Dòng người di cư vẫn tiếp tục đổ về châu Âu (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, những đề xuất do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra vẫn cần được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bàn bạc với Ankara trước khi có thể đem ra cho toàn thể các nước thành viên EU thảo luận chung. Những đề xuất gây sốc từng được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp với EU ngày 7/3 tại Brussels sẽ được đưa vào trung tâm của cuộc thảo luận giữa các Bộ trưởng Nội vụ trong ngày làm việc thứ hai (11/3).
Nhiều nhà phân tích nhận định, nội dung “ngoạn mục nhất” của bản dự thảo thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là việc Ankara đồng ý nhận trở lại lãnh thổ của mình tất cả những người di cư tới từ Hy Lạp, trong đó có những người Syria chạy trốn khỏi chiến tranh và xung đột tại quê hương họ. Đổi lại, châu Âu cam kết, đối với mỗi người dân Syria được gửi đến, sẽ chuyển một người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ về lãnh thổ EU. Không những thế, Ankara còn yêu cầu EU tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính lên 6 tỷ euro (6,6 tỷ USD) đến năm 2018 để tiếp nhận người tị nạn, đẩy nhanh việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và tiến trình đàm phán gia nhập EU của nước này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Liên minh châu Âu – Thổ Nhĩ Kỳ vừa diễn ra tại Brussels ngày 7/3, các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố không nhất trí với những đề xuất mới của Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra đề xuất, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz tuyên bố việc gia nhập EU không được đưa ra làm điều kiện để Ankara thực thi những trách nhiệm của mình trong vấn đề di cư. Ông Martin Schulz nhấn mạnh châu Âu sẽ phân biệt rõ ràng các cuộc đàm phán về gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Ngoài ra, giới chức ngoại giao EU cũng khẳng định các đề xuất, trong đó có việc tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, là rất hệ trọng. Các nước thành viên EU cần nhiều thời gian hơn để thảo luận về vấn đề này.
Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị các Bộ trưởng Nội vụ lần này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải xem xét và kết luận một kế hoạch hành động với Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung làm thay đổi cục diện của tình hình vốn đang được đánh giá là một “canh bạc” của EU, nhằm tìm được một giải pháp tối ưu trong giai đoạn từ nay tới hội nghị thượng đỉnh tiếp theo dự kiến vào ngày 17 và 18/3 tới tại Brussels. Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ của Liên minh châu Âu, diễn ra trong hai ngày 10 – 11/3, được kỳ vọng tìm ra lời giải cho câu hỏi liệu các nước châu Âu có thể dựa vào giải pháp Thổ Nhĩ Kỳ để điều tiết dòng người tị nạn tới châu lục này hay không.
Tuyến đường Balkan “không còn nữa”
Trong 4 tháng “án binh bất động” vừa qua, mỗi tuần Liên minh châu Âu phải tiếp nhận khoảng 25.000 – 30.000 người tị nạn tràn vào châu Âu, phần đông trong số này là vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ lên đất Hy Lạp hoặc đi theo tuyến đường Balkan. Và một trong những thông báo quan trọng nhất mà EU đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh bất thường với Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua chính là việc đóng cửa tuyến đường Balkan, nghĩa là biên giới giữa Hy Lạp với các nước Balkan.
Tuyến đường tại khu vực Balkan đã bị đóng cửa ngày 9/3 sau quyết định của Slovenia không để người di cư vượt qua biên giới lãnh thổ, một biện pháp nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư vào châu Âu song cũng làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Hy Lạp. “Con đường Balkans cho nhập cư không còn tồn tại” – Thủ tướng Slovenia Miro Cerar hoan nghênh. Ngay sau đó, Croatia và Serbia cũng đi theo quyết định của Slovenia. Kể từ ngày 7/3, Macedonia cũng không để bất kỳ người di cư nào tới từ Hy Lạp vào lãnh thổ của họ.
Trên trang mạng Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng lên tiếng cổ vũ cho quyết định này. “Làn sóng nhập cư bất thường trên tuyến đường Tây Balkan đã chấm dứt. Đó không phải là những hành động tập thể song là một quyết định chung của 28” nước thành viên – ông viết. “Tôi cảm ơn các nước Tây Balkan vì đã áp dụng một phần chiến lược toàn diện của EU để xử lý cuộc khủng hoảng di cư”.
Ngoại trừ các trường hợp “nhân đạo”, hiện nay, chỉ những người đã gửi yêu cầu xin tị nạn mới được cho phép vào các quốc gia này. Đây chỉ là một số lượng rất nhỏ trong số khoảng 850.000 người đã đổ bộ lên các hòn đảo của Hy Lạp trong năm qua, từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, để tới phía Bắc châu Âu, đặc biệt là tới Đức.
