Năm 2016: Châu Âu tiếp tục chật vật đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư

Thứ hai, 11/01/2016 21:37
(ĐCSVN) – Một cậu bé hai tuổi thiệt mạng trong vụ đắm tàu tại biển Aegean ngoài khơi Hy Lạp vào ngày 3/1 đã mở đầu một cách buồn bã bảng thống kê các nạn nhân của làn sóng di cư sang châu Âu trong năm 2016. Bi kịch này cũng một lần nữa cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu vẫn chưa hề nguội bớt.

Người tị nạn tới bờ biển Lesbos của Hy Lạp (Ảnh: AFP)

Theo thống kê gần đây của Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO), hơn 1 triệu người di cư đã có thể tiếp cận các nước châu Âu vào năm 2015, trong đó từ 50 – 60% là những người đến từ Syria. Con số này là quá đủ để cho thấy châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư có quy mô lớn kỷ lục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo nhận định của giới phân tích, dòng người di cư đến châu Âu vào năm 2015 là kết quả của 5 năm leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Trong đó, Syria – một quốc gia trải qua 5 năm nội chiến và là tâm điểm của những căng thẳng giữa các cường quốc trên thế giới – đã trở thành nước xuất xứ của hầu hết những người tị nạn vào năm 2015.

Trước khi Mỹ và châu Âu can thiệp vào cuộc xung đột nội bộ của thế giới Arab năm 2011, Syria đã ở trong tình trạng tốt hơn cả về kinh tế và xã hội, khiến Syria trở thành một trong những nước chào đón nhiều người tị nạn nhất. Tuy nhiên, chế độ Alawite đã không thể đối phó với sự gia tăng của các nhóm nổi dậy. Vào năm 2012, Mỹ đã chính thức thừa nhận ủng hộ cho phe đối lập Syria, trong khi Pháp cũng ủng hộ cho phe đối lập tại nước này, đồng thời thúc đẩy Liên minh châu Âu thống nhất lập trường chung đối với vấn đề Syria. Sự hỗ trợ của phương Tây không những không thể tìm ra được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng mà còn làm gia tăng căng thẳng vốn vẫn luôn dâng cao tại Syria, làm trầm trọng thêm tình hình ở đất nước này.

Thêm nữa, các cuộc chiến tranh dân sự cũng là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố, trong đó đặc biệt bùng phát tại Syria vào năm 2014. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã có thể giành chiến thắng trên gần một nửa lãnh thổ Syria. Các hoạt động khủng bố, tấn công bạo lực gia tăng chóng đã tạo nên những trở ngại lớn trước sự phản ứng muộn màng và không đầy đủ của phương Tây. Mặc dù các chiến dịch không kích chống lại IS liên tục được phát động song vẫn có hàng triệu người Syria phải chạy trốn khỏi đất nước.

Năm 2015, hàng trăm nghìn người Syria vẫn tiếp tục tìm cách rời bỏ quê hương sau 4 năm triền miên trong nội chiến với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu. Những con số này sẽ chưa phải là cuối cùng nếu cuộc nội chiến tại Syria không chấm dứt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên không lối thoát với sự xuất hiện thêm của những mối nguy cơ mới, nhất là của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Không những thế, chính phủ nước này lại dỡ bỏ hạn chế về đi lại khiến nhiều người muốn chạy trốn khỏi cuộc nội chiến. Ngoài ra, việc 4 triệu người tị nạn Syria hiện sống tại các trại tị nạn ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan với điều kiện sống ngày càng xuống cấp do viện trợ quốc tế sụt giảm cũng đã đẩy dòng người tị nạn này tràn vào châu Âu.

Cho tới đầu 2016, những căng thẳng bùng phát giữa Saudi Arabia và Iran lại càng khiến các cuộc xung đột tại Trung Đông thêm trầm trọng. Không những đại diện cho hai dòng Hồi giáo đối nghịch, Saudi Arabia và Iran còn đang ra sức chạy đua để trở thành thế lực mạnh nhất trong khu vực này, thông qua việc hậu thuẫn những phe phái đối kháng tại Yemen và Syria. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, không thể phủ nhận rằng cả Saudi Arabia và Iran đều đang ra sức khẳng định là một trong số những quốc gia đóng vai trò quyết định trong việc giải quyết cuộc nội chiến ở Syria. Trên chiến trường Syria, Saudi Arabia là một trong những nước kiên quyết đòi Tổng thống Syria al-Assad phải ra đi trong khi Iran luôn sát cánh cùng Nga để bảo vệ ông Assad. Khi quân đối lập dòng Shiite ở Yemen, dưới sự hỗ trợ của Iran, đã giành được quyền kiểm soát đất nước thì Saudi Arabia lại dẫn đầu một liên minh quân sự gồm các nước Sunni để tấn công Yemen.

Có thể thấy rõ ràng rằng sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran sẽ làm triển vọng hòa bình ở Syria trở nên xa vời, và nếu những mâu thuẫn giữa hai quốc gia này không được giải quyết thì rất có thể sẽ thổi bùng lên ngọn lửa vốn đang âm ỉ tại Trung Đông, đẩy khu vực này tiếp tục chìm sâu vào vòng xoáy của bạo lực và bất ổn.

Thêm vào đó, tại Libya, tình trạng bất ổn và nội chiến vẫn tiếp diễn sau làn sóng "Mùa xuân Arab" lật đổ chính quyền Tổng thống Gaddafi năm 2011, khiến quốc gia Bắc Phi này bị chia rẽ nghiêm trọng. Cuộc nội chiến giữa hai liên minh chính trị và quân sự lớn bùng phát từ hơn một năm trở lại đây đã làm trầm trọng hơn những vấn đề nội tại của nước này và tạo cơ hội cho IS gia tăng các hành vi khủng bố.

Tình hình ngày càng xấu đi tại Trung Đông, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại Syria và Lybia, lâu nay vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có tại châu Âu. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là chính sự can dự ngày một sâu của các nước phương Tây và những quốc gia có ảnh hưởng trong thế giới Arab đã làm các cuộc khủng hoảng này trở nên trầm trọng hơn và vô cùng khó khăn để tìm được lối thoát. Do những biến động về chính trị vã xã hội dưới tên gọi “Mùa xuân Arab”, bạo lực, xung đột đã diễn ra ở nhiều nước thuộc khu vực Trung Đông – Bắc Phi, khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, tạo làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Hàng rào dây thép gai do Hungary dựng lên dọc biên giới với Serbia không làm giảm "quyết tâm" của những người tị nạn (Ảnh: AFP)

Ngoài ra, dù đã nỗ lực hết sức song châu Âu vẫn chưa tìm ra giải pháp căn bản và tổng thể nào để ngăn chặn hiệu quả dòng người di cư. Vấn đề di cư đã được đề cập trong hầu hết các hội nghị thượng đỉnh của châu lục, thậm chí còn có một hội nghị thượng đỉnh riêng để bàn về chủ đề này, hàng loạt biện pháp được đưa ra song dường như vẫn chỉ mang tính tạm thời, đối phó, bởi làn sóng người di cư vẫn liên tục đổ về lục địa này. Các quốc gia châu Âu vẫn chưa thể đi đến thống nhất về chiến lược chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư quy mô kỷ lục. Thậm chí ngay cả kế hoạch phân chia hạn ngạch người tị nạn giữa các quốc gia thành viên dựa trên tiêu chí khách quan và định lượng cũng chưa thực sự được áp dụng và còn đang gây tranh cãi. Một số quốc gia như Italy, Hy Lạp vẫn tiếp tục phải đối mặt với làn sóng người nhập cư ồ ạt. Và, trong khi Đức quyết định mở cửa biên giới thì Hungary đã không ngại ngần xây bức tường chặn dòng người tị nạn kéo tới và Slovakia hay Ba Lan cũng chậm chạp trong việc triển khai một số biện pháp nhằm tiếp nhận, đăng ký và phân chia người nhập cư.

Không những thế, kể từ sau loạt vụ khủng bố đêm 13/11 tại Paris (Pháp), các nhà lãnh đạo châu Âu lại càng tỏ ra dè dặt đối với người nhập cư do lo ngại những kẻ khủng bố trà trộn vào dòng người này. Sau biến cố kinh hoàng tại thủ đô nước Pháp, châu Âu càng trở nên hỗn loạn, nội bộ Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa tranh cãi gay gắt về chính sách mở cửa biên giới và Hiệp ước Schengen (quy định miễn thị thực đi lại giữa 22 nước thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU) có nguy cơ tan vỡ.

Tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm 2015, châu Âu đã nhất trí thành lập một cơ quan bảo vệ biên giới trên biển và trên bộ chung của EU nhằm đối phó với dòng người di cư từ ngoài liên minh; song vấn đề kinh phí hoạt động cho lực lượng này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo trong năm 2016.

Tuy nhiên, khi châu Âu chưa kịp đạt được sự đồng thuận hoàn toàn thì Đức, quốc gia vốn được xem là “cởi mở” nhất đối với người di cư lại vấp phải sự cố là vụ bạo động gây rối xảy ra tại Cologne khiến hơn 500 người trở thành nạn nhân. Quy mô và mức độ nghiêm trọng của vụ gây rối này đã tạo ra cú sốc lớn đối với toàn Đức và đổ dồn sự chú ý vào hơn những người di cư tới nước này trong năm 2015. Không những thế, vụ việc cũng làm gia tăng quan ngại về hiệu quả hoạt động bảo vệ của lực lượng cảnh sát Đức cũng như làm dấy lên sự hoài nghi và kỳ thị trong số những người có tư tưởng bài ngoại tại quốc gia này. Đặc biệt, vụ việc này sẽ có thể buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel phải hạn chế dần dần chính sách mở cửa cho người di cư, với đạo luật nghiêm khắc hơn.

Như vậy, vào buổi bình minh của năm mới 2016, châu Âu vẫn chưa thể hoàn thành việc quản lý dòng người di cư và không thể phủ nhận rằng năm 2016 sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với “lục địa già”. Đi tìm lời giải tận gốc cho vấn đề nghiêm trọng này là việc làm không mấy dễ dàng đối với châu Âu bởi nếu quá dung hòa sẽ dễ tạo điều kiện nuôi dưỡng các mầm mống khủng bố, còn nếu quá cực đoan thì sẽ càng kích động bạo lực. Hơn lúc nào hết, thiện chí, sự đồng thuận và những nỗ lực không mệt mỏi là điều tối cần thiết đối với các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng di cư cũng đòi hỏi tinh thần đoàn kết và những nỗ lực, phối hợp đồng bộ của các quốc gia trên thế giới nhằm xoa dịu những bất đồng, chấm dứt và ngăn cản xung đột, bạo lực tại các quốc gia vốn đã và đang là “điểm nóng” trên thế giới./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực