Việc kinh tế Nam Phi rơi vào suy thoái sẽ làm tăng thêm áp lực đối với chính phủ nước này trong thực hiện cải cách nhằm nâng cao niềm tin kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.
Theo báo cáo quý II của SARB, nền kinh tế Nam Phi bước vào tháng thứ 70 liên tiếp của chu kỳ suy thoái. Tăng trưởng kinh tế và niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp trong nhiều năm qua do lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp.
Đồng Rand của Nam Phi. (Ảnh: Bloomberg)
Mức tăng trưởng nền kinh tế tại quốc gia có mức công nghiệp hóa cao nhất châu Phi không vượt quá 2% kể từ 2013. Theo dự báo của Ngân hàng trung ương Nam Phi vào tuần trước cho biết, sẽ rất khó khăn để kinh tế Nam Phi có thể đạt được mức tăng trưởng 2% cho đến năm 2021. Theo SARB, dự kiến tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt mức 0,6% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Theo khảo sát, vào tháng 8/2019, niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 thập kỷ khi nợ công gia tăng, giữa lo ngại từ khoản nợ của Công ty điện lực nhà nước Eskom lên tới 30 tỷ USD, tác động lớn đến nguồn tài chính quốc gia và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 29%.
Các tổ chức doanh nghiệp và Ngân hàng Dự trữ đã thúc giục chính phủ thực thi cải cách cơ cấu để thúc đẩy nền kinh tế và giảm thiểu thất nghiệp.
Chu kỳ suy thoái kinh tế lớn gần đây nhất của Nam Phi kéo dài 51 tháng trong giai đoạn 1989 – 1993, buộc chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp và chuẩn bị cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào năm 1994.
Trước đó, Viện Tài chính quốc tế Mỹ (IIF) cho biết, tỷ lệ nợ công của Nam Phi đang tăng nhanh, có thể chạm ngưỡng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), rung hồi chuông cảnh báo về khả năng quản lý tài chính của chính phủ nước này.
Sự gia tăng nợ công đang khiến Nam Phi trở thành nước có tỷ lệ nợ công hàng năm biến động lớn nhất trong số các nước tiểu vùng Sahara châu Phi và đứng thứ 5 trong số các thị trường mới nổi được đánh giá, IIF cho hay.
Cuối năm 2018, trước nguy cơ nguồn thu ngân sách không cân đối với các khoản nợ công, Chính phủ Nam Phi đã tính đến giải pháp yêu cầu sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ủy ban Kế hoạch quốc gia Nam Phi (NPC) cho hay, thời điểm đó, nợ công của Nam Phi vẫn liên tục tăng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, kim ngạch xuất khẩu giảm sút và môi trường đầu tư ảm đạm./.