Liên hợp quốc: Cần thêm hàng nghìn tỷ USD để bảo vệ các Mục tiêu Phát triển Bền vững

Thứ tư, 10/04/2024 17:16
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Một báo cáo do Liên hợp quốc công bố ngày 9/4 đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tài chính để bảo vệ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đang có dấu hiệu lung lay khi đối mặt với khủng hoảng ngày càng gia tăng.
 Nghèo đói cùng cực vẫn là thực trạng đáng lo ngại tại nhiều nước trên thế giới .(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Reuters)

Báo cáo tài chính cho Phát triển Bền vững năm 2024 có tựa đề  “Tài chính cho Phát triển ở những đoạn ngã rẽ” (FSDR 2024) đã kêu gọi các bước khẩn cấp để huy động tài chính trên quy mô lớn nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính phát triển, hiện lên tới 4,2 nghìn tỷ USD hàng năm, tăng từ mức 2,5 nghìn tỷ USD so với trước đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, theo báo cáo, căng thẳng địa chính trị gia tăng, thảm họa khí hậu và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đã tấn công hàng tỷ người, cản trở tiến bộ về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các mục tiêu phát triển khác.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed lưu ý, báo cáo này là một minh chứng khác cho thấy chúng ta vẫn cần phải đi bao xa và cần hành động nhanh như thế nào để đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. "Chúng ta thực sự đang ở ngã rẽ và thời gian không còn nhiều. Các nhà lãnh đạo phải vượt ra ngoài những lời hùng biện đơn thuần và thực hiện những lời hứa của mình. Nếu không có đủ nguồn tài chính, các mục tiêu năm 2030 sẽ không thể đạt được" - ông Mohammed nói.

Chúng ta chỉ còn quãng đường sáu năm nữa để đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2023. Trong khi đó, những thành tựu phát triển vốn rất khó đạt được đang bị đảo ngược, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, Liên hợp quốc ước tính sẽ có gần 600 triệu người phải tiếp tục sống trong tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 và xa hơn thế nữa, với hơn một nửa trong số đó là phụ nữ.

Phó Tổng thư ký về các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc Li Junhua cho rằng, chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng phát triển bền vững, trong đó có bất bình đẳng, lạm phát, nợ nần, xung đột và thảm họa khí hậu. Theo ông Li Junhua, chúng ta cần có nguồn lực để giải quyết vấn đề này. “Hàng tỷ USD bị thất thoát hàng năm do các hành vi trốn thuế, trong khi các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch lên tới hàng nghìn tỷ USD. Xét trên quy mô toàn cầu, chúng ta không thiếu tiền mà đúng hơn là thiếu ý chí và cam kết” - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phân tích.

Gánh nặng nợ và chi phí đi vay cao đang gây áp lực cho các nước dễ tổn thương

Báo cáo FSDR 2024 nhấn mạnh rằng các yếu tố quan trọng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện nay bao gồm gánh nặng nợ gia tăng và chi phí đi vay tăng vọt.

Theo dự báo, mức chi trả nợ ở các quốc gia kém phát triển nhất sẽ đạt tổng số tiền hàng năm là 40 tỷ USD từ năm 2023 đến năm 2025, đánh dấu mức tăng hơn 50% so với mức 26 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2022.

Báo cáo FSDR 2024 chỉ ra rằng, hơn một nửa số nợ tăng vọt này xuất phát từ tần xuất xảy ra thảm họa liên quan đến khí hậu ngày càng gia tăng và thường xuyên hơn, tác động tiêu cực đến các quốc gia dễ bị tổn thương.

Các quốc gia nghèo nhất hiện nay chi 12% nguồn thu cho việc trả lãi và con số này đã tăng gấp 4 lần số tiền mà họ phải chi trong một thập kỷ trước.

Trong khi đó, khoảng 40% dân số toàn cầu đang sống ở các quốc gia phải gánh mức chi trả lãi suất cao hơn cho giáo dục hoặc y tế.

Cũng theo báo cáo FSDR 2024, trong khi đầu tư vào các lĩnh vực SDGs đã tăng trưởng đều đặn vào đầu những năm 2000, thì các nguồn tài trợ phát triển chính hiện đang chậm lại.

Ví dụ, tăng trưởng doanh thu nội địa đã chững lại kể từ năm 2010, đặc biệt là ở các nước kém phát triển nhất và các quốc gia có thu nhập thấp khác, phần lớn xuất phát từ các hành vi trốn thuế. Ngoài ra, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đang giảm, với mức trung bình toàn cầu giảm mạnh từ 28,2% vào năm 2000 xuống còn 21,1% vào năm 2023, do tác động của toàn cầu hóa và các thông lệ cạnh tranh về thuế.

 Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Khánh Linh

Báo cáo kết luận rằng hệ thống tài chính quốc tế, được thiết lập tại Hội nghị Bretton Woods năm 1944 không còn phù hợp với các mục tiêu hiện tại. Qua đó, báo cáo FSDR 2024 đề xuất một hệ thống mới được trang bị tốt hơn để ứng phó với khủng hoảng, tăng cường đầu tư vào SDGs, đặc biệt thông qua các ngân hàng phát triển đa phương mạnh mẽ hơn và cải thiện mạng lưới an toàn toàn cầu cho tất cả các quốc gia.

Hiện nay, các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các cam kết tài chính về khí hậu vẫn chưa được đáp ứng. Trong khi ODA đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022, đạt 211 tỷ USD, từ mức 185,9 tỷ USD vào năm 2021, với phần lớn mức tăng trưởng đến từ các hoạt động viện trợ cho người tị nạn sống tại các nước tài trợ và không đủ cho các mục tiêu phát triển. Theo số liệu thống kê, hiện mới chỉ có 4 quốc gia đạt được mục tiêu viện trợ của Liên hợp quốc là 0,7% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) vào năm 2022.

Báo cáo chỉ ra Hội nghị thượng đỉnh tương lai của Liên hợp quốc dự kiến diễn ra vào tháng 9/2024 là cơ hội quan trọng để thay đổi hướng đi. Báo cáo đánh giá Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về tài trợ cho phát triển (FfD4) dự kiến diễn ra vào tháng 6/2025 là cơ hội quan trọng để các quốc gia cam kết thu hẹp khoảng cách tài chính phát triển và đầu tư để đạt được SDGs.

Liên quan tới vấn đề này Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed cảnh báo: “Nếu không có sự hợp tác toàn cầu, nguồn tài chính có mục tiêu và quan trọng nhất là ý chí chính trị, thế giới sẽ không thể đạt được SDGs … Đồng hồ đang điểm”.

Theo ông Mohammed, từ nay đến Hội nghị FfD4 năm sau, chúng ta sẽ được đón nhận cơ hội 80 năm mới có một lần để cải cách toàn diện cơ cấu tài chính và cũng là cơ hội cuối cùng để điều chỉnh hướng đi trước năm 2030./.

T.Lan (Theo UN, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực