Mỹ vượt mốc 600.000 ca tử vong vì COVID-19

Thứ tư, 19/05/2021 08:41
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 19/5/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 164.879.142 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.418.029 ca tử vong và 143.800.657 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 606.992 ca mắc và 13.807 ca tử vong mới vì đại dịch. Mỹ ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 đã vượt mốc 600.000 người.
Ngày 18/5, Mỹ ghi nhận vượt mốc 600.000 ca tử vong vì COVID-19. (Ảnh: Reuters) 

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (267.174 ca); Brazil (74.379 ca); Argentina (35.543 ca); Mỹ (26.654 ca); Pháp (17.210 ca); Iran (13.930 ca); Colombia (13.137 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (4.525 ca); Brazil (2.517 ca); Argentina (744 ca); Mỹ (711 ca); Colombia (482 ca); Nga (364 ca); Iran (310 ca)…

Châu Á hiện đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới khi châu lục này đã có tổng cộng 47.537.098 ca nhiễm và 620.188 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 347.979 ca mắc và 6.119 trường hợp tử vong mới.  Riêng tại châu Á, có 42.198.573 ca được điều trị khỏi; 4.718.337 ca đang được điều trị tích cực và 32.374 ca bệnh nặng.

Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngày 18/5, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 267.174 ca mắc mới và 4.525 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đây là số ca tử vong theo ngày cao nhất từ trước tới nay tại Ấn Độ. Tuy vậy, số ca nhiễm mới tại nước này lại đang giảm đáng kể, xuống quanh mức 260.000 ca so với mức trên 400.000 ca vào đầu tháng 5. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng số bệnh nhân mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 25.495.144 ca và 283.276 ca. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Philippines, Iraq… Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 5,1 triệu ca nhiễm; Iran có gần 2,8 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm COVID-19…

Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 16.720 ca mắc mới và 356 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 3.734.376 người mắc COVID-19, trong đó 73.944 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Malaysia. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực khi ghi nhận có 1.748.230 ca nhiễm và 48.477 ca tử vong vì đại dịch. Đáng chú ý, ngày 18/5, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thông báo quốc gia này đã phát hiện 26 ca nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, Ấn Độ và Nam Phi.

Diễn biến dịch đang bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, khiến quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, với 4.487 ca nhiễm trong ngày 18/5. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.154.388 ca mắc COVID-19, trong đó có 19.373 ca tử vong và 1.082.723 ca bình phục.

Tại Thái Lan, ngày 18/5 ghi nhận 2.473 ca nhiễm mới COVID-19 và 35 ca tử vong mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này. Làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Thái Lan, bùng phát hồi tháng 4 vừa qua, đến nay đã làm số ca nhiễm mới tăng hơn 3 lần, số ca tử vong tăng 6 lần. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Thái Lan đã tăng lên 649 ca, trong đó hơn 500 ca ghi nhận trong làn sóng thứ 3. Tính đến nay, nước này ghi nhận có tổng cộng 113.555 ca mắc COVID-19.

Tại châu Âu, số ca nhiễm COVID-19 hiện tại được ghi nhận là 46.216.423 người, với 1.053.060 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 70.665 ca nhiễm mới và 2.134 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 5.898.347 ca mắc COVID-19 và 108.040 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 18/5, nước này có thêm 17.210 ca nhiễm mới và 198 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm  Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan…

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 38.739 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 39.289.335 ca, tổng số người tử vong là 880.311 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 31.831.886 trường hợp. Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 tại châu lục. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 33.774.093 ca nhiễm và 601.308 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.382.745 ca nhiễm và 220.489 ca tử vong. Tiếp đó là các quốc gia Canada, Panama, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, …

Khu vực Nam Mỹ ghi nhận có tổng cộng 27.019.463 ca nhiễm; 735.993 ca tử vong và 24.478.246 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 15.735.485 ca nhiễm, trong đó 439.379 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, Ausralia hiện đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.983 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 910 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, Papua New Guinea là quốc gia ghi nhận có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất tại châu lục, với 278 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên lần lượt 14.206 ca và 136 ca.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.749.652 ca mắc COVID-19, trong đó 127.237 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.617.840 trường hợp, trong đó 55340 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 2.355 ca mắc mới COVID-19 và 80 ca tử vong vì đại dịch.

Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, theo số liệu chính thức do các cơ quan y tế quốc gia cung cấp, tính đến ngày 18/5, ít nhất 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân tại Liên minh châu Âu (EU). Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu hi vọng EU sẽ có thể đạt mục tiêu tiêm đủ vaccine cho 70% người trưởng thành, tức là khoảng 255 triệu người trên tổng số 448 triệu dân, vào cuối tháng 7 tới. Ít nhất 52,9 triệu người đã được tiêm đủ vaccine, trong đó đủ 2 liều vaccine của các hãng BioNTech/Pfizer, Moderna và AstraZeneca hay loại 1 liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson. Con số này tương đương 11,8 % dân số EU. Tính trên phạm vi toàn cầu, đến nay các nước đã tiêm 1,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân./.

Hoài Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực