|
Các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ông Eslami khẳng định, tất cả các hoạt động hạt nhân của Iran đều được thực hiện dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Iran đã chính thức thông báo cho IAEA về thời gian cũng như cách thức triển khai các kế hoạch.
Tuy nhiên, ông Eslami cũng bày tỏ lấy làm tiếc về việc một báo cáo mật của IAEA về hoạt động hạt nhân của Iran đã bị rò rỉ, đồng thời kêu gọi cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc "cân nhắc về tính bảo mật".
Trước đó, ngày 10/10, truyền thông phương Tây đưa tin tầng thứ 3 của cụm máy ly tâm IR-6 tiên tiến mới được lắp đặt tại cơ sở Natanz đã đi vào hoạt động. Liên quan tới vấn đề này, ông Eslami khẳng định các hoạt động làm giàu urani được Iran thực hiện dựa trên kế hoạch hành động chiến lược của nước này, được biết đến với tên gọi Đạo luật “Kế hoạch hành động chiến lược chống trừng phạt” (SAPCS). SAPCS được Quốc hội Iran thông qua hồi tháng 12/2020, cho phép Tehran từ bỏ một phần cam kết của mình theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tháng 7/2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã ký JCPOA, đề cập tới các lệnh nới lỏng trừng phạt từ phương Tây để đổi lấy việc Iran hạn chế hoạt động phát triển hạt nhân. Tuy nhiên, vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng văn bản này là quá “nhẹ nhàng” đối với Iran, mở đường cho việc khôi phục trở lại các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Đáp lại, Iran đã nhiều lần cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Trong một thông điệp đưa ra ngày 12/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết việc theo đuổi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA không phải là “vấn đề trọng tâm” của Washington ở thời điểm hiện tại. Theo ông Price, các yêu cầu mà Iran đưa ra là không thực tế và vượt quá phạm vi của JCPOA. “Trong những tuần trở lại đây, chúng tôi chưa nắm được thông tin nào cho thấy Iran đã thay đổi lập trường của họ” – ông Price nói.
Cuối tháng 9/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đưa ra nhận định thận trọng về khả năng thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được hồi sinh trong ngắn hạn. Phát biểu trong chương trình “60 Minutes” của đài CBS, đại diện ngoại giao Mỹ đã chỉ trích Iran liên tục có ý đồ gán ghép các vấn đề mà ông cho là “không liên quan” tới tiến trình đàm phán và đơn giản là Mỹ sẽ không đồng ý với những điều đó.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận một thỏa thuận tồi, sự hồi đáp của Iran trước những đề xuất gần đây nhất do các đối tác châu Âu của chúng tôi ra là một bước lùi lớn” – ông Blinken nói./.