Thứ ba, 13/08/2024 14:45 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Thời tiết nóng bức do ô nhiễm carbon đã giết chết gần 50.000 người ở châu Âu vào năm ngoái, với tốc độ nóng lên của lục địa già đang nhanh hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới.
|
Lính cứu hỏa đang cố gắng dập tắt đám cháy rừng ở Attica, Hy Lạp, ngày 12/8/2024. (Ảnh: Xinhua) |
Ngày 12/8, Viện Y tế Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) công bố báo cáo trên tạp chí Nature Medicine cho thấy, gần 50.000 người đã tử vong ở châu Âu do tình hình nắng nóng gay gắt vào năm 2023. Đây cũng là năm nóng nhất từ trước đến nay được ghi nhận trên thế giới và là năm ấm thứ hai được ghi nhận ở châu Âu. Khi biến đổi khí hậu kéo theo sự gia tăng nhiệt độ đã khiến người dân châu Âu - vốn đang sinh sống ở lục địa ấm lên nhanh nhất thế giới, phải đối mặt với những rủi ro sức khỏe ngày càng tăng do nắng nóng gay gắt.
Cụ thể, báo cáo của ISGlobal dẫn số liệu thống kê cho thấy, khoảng 47.690 người ở châu Âu đã tử vong do nhiệt độ cao trong năm ngoái. Con số này thấp hơn đáng kể so với hơn 60.000 ca vì nắng nóng ghi nhận được trong báo cáo thường niên năm 2022, tuy nhiên vẫn cho thấy xu hướng đáng báo động của các ca tử vong vì nắng nóng.
Dữ liệu nghiên cứu được ISGlobal thu thập từ 35 quốc gia trên khắp châu Âu. Các tác giả của bản báo nhấn mạnh, người lớn tuổi là đối tượng phải đối mặt với nguy cơ cao nhất, trong khi các quốc gia ở Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng nắng nóng.
Những thông tin gây quan ngại này được ISGlobal đưa ra khi các vụ cháy rừng đang càn quét các khu vực ngoại ô thủ đô Athens (Hy Lạp); Pháp phải ban hành cảnh báo nhiệt độ quá cao tại nhiều vùng rộng lớn của đất nước còn Anh cũng đang trải qua ngày mà Cơ quan Khí tượng dự đoán là nóng nhất trong năm.
Các chuyên gia y tế gọi nhiệt độ cao là "kẻ giết người thầm lặng" vì hiện tượng này cướp đi nhiều sinh mạng hơn hầu hết mọi người có thể nhận ra. ISGlobal cảnh báo, tỷ lệ tử vong thảm khốc của năm 2023 sẽ cao hơn 80% nếu mọi người không thích nghi với nhiệt độ tăng cao đã xảy ra trong hai thập kỷ qua.
Nhà dịch tễ học môi trường tại ISGlobal và là tác giả chính của nghiên cứu – bà Elisa Gallo nhận định, kết quả phân tích cho thấy những nỗ lực nhằm thích nghi xã hội đối với đợt nắng nóng đã có hiệu quả. Tuy nhiên, số ca tử vong liên quan đến nắng nóng vẫn còn quá cao. Bà cảnh báo: "Châu Âu đang nóng lên với tốc độ gấp đôi mức trung bình toàn cầu - chúng ta không thể ngủ quên trên chiến thắng".
Các đợt sóng nhiệt đã trở nên nóng bức hơn, kéo dài hơn và phổ biến hơn khi các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và phá hủy thiên nhiên của con người phát tán ra các loại khí thải làm tắc nghẽn bầu khí quyển và làm nóng hành tinh. Trên quy mô toàn cầu, năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận được lịch sử và các nhà khoa học dự báo kịch bản tương tự sẽ xảy ra trong năm 2024.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các quốc gia mát mẻ hơn ở châu Âu như Anh, Na Uy và Thụy Sĩ sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tương đối lớn về số lượng những ngày nóng bức khó chịu. Trong khi số các ca tử vong vì nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng ở khu vực miền Nam châu Âu, nơi thích nghi tốt hơn với thời tiết nắng nóng nhưng lại phải hứng chịu nhiệt độ thiêu đốt nhiều hơn./.
T.Lan (Theo theguardian, businesstimes)