Liên hợp quốc đang trong tiến trình bầu ra các thẩm phán của Tòa án Hình sự quốc tế

Thứ sáu, 10/11/2017 18:05
(ĐCSVN) – Ngày 9/11, các nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chọn ra 4 trong số 5 thẩm phán trong Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Ứng cử viên còn lại vào vị trí này sẽ được quyết định trong một phiên họp tiếp theo diễn ra vào đầu tuần tới.
Tòa án Hình sự Quốc tế - ICC. (Ảnh: voxukraine.org)

Sau 5 vòng bỏ phiếu, các ứng cử viên đã giành được ghế vào vị trí thẩm phán ICC bao gồm: ông Nawaf Salam người Li-băng; Trưởng đoàn thẩm phán ICC người Pháp Ronny Abraham, Phó Chủ tịch đoàn thẩm phán ICC người Somalia Abdulqawi Ahmed Yusuf và ông Antonio Augusto Cancado Trindade người Brazil.

Dự kiến, vào ngày 13/11, đại diện 193 nước thành viên Đại Hội đồng Liên hợp quốc và 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập một phiên họp nhằm lựa chọn ra vị thẩm phán thứ 5 của ICC, giữa hai ứng cử viên Dalveer Bhandari của Ấn Độ và Christopher Greenwood của Anh.

Các nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phải trải qua một tiến trình sàng lọc nghiêm túc để lựa chọn ra các vị trí thẩm phán trong ICC, đó là đồng loạt lựa chọn ra các ứng cử viên cùng với việc bỏ phiếu tại các căn phòng riêng rẽ. Để được lựa chọn, các ứng cử viên phải chiếm được đa số 97 phiếu bầu trong Đại hội đồng Liên hợp quốc và 8 phiếu trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo quy định, việc bỏ phiếu mới chỉ được thực hiện nếu như cả các nước thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra cùng một sự lựa chọn vào cùng một thời điểm.

Trong vòng bỏ phiếu thứ 6 để chọn ra vị Thẩm phán thứ 5 trong ICC, ứng cử viên Bhandari đã giành được 115 phiếu trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong khi tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Greenwood là 76 phiếu. Tuy nhiên, kết quả này lại bị đảo ngược trong phiên bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đòi hỏi phải tổ chức thêm một vòng bỏ phiếu mới.

ICC gồm một hội đồng thẩm phán độc lập 15 thành viên. Trong đó, có 1/3 trong số này (5 người) sẽ được bầu lại sau 3 năm. Trước đó, vào năm 2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã phải tổ chức tổng cộng 7 vòng bỏ phiếu, trong khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã trải qua 4 vòng bỏ phiếu để lựa chọn ra 5 thẩm phán trong số các ứng cử viên.

ICC được thành lập vào năm 2002 với hơn 124 quốc gia thành viên, có trụ sở tại The Hague (Hà Lan). Là một tổ chức độc lập và thường trực, ICC có nhiệm vụ thực hiện quyền tài phán đối với bất kỳ người nào nếu có chứng cứ chứng minh người đó liên quan tới tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người – mà các Tòa án ở cấp độ quốc gia không có đủ năng lực hoặc không sẵn lòng giải quyết./.

Thu Lan (Theo AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực