Giữ Anh ở lại đã trở thành một mục tiêu của Liên minh châu Âu (Ảnh: AFP)
Giữ Anh ở lại Liên minh với một số nhượng bộ là giải pháp để đảm bảo sự ổn định cho Liên minh châu Âu trước những chia rẽ đang dần dần lộ diện . Trong khi đó, vấn đề chống khủng bố và nạn nhập cư lại đang làm cho châu Âu không chỉ bị chia rẽ mà an ninh cũng đang bj đe dọa.
Liên quan đến vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu, các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ thiện chí chấp nhận những yêu cầu của London để giữ chân Vương quốc Anh ở lại Liên minh châu Âu với giải pháp “thỏa đáng và cùng có lợi cho các bên”. Việc thảo luận sẽ được tiến hành tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào tháng 2/2016. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, Liên minh châu Âu sẵn sàng nhượng bộ với Anh nhưng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cơ bản của châu Âu, bao gồm cả việc không phân biệt và tự do đi lại.
Trước đó, trong bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hồi tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu Liên minh châu Âu vận động ủng hộ việc giữ Anh ở lại Liên minh châu Âu tại cuộc trưng cầu dân ý mà ông hứa sẽ tiến hành trong thời gian từ nay đến cuối năm 2017. Để hạn chế dòng người nhập cư, Thủ tướng Anh đòi hỏi xóa bỏ trợ cấp xã hội cho người nhập cư châu Âu trong bốn năm đầu cư trú tại Anh, cấm người lao động châu Âu chuyển tiền trợ cấp ra nước ngoài. Thủ tướng Cameron cũng bày tỏ ý định bãi bỏ luật Anh yêu cầu tòa án áp dụng các điều khoản của Tòa án nhân quyền châu Âu ở Strasbourg. Tổng thống Pháp François Hollande bày tỏ sẵn sàng chấp nhận những đề nghị “điều chỉnh” của Anh trên nguyên tắc “tôn trọng quy định và thành quả của châu Âu”. Tuy nhiên, nhóm Visagrad - gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech - khẳng định không chấp nhận mọi đề nghị của Anh và coi đó như hành động phân biệt và hạn chế tự do đi lại.
Về vấn đề chống khủng bố và đối phó với nạn nhập cư trái phép vào châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, lãnh đạo 28 quốc gia Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh sự cấp thiết tăng cường trao đổi thông tin, cũng như tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tình báo các nước châu Âu, điều mà các nhà lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu đã cam kết từ hồi tháng 2/2015.
Trong kết luận của hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nhận định: Các quốc gia thành viên cần triển khai kiểm soát biên giới bên ngoài một cách đồng bộ và phối hợp, bao gồm cả với công dân các quốc gia Liên minh châu Âu. Đồng thời, Liên minh châu Âu sẽ tăng cường khẩn cấp việc hợp tác với các đối tác Bắc Phi, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Tây Balkan trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo Chủ tịch Donald Tusk, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cho rằng trong bối cảnh này, thỏa thuận đạt được liên quan đến chỉ thị sử dụng dữ liệu hồ sơ hành khách (PNR) nhằm phòng ngừa và phát hiện hành vi phạm tội khủng bố và việc triển khai nhanh chóng chỉ thị này đánh dấu một giai đoạn quyết định trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Đại diện các nước thành viên cũng nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc kiểm soát biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của khối Schengen, cũng như tăng cường các biện pháp để ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí lùi quyết định thành lập “lực lượng biên phòng và tuần tra biển của châu Âu” tới nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng châu Âu luân phiên của Hà Lan được bắt đầu từ tháng 1/2016.
Trước đó, phát biểu với báo giới, Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhấn mạnh, kế hoạch kiểm soát biên giới bên ngoài châu Âu cần phải triển khai trên thực tế chứ không phải chỉ là quyết định trên giấy. Thủ tướng Charles Michel coi việc kiểm soát biên giới, ngăn chặn dòng người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu như một ưu tiên trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng đã được bàn luận tại cuộc gặp giữa 8 quốc gia trong Liên minh châu Âu và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu diễn ra trước phiên họp chính thức hôm 17/12.
Về vấn đề này, Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh đây là thời điểm để hợp tác, trong khi Hy Lạp bị chỉ trích mạnh mẽ chậm trễ trong việc tiến hành kiểm soát biên giới quốc gia của mình đến nỗi bị đe dọa sẽ bị loại khỏi khu vực Schengen.
Ủy ban châu Âu đề xuất thành lập lực lượng phản ứng nhanh mới với 1.500 binh sĩ, có quyền can thiệp vào các nước thành viên Liên minh châu Âu nếu nhận thấy các nước này không đối phó được hoặc thất bại trong việc bảo đảm an ninh tại biên giới. Nếu được nghị viện của các nước thành viên thông qua, lực lượng mới này sẽ thay thế cho Cơ quan kiểm soát biên phòng châu Âu (Frontex) và sẽ tiếp tục mở rộng quân số. Chi phí cho lực lượng mới sẽ lên tới 322 triệu euro (354 triệu USD) từ nay đến năm 2020.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu cuối cùng trong năm 2015 đã khép lại. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề liên quan đến sự thống nhất, toàn vẹn của khối không chỉ đến từ nguy cơ khủng bố hay vấn nạn người nhập cư mà còn xuất phát ngay từ nội bộ khối. Trước mắt là câu trả lời của cử tri Anh “”Có”” hay “”Không”” ở lại Liên minh trong cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian từ nay cho đến hết năm 2017. Có thể nói, giữ Vương quốc Anh ở lại với một số nhượng bộ là kế sách làm cho ""trong ấm"" để Liên minh châu Âu thống nhất, đoàn kết hơn trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố, đẩy lùi nạn nhập cư trái phép, tức là làm cho "" ngoài êm"" vậy ./.
Vũ Cân