Kinh tế toàn cầu phục hồi yếu. Vì sao?

Thứ hai, 25/07/2016 18:11

(ĐCSVN) - Trong tuyên bố chung khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 tại Thành Đô - Trung Quốc (24/7) đã thừa nhận tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, song yếu hơn kỳ vọng và cam kết sẽ sử dụng “tất cả các công cụ chính sách”, trong đó có các biện pháp tiền tệ, tài chính và cơ cấu kinh tế, nhằm tăng cường lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng, qua đó hướng đến việc đạt được “các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 chụp ảnh chung tại hội nghị ngày 24/7.
(Nguồn: EPA/TTXVN)

Tích hợp rủi ro

Hội nghị đã bàn thảo và đánh giá những rủi ro có tính tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, tài chính kéo dài; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cuộc chiến tại Syria diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu; những thiệt hại do kịch bản Brexit… là những tác nhân chính khiến kinh tế thế giới chưa vượt qua giai đoạn tăng trưởng trì trệ.

Trong nửa cuối tháng 2/2016, các thị trường tài chính, chứng khoán thế giới đã có sự hồi phục nhẹ. Chỉ số MSCI của các thị trường chứng khoán toàn cầu đã hồi phục với 6,1%, nhờ sự kỳ vọng vào các biện pháp can thiệp để hỗ trợ nền kinh tế của EU, Nhật Bản và Trung Quốc…

Tuy nhiên, cuối quý I, hy vọng đó lại bị dập tắt do tâm lý thị trường nghi ngại về khả năng phục hồi kinh tế, nhất là các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ. Giới chuyên môn gọi đây là sự “phản hồi” kỹ thuật sau đó lại tụt dốc gần giống như hồi năm 2008, khiến cho nền kinh tế toàn cầu càng trở nên ảm đạm hơn.

Cuộc khủng hoảng giá dầu (từ mức 100 USD/thùng trong năm 2014 xuống gần 25 USD/thùng vào tháng 1/2016), tuy giá dầu phục hồi vào quý II nhưng cũng không vững chắc; nhìn chung giá các nguyên liệu đầu vào vẫn thấp đã gây suy thoái kinh tế của nhiều nước xuất khẩu các mặt hàng hóa này như: Nga, Venezuela, Brazil… đã tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Khối OPEC, kể cả nước đứng đầu như Saudi Arabia cũng buộc phải huy động mọi nguồn lực nhằm chống đỡ với việc giảm nguồn thu từ dầu mỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách quốc gia. Trong giới chuyên gia đã xuất hiện những nhận định bi quan khi cho rằng sự sụt giảm của giá hàng hóa có thể giống như vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brother hồi đầu năm 2008 ở Mỹ.

Về sự kiện Brexit, tuy đã được tiên lượng trước, nhưng thị trường thế giới vẫn bị bất ngờ về mức độ hậu quả của nó. Mới đây, IMF tiếp tục cảnh báo kịch bản Brexit sẽ tác động tiêu cực mạnh mẽ không chỉ với nền kinh tế Anh mà còn nhiều nền kinh tế châu Âu, kinh tế toàn cầu bao gồm cả Mỹ.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và là đầu tàu thế giới chỉ tăng trưởng 0,8% trong quý I/2016, thấp nhất kể từ quý I/2015. Theo đó, kinh tế Mỹ hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong khu vực sản xuất. Chi tiêu của người dân Mỹ trong quý I chỉ tăng 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức 2,4% của quý cuối năm 2015.

Chính sách tài chính hiệu quả thấp 

Để thoát khỏi giai đoạn trì trệ, thúc đẩy kinh tế phục hồi và tăng trưởng vững chắc, các nước đã áp dụng các loại công cụ tài chính với các cấp độ khác nhau, tuy nhiên hiệu quả vẫn rất thấp, thậm chí có thể coi là “bị nhờn”.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15/6 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25 - 0,5% đã được áp dụng từ tháng 12 năm ngoái tới nay, trong bối cảnh thị trường lao động không cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc và những quan ngại ngày một gia tăng về vấn đề Brexit có thể tác động xấu đến thị trường Mỹ, nhất là hiệu ứng tăng giá đồng USD, khiến ngành xuất khẩu của Mỹ bị thui chột.

Trong tháng 5 vừa qua, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra được 38.000 việc làm, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, Chủ tịch FED bà Janet Yellen cảnh báo Brexit có thể gây ra nhiều hậu quả đối với các thị trường tài chính toàn cầu và triển vọng kinh tế Mỹ cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Kinh tế Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng không mấy lạc quan. Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố báo cáo cho thấy, trong quý I/2016, kinh tế nước này tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,4% so với quý trước đó. Kinh tế Nhật Bản tuy đã tránh được suy thoái trong quý I, nhưng quý II mức tăng vẫn khiêm tốn. Trong đó, giá tiêu dùng các mặt hàng cốt lõi lại giảm tháng thứ 2 liên tiếp theo số liệu thống kê vào tháng 4, gây khó khăn cho việc phấn đấu đạt mục tiêu lạm phát 2% như kế hoạch của chính phủ.

Tuy nhiên, theo Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda thì biến động trên các thị trường tài chính và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc trong khi Nhật Bản áp dụng mức lãi suất -0,1% cộng với việc BOJ thông báo sẽ không thay đổi chính sách tăng nguồn cung tiền khoảng 80 nghìn tỷ Yen (753 tỷ USD)/năm thông qua kế hoạch mua tài sản có thể phải chờ chính sách hiện hành phát huy tác dụng. 

Nền kinh tế châu Âu, trong khu vực Eurozone, quý I/2016 đã khả quan hơn, tăng 0,5% so với quý trước đó và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, sự kiện Brexit đã làm đảo lộn tất cả và Eurozone đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ vào thời hậu Brexit.

Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là nền kinh tế mới nổi hàng đầu có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu thì tăng trưởng của nền kinh tế này tiếp tục chững lại và chỉ đạt 6,7% trong quý I/2016 và theo dự báo của các nhà kinh tế thì nửa cuối năm nay Trung Quốc cũng chỉ đạt mức dự kiến là 6,5 - 7%.

Trung Quốc tuy đang thực hiện tái cơ cấu vốn, giảm đầu tư vào các ngành dư thừa công suất, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và khắc phục “bong bóng” bất động sản. Đây được coi là một trong những thay đổi trong chính sách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần khó gỡ… nên hiệu ứng lan tỏa ra kinh tế toàn cầu là khó tránh.

Như vậy, trong bối cảnh sự phục hồi tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới diễn ra chậm chạp, công cụ tài chính được áp dụng trong thời gian dài có nguy cơ “bị nhờn”, lại thêm các tác động tổng hợp về an ninh, chính trị - xã hội khiến sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trở nên yếu ớt hơn dự báo hồi đầu năm.

Vì thế, G20 cam kết sẽ sử dụng “tất cả các công cụ chính sách”, trong đó có các biện pháp tiền tệ, tài chính và cơ cấu, nhằm tăng cường lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng, qua đó hướng đến việc đạt được “các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện” là có cơ sở./.              

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực