông Carloyn Rodrigues-Birkett, cam kết Guyana sẽ là một trong những "tiếng nói đi đầu" trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để đảm bảo duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ. 10 ghế không thường trực của hội đồng được phân bổ theo khu vực địa lý, với 5 ghế được thay thế mỗi năm.
Hội đồng Bảo an là cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc, có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng như cho phép sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia.
Hiện Pháp là nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2024. Cuộc khủng hoảng Israel - Palestine và xung đột ở Gaza dự kiến sẽ tiếp tục là trọng tâm hàng đầu trong chương trình làm việc của các đại sứ tại Liên hợp quốc./.