Từ mùa hè năm trước, một hành lang để những người yêu cầu tị nạn vượt qua trên tuyến đường này đã được thiết lập. Nhưng sau một loạt các hạn chế về biên giới vừa được đưa ra trong vài tuần gần đây, từ Macedonia cho tới Áo, số lượng lớn người di cư đã giảm, thậm chí xuống tới mức nhỏ giọt.
Sau khi Slovania quyết định đóng cửa biên giới, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đã tuyên bố: “Chúng ta loại bỏ ưu đãi cho những người tới châu Âu. Đó là chấm dứt tuyến đường trung chuyển, vốn từng thu hút một số lượng lớn người di cư”.
Tuy nhiên, hệ quả tức thì của những quyết định này, đó là theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 1.500 – 2.000 người di cư đã bị mắc kẹt tại Serbia trong ngày 9/3 bởi họ không thể tiếp tục trên hành trình của mình.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo được báo trước tại Hy Lạp
Việc đóng cửa con đường Balkan được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm đối phó với lượng người đổ về Trung và Tây Âu nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc nó dồn mọi sức ép về dân tị nạn lên vai chính phủ Hy Lạp. Khi biên giới với Hy Lạp với các nước khác như Macedonia hay Bulgaria bị đóng, dòng người tị nạn sẽ bị kẹt lại trên đất Hy Lạp và làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo thực sự. Hy Lạp đang trở thành "nút thắt cổ chai" dồn ứ người di cư trong bối cảnh các nước Balkan thắt chặt kiểm soát biên giới và áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người di cư.
Cuối tháng 2 vừa qua, Hy Lạp đã lên tiếng cảnh báo số người di cư bị mắc kẹt trên lãnh thổ của nước này có khả năng sẽ tăng gấp 3 lần vào tháng 3, lên tới con số 70.000 người, do các nước thuộc khu vực Balkan áp đặt hạn ngạch đối với người di cư. "Theo ước tính của chúng tôi, số lượng những người đang bị mắc kẹt ở đất nước sẽ có thể vào khoảng 50.000 – 70.000 người vào tháng tới" – Bộ trưởng Bộ Chính sách di cư của Hy Lạp Yiannis Mouzalas nói. "Hiện nay, có 22.000 người tị nạn và người di cư" tại Hy Lạp.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng báo động Hy Lạp đang đứng bên bờ một cuộc khủng hoảng mà chính các quốc gia châu Âu góp phần tạo nên, do thiếu tinh thần hợp tác và thực hành trái với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn của UNHCR Adrian Edwards cho biết: Tình trạng tập trung quá nhanh chóng lượng người tị nạn và người di cư ở Hy Lạp trong khi quốc gia này vốn đã phải trải qua nhiều khó khăn; sự từ chối hợp tác của các quốc gia châu Âu bất chấp nhiều thỏa thuận đã được ký trong một số lĩnh vực và việc áp đặt các hạn chế mới về biên giới suốt dọc tuyến đường của khu vực Balkan chính là những thực tế hoàn toàn không hợp lý, nguồn gốc gây ra những khổ đau và đi ngược lại với các điều luật của châu Âu cũng như luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại biên giới Hy Lạp – Macedonia. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker từng phát biểu nhấn mạnh: “Chúng tôi rất lo ngại về những gì đang xảy ra. Quyết định áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người di cư của 4 nước Balkan có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Hy Lạp".
Hy Lạp là một cửa ngõ vào châu Âu đối với người di cư, đặc biệt là những người Syria trốn chạy khỏi chiến tranh và đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, và những người mong muốn có một quy chế tị nạn. Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng quá đông người dẫn dến sự thiếu hụt về thực phẩm, chỗ ở, nước và vệ sinh. Căng thẳng ngày càng gia tăng, thúc đẩy xung đột bạo lực và tạo cơ hội cho bọn buôn lậu. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo, vì vậy, đang thực sự hiện hữu tại quốc gia này, đòi hỏi châu Âu phải tìm ra biện pháp hiệu quả để giải tỏa lượng người tị nạn khủng khiếp đổ về nước này mỗi ngày.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hungary ngày 9/3 đã ban bố tình trạng khủng hoảng, coi đây là biện pháp phòng ngừa trước các diễn biến xấu có thể xảy ra liên quan tới người tị nạn. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Budapest, Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter cho biết Chính phủ Hungary đã ban bố tình trạng khủng hoảng trên cả nước, theo đó nước này sẽ triển khai khoảng 1.500 cảnh sát và quân đội nhằm sẵn sàng ngăn chặn mọi nguy cơ có thể xảy ra.
Có thể thấy rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng di cư vẫn tiếp tục trầm trọng và ngày càng phát sinh nhiều vấn đề làm “đau đầu” các nhà lãnh đạo châu Âu. Câu hỏi: “Liệu quyết định đóng cửa tuyến đường Balkan có mở ra được hướng giải quyết mới, hiệu quả cho vấn đề nhập cư hay không?” chắc chắn sẽ được đặt ra cho các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ lần này./.