Sau một thời gian nhiều quốc gia trên thế giới nới lỏng các biện pháp phòng dịch và quay trở lại cuộc sống bình thường mới, số ca mắc mới và nhập viện tăng mạnh trở lại. Trước nguy cơ dịch tái bùng phát, nhiều nước đang tăng cường tiêm các mũi vaccine số 4 và số 5, đồng thời duy trì các biện pháp phòng dịch khác như khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
|
Người dân Indonesia đeo khẩu trang khi tham gia giao thông, ngày 3/9/2022. (Ảnh: Xinhua) |
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 5/9 cho thấy, hiện toàn thế giới có 586.790.357 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 16.877.192 ca bệnh đang điều trị thì có 16.834.855 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,7%) và 42.337 ca (chiếm 0,3%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 222.253.960 trường hợp, trong đó có 1.904.758 ca tử vong và 216.144.491 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Âu đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm mới COVID-19, với 82.810 trường hợp.
Giới khoa học cảnh báo nhiều nước châu Âu sẽ ghi nhận hàng loạt đợt bùng phát mới COVID-19 do mọi người ở trong nhà nhiều hơn vào những tháng lạnh trong khi không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 rất có thể sẽ không tăng với mức độ tương tự nhờ chiến dịch tiêm vaccine được triển khai rộng rãi, các đợt mắc bệnh trước đây, biến thể mới gây bệnh nhẹ hơn và phương pháp điều trị bệnh đem lại hiệu quả cao.
Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 5/9 là 114.681.230 trường hợp, trong đó có 1.526.224 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 96.620.396 ca nhiễm và 1.072.934 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.
Trong một nỗ lực nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Ủy ban Tư vấn và Thực hành Tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa biểu quyết tỷ lệ ủng hộ khuyến nghị liều bổ sung mRNA cải tiến cho mọi người dân nước này vào mùa Thu năm nay. Liều cải tiến được cho là sẽ ưu việt hơn bởi sẽ dạy cho hệ miễn dịch cách bảo vệ cơ thể khỏi biến thể BA.4 và BA.5 của Omicron, các biến thể COVID-19 chủ đạo hiện nay.
Còn tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 5.362 ca nhiễm COVID-19. Tính cho đến nay, khu vực này có tổng số 63.729.055 ca nhiễm và 1.326.116 ca tử vong vì COVID-19.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 184.703.617 trường hợp, với 1.469.265 ca tử vong và 176.480.734 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Á đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với 254.180 trường hợp. Trước nguy cơ làn sóng COVID-19 mới đang lan nhanh ở châu Á, chính phủ nhiều nước trong khu vực đã lên tiếng khuyến cáo thực hiện các biện pháp tăng cường phòng dịch, gồm cả việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân, nhất là các đối tượng ưu tiên.
Tính đến sáng 5/9, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Phi lần lượt là 12.616.033 và 257.418 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 4.012.812 ca nhiễm COVID-19 và 102.108 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 6.920 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 5.821 ca. Hiện khu vực này có tổng số 12.186.356 trường hợp ca mắc COVID-19, với 19.627 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 10.066.729 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 1.747.739 ca./.