Hội nghị COP27 được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác. Đây là Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay. Hội nghị COP27 là một tiến trình tiếp nối COP26, nhằm hiện thực hóa các cam kết của các nguyên thủ quốc gia và tăng cường hợp tác giữa các bên, cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện cam kết đối phó với khủng hoảng khí hậu, năng lượng đang diễn ra rất phức tạp.
|
Trường học của Protiva ở Sylhet đã phải đóng cửa do lũ lụt nặng nề ở đông bắc Bangladesh. Ngôi nhà của em cũng bị ngập lụt. (Ảnh: UNICEF) |
Thực tại “đáng báo động”
COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang cùng lúc chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng từ đói nghèo, giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt. Thực trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan. Liên tục trong thời gian qua, các cơ quan, tổ chức quốc tế đồng loạt công bố các báo cáo, nghiên cứu về tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của con người ở khắp mọi châu lục, mọi vùng miền trên thế giới.
Báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được công bố hồi đầu năm 2022 từng cảnh báo khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt trái đất chỉ tăng thêm 1,5°C. Nếu nhiệt độ trái đất tăng lên 2°C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần. Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần. Báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5°C. Con số này có thể tăng lên 18% và 29% nếu nhiệt độ tăng lần lượt là 2°C và 3°C. Nếu nhiệt độ ấm lên khoảng 0,9°C, 35% diện tích đất trên trái đất sẽ bị các đám cháy rừng tàn phá.
Còn theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), các hình thái thời tiết cực đoan gây tác động trên quy mô lớn như lũ lụt, bão tố trực tiếp ảnh hưởng tới hơn 500.000 người trong năm 2021. Ước tính số người tử vong trên toàn cầu do nắng nóng sẽ lên tới 15.000 người vào năm 2022.
Châu Âu là khu vực ấm lên tới tốc độ nhanh nhất trên thế giới, với nhiệt độ cực đoan đã cướp đi mạng sống của hơn 148.000 người trong 50 năm qua. Các vụ cháy rừng thảm khốc ở châu Âu vào mùa hè năm 2021 đã thải ra lượng khí thải carbon cao nhất kể từ năm 2007, làm ô nhiễm không khí và cướp đi mạng sống hàng triệu người. Trong khi đó, mặc dù có lượng phát thải chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải toàn cầu song châu Phi lại là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Hạn hán trong 50 năm qua ở miền Nam và vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng hơn, biến đổi khí hậu đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người, với thiệt hại ước tới 70 tỷ USD. Hơn 1.000 trận lũ lụt trong khoảng thời gian này khiến hơn 20.000 người thiệt mạng. Khoảng 172,3 triệu người châu Phi bị ảnh hưởng do hạn hán và 43 triệu người bị ảnh hưởng lũ lụt trong giai đoạn 2010 - 2022.
Báo cáo khí hậu Châu Á 2021 được công bố trong khuôn khổ Hội nghị COP27 thì cho thấy mức độ dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu của châu Á đang tăng cao, gây ảnh hưởng lên 48,3 triệu người. Ước tính thiên tai đã dẫn đến tổng thiệt hại kinh tế là 35,6 tỷ USD, cao hơn mức trung bình của 2 thập kỷ qua.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng nhận định biến đổi khí hậu có thể tác động đến cuộc sống của con người – từ tỷ lệ tử vong đến sinh kế và sử dụng năng lượng. Và khi lượng khí thải carbon ở mức cao, tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe có thể gây tử vong gấp đôi so với ung thư ở một số nơi trên thế giới. Nghiên cứu của UNDP dẫn chứng Dhaka, Bangladesh, nơi theo kịch bản phát thải rất cao vào năm 2100, số người chết do biến đổi khí hậu có thể tăng gần gấp đôi tỷ lệ tử vong hàng năm hiện tại của nước này do tất cả các bệnh ung thư và gấp 10 lần số ca tử vong do giao thông đường bộ hàng năm…
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng công bố báo cáo lưu ý có tới 559 triệu trẻ em hiện đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng thường xuyên và đến năm 2050, tất cả 2,02 tỷ trẻ em trên hành tinh sẽ bị ảnh hưởng bởi những hậu quả bất lợi của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe và sinh kế…
|
Bế mạc Hội nghị COP27 tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập. (Ảnh: UN) |
Kỳ vọng tìm ra những giải pháp khả thi
Trong bối cảnh hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra nhanh chóng với nhiều hậu quả nghiêm trọng thì Hội nghị COP27 với một chương trình nghị sự dày đặc, được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề then chốt nhưng cũng hết sức khó khăn, bao gồm cả việc đảm bảo nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước nghèo và nâng tham vọng hành động khí hậu nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Những tuyên bố, chính sách tại Hội nghị COP27 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò không nhỏ vào việc hình thành và định hướng cho các hành động chiến lược để bảo vệ khí hậu từ các quốc gia trong tương lai. Và như ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động chống biến đổi khí hậu, đồng thời là Đặc phái viên của Liên hợp quốc về tài chính cho chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, nhận định, thành công của Hội nghị COP27 sẽ được thể hiện ở cách biến các cam kết thành hành động.
Tại phiên khai mạc Hội nghị COP27, ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP 27, đã kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng và không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.
Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của COP27, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, trái đất đang tiến nhanh đến các điểm tới hạn có thể khiến tình trạng “hỗn loạn khí hậu” không thể đảo ngược. Theo ông Antonio Guterres, hoạt động của con người là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề khí hậu. Vì vậy, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cần có một hiệp ước giữa các nước phát triển và đang phát triển về giảm lượng khí thải carbon, chuyển đổi hệ thống năng lượng nhằm tránh một thảm họa khí hậu. Một hiệp ước trong đó các quốc gia giàu có hơn và các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nền kinh tế mới nổi tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của riêng họ.
Tại các cuộc thảo luận sau đó, ông Guterres cũng liên tục kêu gọi các bên cần nhận thức rõ về mức độ khẩn cấp cần hành động ở thời điểm này và thống nhất các giải pháp thực sự để giải quyết thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Nhắc nhở các nhà lãnh đạo thế giới rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu đang ở mức cao nhất mọi thời đại và các tác động khí hậu đang hủy hoại các nền kinh tế và xã hội, Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá cách hiệu quả nhất để khôi phục niềm tin là tìm ra một thỏa thuận đầy tham vọng và đáng tin cậy về tổn thất và thiệt hại cũng như hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, đồng thời kêu gọi các nhà đàm phán đưa ra giải pháp cụ thể cho những vấn đề gai góc nhất trên bàn đàm phán tại COP năm nay.
Còn ông Simon Stiell, tân Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), thì nhấn mạnh, ở Sharm El-Sheikh, chúng ta có nhiệm vụ đẩy nhanh các nỗ lực quốc tế của mình để biến lời nói thành hành động. Ông cũng đồng thời cho rằng: Các nhà lãnh đạo - dù là Tổng thống, Thủ tướng hay các Tổng Giám đốc doanh nghiệp đều sẽ phải chịu trách nhiệm về những lời hứa mà họ đã đưa ra vào năm ngoái tại COP26.
Đáng chú ý, tại Hội nghị COP27, các nước đang phát triển đồng loạt kêu gọi các nước giàu, vốn đã phát thải phần lớn lượng khí thải nhà kính trong nhiều thập niên qua, phải có trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho nhóm nước đang phát triển và kém phát triển. Nhóm nước này cũng hối thúc các nước phát triển không chỉ thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm, được đưa ra tại COP15, để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn tăng mức hỗ trợ.
Ngoài ra, WHO cũng kêu gọi các nước trên thế giới cần ứng phó với biến đổi khí hậu nhanh hơn và rõ ràng hơn bởi những ứng phó hiện nay quá chậm và không nhất quán một cách nguy hiểm; các nước tham dự COP27 cần hành động nhanh chóng và cụ thể hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
|
Thế giới tiếp tục cam kết đấu tranh chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: Khánh Linh) |
Thỏa thuận đã đủ “tham vọng”?
Cuối cùng, sau hơn hai tuần làm việc căng thẳng, có lúc tưởng như rơi vào bế tắc, các nhà đàm phán tham dự Hội nghị COP27 cũng đã nhất trí thông qua thỏa thuận khí hậu của COP27 tại phiên bế mạc.
Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận chung tại COP27 là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là thắng lợi lớn nhất của các nước đang phát triển, trong nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Việc đồng ý thành lập quỹ được ca ngợi như một "khoảnh khắc lịch sử" kể từ Thỏa thuận Paris giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất đạt được tại Hội nghị COP21 năm 2015. Thành công này đã phản ánh quyết tâm và ý chí chính trị cao nhất từ tất cả các bên. Từ kết quả của COP27, các bên kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được thêm tiến triển về hành động khí hậu tại Hội nghị COP28, dự kiến diễn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm tới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng quỹ vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng như: cơ chế hoạt động, quốc gia nào sẽ đóng góp vào quỹ, quốc gia nào được nhận? Và cần bao nhiêu năm để huy động đủ tiền để các cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả khi con số 340 triệu Euro được công bố tại COP27 vẫn còn cả một chặng đường dài? Không những thế, điều cần thiết là đặt ra một cơ chế kiểm soát đáng tin cậy đối với các dòng tài chính này để tránh thất thoát.
Trong bối cảnh địa chính trị khó khăn, các quốc gia tham dự Hội nghị COP27 cũng đã thống nhất đưa ra một loạt các quyết định tái khẳng định cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức tiền công nghiệp. Quyết định này cũng củng cố những biện pháp mà các nước thực hiện nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với những hậu quả không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy hỗ trợ tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực cần thiết cho các nước đang phát triển. Ngoài ra, thỏa thuận cũng lần đầu tiên đề cập tới năng lượng tái tạo trong khi nhắc lại những lời kêu gọi trước đây về tăng cường nỗ lực hướng tới giảm dần điện than và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Song trên thực tế, tuyên bố cuối cùng này không chỉ ra nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, mà chỉ đề cập đến nhu cầu loại bỏ dần than đá và “loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”; đồng thời kêu gọi giảm nhanh lượng khí thải mà không đi sâu vào chi tiết. Theo các nhà phân tích, không có nỗ lực bổ sung nào được thực hiện để giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, các quốc gia đã không thể vượt ra ngoài những gì đã được quyết định tại Hội nghị COP26 ở Glasgow về việc giảm dần than đá và việc làm này có thể ảnh hưởng tới khả năng đạt được mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C.
Bên cạnh đó, Hội nghị COP27 cũng chứng kiến những tiến bộ đáng kể về thích ứng, với việc các chính phủ nhất trí về cách thúc đẩy mục tiêu toàn cầu về thích ứng, cải thiện khả năng phục hồi của những người dễ bị tổn thương nhất. Các cam kết mới, tổng trị giá hơn 230 triệu USD, đã được thực hiện cho quỹ “Thích ứng tại COP 27”. Những cam kết này sẽ giúp nhiều cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp thích ứng thiết thực. Chủ tịch COP 27 Sameh Shoukry đã công bố Chương trình Thích ứng Sharm el-Sheikh, nhằm xây dựng khả năng phục hồi của những người sống trong các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất về khí hậu vào năm 2030.
Quyết định bao trùm, được gọi là “Kế hoạch thực hiện Sharm el-Sheikh” nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi toàn cầu sang nền kinh tế carbon thấp dự kiến sẽ yêu cầu các khoản đầu tư ít nhất là 4.000 – 6.000 tỷ USD mỗi năm. Việc cung cấp các nguồn vốn này sẽ đòi hỏi sự chuyển đổi nhanh chóng và toàn diện của hệ thống tài chính, cấu trúc và quy trình của nó, liên quan đến các chính phủ, ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, nhà đầu tư tổ chức và các tổ chức tài chính khác.
Phản ứng về thỏa thuận cuối cùng tại Hội nghị COP27, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng Hội nghị chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans thì nhấn mạnh, thỏa thuận cuối cùng này vẫn chưa đủ tạo bước tiến cho người dân và rrái đất; những nỗ lực mới của các nước giàu có và cũng là những nước có phát thải lớn vẫn là chưa đủ để tăng cường và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải. Và còn nhiều ý kiến của các nhà quan sát bày tỏ lo ngại khi Hội nghị COP27 vẫn chưa cho thấy đủ “tham vọng” để biến cam kết thành hành động nhằm đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận rằng thỏa thuận cuối cùng tại Hội nghị COP27 đã cơ bản làm hài lòng các bên tham dự Hội nghị, nhất là các nước phát triển và các nước mới nổi khi đạt được tiến triển đáng kể liên quan đến giảm thiểu, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại, phù hợp với tầm nhìn của nước Chủ tịch COP27 Ai Cập và tháo gỡ được vấn đề gai góc nhất như Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry khẳng định điểm khó khăn nhất là vấn đề “tổn thất và thiệt hại” đã được giải quyết. Rõ ràng rằng việc thành lập quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra là “một thành tựu lịch sử” sau gần 30 năm đàm phán, bởi đây là lần đầu tiên “tổn thất và thiệt hại” được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị COP. Không những thế, việc hội nghị phải kéo dài hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu một mặt cho thấy các cuộc đàm phán, thảo luận diễn ra khó khăn, song mặt khác cũng phản ánh quyết tâm của các bên tìm cách đạt được thỏa thuận nhằm phối hợp nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Trong thời gian chờ đợi tới tháng 11/2023 khi Hội nghị COP28 dự kiến diễn ra tại UAE, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ vẫn cảm nhận được những thảm họa khí hậu mới sẽ đến, những nạn nhân mới sẽ phải hứng chịu và những viễn cảnh đáng báo động hơn bao giờ hết. Và thách thức lại tiếp tục được đặt ra để thế giới chuyển từ cam kết đoàn kết toàn cầu vốn xuất hiện trong COP27 tại Sharm El-Sheikh thành hành động cụ thể, bởi nếu không thì "những thỏa thuận lịch sử" sẽ vẫn chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi và các cuộc thảo luận không làm được gì khác là gây thất vọng cho người dân, đặc biệt là các cộng đồng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu./.