NATO sẽ điều chỉnh chính sách theo hướng nào?

Thứ tư, 14/12/2016 12:08
(ĐCSVN) - Việc tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ có tác động không nhỏ tới tương lai của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Có nhiều khả năng được dự báo, trong đó nhiều ý kiến trong giới chuyên gia quân sự cho rằng, NATO vẫn tồn tại nhưng sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với chính sách đối ngoại mới của Mỹ. Những định hướng cụ thể cho sự thay đổi vẫn phải chờ cho đến Hội nghị thượng đỉnh NATO vào đầu năm 2017.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Từ chính sách đối ngoại mới của Mỹ…

Theo giới quan sát, tuy chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời ông D.Trump chưa định hình rõ nét, nhưng từ chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa này, giới phân tích tin rằng, ông D.Trump là người theo chủ nghĩa dân tộc, muốn lấy lòng dân và hứa hẹn chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích của nước Mỹ.

Ông D.Trump đã từng chỉ trích NATO đã trở nên “lỗi thời” và tuyên bố sẽ buộc các nước này phải đóng góp nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh cho chính họ. Theo ông, các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington, nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương ứng.

Ông D.Trump từng cảnh báo các đồng minh bao gồm cả châu Âu rằng, họ phải đóng góp nhiều hơn cho chi phí triển khai lực lượng quân đội Mỹ và các biện pháp phòng thủ khác ở những nước này. Trước đó, ông đã có ý kiến tương tự khi tuyên bố rằng, ông có thể rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ các đồng minh, nếu họ không đóng góp nhiều hơn cho NATO.

Đến châu Âu độc lập hơn…

Theo giới quan sát, ông D.Trump cũng từng tuyên bố muốn giữ nguyên NATO, nhưng kêu gọi châu Âu phải chi nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc phòng, mặc dù đây là yêu cầu quá khó trong bối cảnh EU đang phải chịu gánh nặng nợ công và giải pháp thắt chặt ngân sách.

Được biết, chính sách của NATO quy định rằng, quốc gia thành viên phải dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quốc phòng. Tuy nhiên, trên thực tế trong năm 2015, chỉ có 5 nước chấp hành đúng quy định này là Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ.

Trong năm tài khóa 2015 - 2016, thâm hụt ngân sách của Mỹ cũng đã là 587 triệu USD và khoản nợ công lên đến 19,8 nghìn tỷ USD. Đây là một trong những lý do chính khiến nhà tỷ phú Trump cảm thấy đã đến lúc phải cắt giảm bớt khoản tiền dành cho NATO, đồng thời yêu cầu 27 quốc gia thành viên phải bỏ ra số tiền đúng 2%/GDP như quy định.

Trong khi tranh cử, ông D.Trump từng tuyên bố, khi nắm quyền, nước Mỹ sẽ chỉ giúp các quốc gia NATO “đóng góp một cách công bằng”. Ông nói: “Tôi muốn giữ NATO, nhưng tôi muốn họ phải bỏ tiền ra”…

Ông Robert Oulds, giám đốc của tổ chức Bruges Group tại London nhận xét: Ông D.Trump “đang đưa ra một thử thách cho các quốc gia châu Âu khi kêu gọi họ chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng”. “Theo những gì ông D.Trump nói, nếu châu Âu không đáp ứng thử thách này, Mỹ sẽ tách ra khỏi NATO”.

Để đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra, ngày 10/11, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker kêu gọi EU thành lập một lực lượng quân đội châu Âu. Rằng “Chúng ta phải cảm ơn người Mỹ rất nhiều… nhưng họ sẽ không chăm lo cho nền an ninh châu Âu mãi mãi”; “Chúng ta phải tự bảo vệ mình, điều này giải thích tại sao chúng ta cần một cách thức mới để xây dựng một nền an ninh EU mà mục tiêu cuối cùng là thiết lập một lực lượng quân đội châu Âu”.

Và, sự thay đổi còn đang ở phía trước…

Ông Alexander Khrolenko, một nhà phân tích chính trị cho rằng, NATO sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong mối quan hệ với Lầu Năm góc. Ông chỉ ra rằng, hệ thống chính sách của nước Mỹ sẽ không thể thay đổi chỉ theo quyết định của cá nhân Tổng thống. Ông D.Trump cũng không nhất quyết phải tuân thủ hoàn toàn theo những gì mình đã cam kết trong chiến dịch tranh cử.

“Nhìn vào sự phát triển các lực lượng quân sự và sự thực thi những chiến lược phù hợp với lợi ích kinh tế quốc gia, Lầu Năm góc và NATO sẽ vẫn là ưu tiên trong chính sách của Mỹ…”

Vị chuyên gia này lập luận: “Nhà Trắng sẽ là nơi cuối cùng trên trái đất đưa ra các kế hoạch từ bỏ đồng minh”. Nói về mối quan hệ của Washington và NATO với Nga, theo ông Khrolenko, nó đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi lực lượng đồng minh mở rộng về phía Đông. Do vậy, việc vừa hàn gắn quan hệ với Moscow trong khi vẫn triển khai quân đội NATO dọc theo biên giới Nga là điều không thực tế.

Vì thế, vị chuyên gia này tỏ ra nghi ngờ về việc sẽ có những biến động quân sự và chính trị lớn tại châu Âu sau khi ông D.Trump nhậm chức, cho dù khả năng cắt giảm hiện diện quân sự của Mỹ tại nước ngoài vẫn có thể xảy ra. Ông nói thêm: “Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các đồng minh NATO với việc gia tăng nguồn cung vũ khí”.

Ông Khrolenko khẳng định rằng, các lợi ích kinh tế và chiến lược “ngăn chặn và mở rộng” lâu dài của Washington sẽ không cho phép tân Tổng thống tiến hành những thay đổi “sốc” với nền tảng chính trị - quân sự của nước Mỹ.

Như vậy, tham vọng thay đổi quan điểm đối ngoại quân sự của ông D.Trump và những lợi ích địa-chính trị của Washington - Brussels có sự cọ sát, khiến sự tồn tại và phát triển của NATO cần có sự thay đổi. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự điều chỉnh chính sách của NATO theo hướng nào vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực