Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ vì thịnh vượng chung và hòa bình thế giới

Thứ tư, 17/02/2016 17:25
(ĐCSVN) - Trong hai ngày 15 - 16/2/2016, tại Trung tâm Hội nghị Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ với sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và lãnh đạo 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN ngày 15/2 tại Sunnylands.
(Ảnh: AFP)

Đây là Hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng, và cũng là Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị. Đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ phát triển sâu sắc hơn nữa.

Tại hội nghị, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực theo hướng phát huy tinh thần kinh doanh và sáng tạo”. Hội nghị nhận định khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động dù còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn tới, việc chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao, phát huy tinh thần kinh doanh và sáng tạo sẽ là một hướng ưu tiên của các nước ASEAN.

Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, các nước nhất trí cần đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ phát triển sâu sắc hơn nữa. Là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là đối tác hàng đầu của ASEAN có thế mạnh về khoa học, công nghệ, sáng tạo, hệ thống sản xuất, mạng lưới doanh nghiệp toàn cầu, Hoa Kỳ cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế số, công nghệ cao, năng lượng sạch, phát huy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo.

Chủ trì hội nghị, Tổng thống Barack Obama chúc mừng sự hình thành của Cộng đồng ASEAN, khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình. Tổng thống Obama mong muốn Hoa Kỳ cùng với các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tại phiên thảo luận về chủ đề “Bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương”  và phiên thảo luận về chủ đề “Viễn cảnh chiến lược khu vực”, các nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá tình hình khu vực hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, tác động đến từng quốc gia. Tình hình căng thẳng gần đây tại Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, vụ khủng bố tại Jakarta, vấn đề an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu… là những vấn đề được nhiều nước quan tâm, chia sẻ tại Hội nghị.

Trong bối cảnh đó, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ, nhất là trong thúc đẩy thịnh vượng khu vực và giải quyết các thách thức xuyên quốc gia.

Tổng thống Obama khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ hợp tác với ASEAN cũng như từng quốc gia thành viên, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình ở khu vực, mong muốn phối hợp cùng ASEAN xử lý các thách thức toàn cầu và khu vực như chống khủng bố, bạo lực cực đoan, buôn người, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nước ASEAN đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, mong muốn hợp tác sâu rộng trên nhiều mặt, tranh thủ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhằm xây dựng các nền kinh tế năng động, cởi mở, cạnh tranh và liên kết chặt chẽ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo công ăn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển, đổi mới, phát huy tinh thần kinh doanh, đổi mới và sáng tạo.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố Sunnylands. Tuyên bố chung gồm 17 nội dung, trong đó có cam kết tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và độc lập về chính trị giữa tất cả các quốc gia phù hợp với nguyên tắc và qui định của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế; cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực phù hợp với các nguyên tắc chung đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); cam kết chung thúc đẩy hợp tác để giải quyết những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải; nhấn mạnh tầm quan trọng của thịnh vượng chung, phát triển và tăng trưởng bền vững….

Việt Nam đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là một thành viên tích cực và trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vì Cộng đồng ASEAN và sự phát triển thịnh vượng trong khu vực. Sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội. Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, đồng thời tích cực triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia liên kết kinh tế trên nhiều tầng nấc, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là những khuôn khổ then chốt.

Nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thời gian tới hai bên cần triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là Kế hoạch hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2016-2020, gia tăng các hoạt động hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tri thức, công nghệ giữa các doanh nghiệp ASEAN và Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo, năng động, nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển bền vững. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề xuất thành lập một Trung tâm ASEAN-Hoa Kỳ về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt tại Việt Nam, nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo cũng như sự kết nối của các doanh nghiệp ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp vừa qua tại Biển Đông, đặc biệt là những hành động làm thay đổi nguyên trạng, tăng cường quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các quốc gia cần ưu tiên xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại và hợp tác, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982; phát huy vai trò của các thể chế đa phương, và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì môi trường hòa bình và an ninh ở khu vực.

Nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh sự ủng hộ tích cực, xây dựng của Hoa Kỳ và các đối tác nói chung đối với lập trường của ASEAN trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Thủ tướng đánh giá tích cực những tiến triển và kết quả quan trọng đạt được trong quan hệ đối tác ASEAN-Hoa Kỳ thời gian qua, mong muốn hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2016-2020, góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ý kiến phát biểu cũng như các đề xuất tại các phiên thảo luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị đã được các nhà lãnh đạo ghi nhận và đánh giá cao.

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, đồng thời khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ đi vào thực chất, hiệu quả, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực ASEAN và Việt Nam có lợi ích như liên kết kinh tế, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác và xử lý các thách thức xuyên quốc gia; thúc đẩy cam kết và hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với ASEAN trong việc nâng cao năng lực, mở rộng quan hệ với các đối tác và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực cũng như trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

 Hợp tác vì tương lai

Trong mối quan hệ đối thoại tốt đẹp thiết lập từ năm 1977 giữa ASEAN và Hoa Kỳ, Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này chắc chắn không phải là cuộc gặp song phương duy nhất. Nhưng sự kiện ở Sunnylands lại đánh dấu lần nhóm họp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 11/2015 và Cộng đồng ASEAN hứa hẹn một sự liên kết mới ở Đông Nam Á được hình thành.

Gần 4 thập kỷ song hành và trải qua những thăng trầm dâu bể của chính trường quốc tế, nhưng mối quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ không bị chi phối bởi bất kỳ sự đổi thay của tình hình chính trị thế giới. Trái lại, sự liên kết này ngày càng gắn bó, thể hiện bằng những nâng cấp quan hệ trong từng giai đoạn và sự hợp tác ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Gồm 10 quốc gia có vị trí địa - chính trị quan trọng tại khu vực phát triển năng động bậc nhất hành tinh, nguồn tài nguyên dồi dào, dân số trẻ, khao khát nguồn vốn và công nghệ, Đông Nam Á luôn chiếm giữ một vị thế đặc biệt trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ.

Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng hội nghị ASEAN-Hoa Kỳ đầu tiên trên xứ Cờ hoa theo sáng kiến của Tổng thống Obama là một động thái rõ ràng khẳng định rằng cho dù các thể chế đa phương từ BRICS đến G-20 chưa phát huy vai trò như kỳ vọng, nhưng Hoa Kỳ vẫn cam kết với các cơ chế hợp tác cùng ASEAN như một phần của sự hiện diện bắt buộc tại Đông Nam Á, khu vực đã và sẽ luôn là ưu tiên đối với Hoa Kỳ. Không chỉ thúc đẩy việc thực hiện TPP với 4 nước trong ASEAN gồm Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia là thành viên, thông qua hội nghị này, chính quyền Tổng thống Obama cũng xác lập được cách thức tiếp cận, những sáng kiến mới phù hợp với nhu cầu và tiềm năng khu vực Đông Nam Á đa dạng, làm bản lề cho sự hợp tác hiệu quả ASEAN-Hoa Kỳ trong giai đoạn mới vốn có sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt hơn. Với việc đề cao sức mạnh của ASEAN trên mặt trận kinh tế, Hoa Kỳ cũng mong muốn tạo lập một Đông Nam Á tự cường, phát huy được lợi thế để từ đó củng cố vai trò an ninh của khu vực trước những cuộc đọ sức quyền lực đang dẫn tới bất ổn nghiêm trọng tại châu Á-Thái Bình Dương và trên quy mô toàn cầu.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ cũng là dịp để ASEAN thể hiện vai trò và tranh thủ sự hợp tác của các đối tác trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, giữ được mức tăng trưởng cao, bền vững, thúc đẩy liên kết kinh tế và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Với nỗ lực và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai, quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ đã có những cơ sở mới, động lực mới để cùng nhau vượt qua khó khăn, tiến những bước vững chắc và ổn định trên hành trình của thế kỷ XXI.

Sau nhiều năm thử thách, quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ đã đạt đến độ chín để đi vào chiều sâu và phản ánh thực chất hơn mối quan hệ đối tác chiến lược mà 2 bên đã ký kết. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế  cho rằng, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần này được coi là mang tính lịch sử, vì nó được tổ chức ngay trên đất Mỹ với nội dung thảo luận tác động toàn diện đến phát triển kinh tế, an ninh khu vực và toàn cầu, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm./.

Tấn Vũ (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực