|
Tại Pháp, Dịch vụ Cấp cứu và Hồi sức Di động (SMUR) đang ở tuyến đầu để cứu người nhiễm COVID-19 . (Ảnh: UN) |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 15/5, đã có 140.385.787 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.767.605 ca bệnh đang điều trị, có 18.664.001 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 104.604 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 326.123 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (84.486 ca) và Mỹ (38.285 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.879 ca, sau đó là Brazil (2.189 ca) và Mỹ (733 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 46.098.628 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 15/5, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 597.223 ca đã tử vong do COVID-19 và 40.255.492 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 24.372.243; 5.095.390 và 2.732.152 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 266.229; 44.301 và 76.433 ca.
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 79.830 ca nhiễm và 2.164 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới với tổng số 45.952.930 ca. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.848.154; 4.922.901 và 4.446.824 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.668 ca, sau khi có thêm 17 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (123.927 ca) và Nga (115.116 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với 39.124.836 ca, trong đó có 877.100 ca tử vong và 31.244.184 ca được điều trị khỏi. Với 33.664.013 ca nhiễm và 599.314 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.375.115 và 1.318.405 ca nhiễm, cùng 219.901 và 24.869 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 144.716 ca nhiễm và 3.651 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 26.561.202 ca và 722.643 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 84.486 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 15.521.313 vào thời điểm hiện tại. Với 2.189 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina với 599 ca tử vong mới và Colombia với 490 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 15/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.716.638 ca, trong đó có 126.189 ca tử vong và 4.250.706 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.608.393 ca nhiễm và 55.124 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.141 ca nhiễm mới và 112 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 514.705 và 325.280 ca nhiễm bệnh cùng 9.092 và 11.727 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 65.891 ca nhiễm (tăng 306 ca) và 1.225 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 2 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.957 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng trong năm thứ hai đại dịch COVID-19 hoành hành, tình hình sẽ tồi tệ hơn. Phát biểu ngày 14/5, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các chuyên gia của của WHO đang thiên về đánh giá rằng trong năm thứ hai này, đại dịch COVID-19 sẽ gây ra tử vong nhiều hơn năm đầu tiên.
Trong bối cảnh biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ - biến thể B.1.617.2 - được đánh giá là có tốc độ lây lan rất nhanh, tại châu Âu, Đức đã đưa Anh trở lại danh sách nguy cơ lây nhiễm cao do lo ngại sự lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ này. Tuy nhiên, du khách từ Anh tới Đức có thể được miễn cách ly theo quy định mới. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết sự xuất hiện của biến thể B.1.617.2 tại Anh đang đặt ra thách thức mới, do biến thể này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn virus gốc và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách "biến thể đáng quan ngại". Tuy nhiên, theo quy định mới của Đức, những người chưa tiêm chủng mà có kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trước khi bay từ Anh đến Đức vẫn sẽ được miễn cách ly. Những người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc có thể chứng minh đã khỏi bệnh cũng nằm trong diện được miễn.
Ngoài ra, RKI cũng đưa Nepal vào danh sách các nước/khu vực có "biến thể đáng quan ngại", cùng nhóm với Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Những người từ các nước này tới Đức sẽ phải chịu những quy định hạn chế nghiêm ngặt, kể cả đã tiêm vaccine vẫn phải cách ly đủ 14 ngày.
Trong khi đó, từ ngày 25/5 tới, Nga sẽ nối lại dịch vụ vận tải đường không với các nước Iceland, Malta, Mexico, Bồ Đào Nha và Saudi Arabia./.