Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội vào tháng 2/2019. (Ảnh: AFP)
Ngày 23/6, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KNCA đưa tin, sau khi đọc bức thư Tổng thống Mỹ, lãnh đạo tối cao của đảng Lao động, Nhà nước và các lực lượng vũ trang Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ “sự hài lòng” về nội dung “tuyệt vời” của bức thư này. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng hoan nghênh sự can đảm phi thường và am hiểu chính trị của Tổng thống Mỹ, đồng thời lưu ý thêm rằng ông sẽ “suy nghĩ nghiêm túc” về “nội dung thú vị” của bức thư vừa nhận được.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan điểm cho rằng, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un dành những lời lẽ thiện cảm cho bức thư của Tổng thống D.Trump đã mở ra cơ hội “thực sự” để nối lại các vòng đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ.
Phát biểu trước các phóng viên, ngày 23/6, ông Pompeo hy vọng rằng, bức thư mà Tổng thống Mỹ D.Trump mới gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thiết lập “một nền tảng tốt” để Mỹ nối lại các vòng thảo luận quan trọng với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa. Đại diện ngoại giao này khẳng định Mỹ luôn sẵn sàng vào bất cứ thời điểm nào nếu như Triều Tiên phát đi thông điệp cho thấy họ đã chuẩn bị cho các vòng thảo luận.
Trong một tuyên bố mới phát đi từ thủ đô Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cũng xác nhận thông tin Tổng thống D.Trump đã gửi thư tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. “Tổng thống D.Trump đã gửi đi một lá thư, và các hoạt động trao đổi thư từ giữa hai nhà lãnh đạo đang diễn ra” – bà Sanders nói.
Cả hãng tin KCNA và bà Sanders đều không tiết lộ nội dung cụ thể của bức thư mà Tổng thống D.Trump đã gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, bức thư này được xem là “lời hồi đáp” từ phía người đứng đầu Nhà Trắng trước bức thư gần đây mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi tới ông vào dịp kỷ niệm 1 năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ nhất tại Singapore vào ngày 12/6/2018. Tổng thống D.Trump cũng đã miêu tả bức thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên mang nội dung “đẹp đẽ và rất ấm áp”. Bên cạnh đó, Tổng thống D.Trump còn nhấn mạnh thêm rằng mối quan hệ cá nhân giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn được duy trì ở trạng thái mạnh mẽ, đồng thời tin tưởng rằng “sẽ có một điều gì đó rất tích cực diễn ra trong tương lai”.
Mở ra cơ hội nối lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3?
Theo nhận định của giới phân tích, các hoạt động trao đổi thư từ giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mở ra cơ hội nối lại các vòng đàm phán hạt nhân, vốn bị đình trệ kể từ sau sự đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội vào tháng 2/2019.
Ngày 23/6, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung tin tưởng, các hoạt động trao đổi thư từ giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ giúp thúc đẩy một cách tích cực tiến trình đối thoại giữa hai nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
gặp gỡ tại Bình Nhưỡng, ngày 21/6/2019. (Ảnh: Xinhua)
Trong khi đó, kết quả thành công của Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào tuần trước cũng được xem là một diễn biến góp phần thúc đẩy mục tiêu hàn gắn tiến trình đối thoại về vấn đề Triều Tiên sau một thời gian ngưng trệ. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Triều Tiên diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 20/6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định, ông sẽ tỏ ra “kiềm chế” trong giải quyết vấn đề Triều Tiên, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ giúp đỡ tháo gỡ những mối quan ngại về an ninh của Triều Tiên.
Ngày 23/6, Choson Sinbo – tờ báo thân Triều Tiên tại Nhật Bản đã đăng bài xã luận trong đó bày tỏ quan điểm cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Triều Tiên vừa diễn ra vào tuần trước chính là một “lời hối thúc” Tổng thống Mỹ đưa ra một “quyết định quyết đoán” về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 3.
Tờ Choson Sinbo nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ phương án giải tỏa những mối lưu tâm thỏa đáng của Triều Tiên thông qua tiến trình đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ. Chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình đã giúp phát đi tiếng nói chung của hai nước trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Điều này cũng có thể sẽ khiến Tổng thống D.Trump “gặp khó” trong việc đưa ra những lập trường đơn phương liên quan tới vấn đề Triều Tiên trong các vòng đối thoại với nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G-20) được tổ chức tại Osaka (Nhật Bản) trong hai ngày 28-29/6/2019./.