Binh sĩ Nga tham chiến tại Syria. (Ảnh: Ria)
Hai năm đã trôi qua kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các lực lượng nổi dậy cực đoan tại Syria, một quyết định được giới phân tích đánh giá là đã giúp Syria tránh khỏi sự tan rã. Không giống các cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu với lý do là chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, chiến dịch của Nga - nhằm ủng hộ các lực lượng Chính quyền Syria - được cho là đã giúp thay đổi cục diện thực tế theo hướng có lợi cho quân đội Syria, lực lượng vốn phải đối phó với hàng loạt nhóm cực đoan trong suốt hơn 5 năm qua. Nga đã sát cánh bên ông Assad ngay từ lúc đầu, bảo vệ Tổng thống Syria theo nhiều cách. Tổng thống Nga V. Putin thậm chí vũ trang cho quân đội chính phủ, bảo vệ ông Assad trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và làm cột trụ cho quân đội cũng như kinh tế của Syria.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, Mỹ và các cường quốc phương Tây khác đã đứng về phía phe đối lập, liên tục đưa ra những lời kêu gọi lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ủng hộ quân nổi dậy và thánh chiến cực đoan. Phần lớn các chiến binh nước ngoài và vũ khí của lực lượng này đều được tuồn vào Syria qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã nhiều lần lên tiếng muốn thiết lập một “vùng an toàn” tại phía Bắc Syria, và điều này cũng bị coi là một nỗ lực nhằm chia rẽ đất nước này và ngăn chặn đà tiến công của quân đội chính quyền Syria.
Trước khi Nga can thiệp vào Syria, quân đội Syria đã phải một mình chiến đấu chống lại các thế lực nổi dậy được nước ngoài hậu thuẫn, và cùng với đó là cuộc can thiệp của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi có sự can thiệp của Nga, và quân đội Syria đã chuyển từ thế thủ sang thế công, giành lại lãnh thổ bị mất ở tỉnh Latakia phía Bắc Syria, giành quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra và đẩy lùi vô số cuộc tấn công của các phần tử nổi dậy tại những vùng trọng điểm. Hiện nay, tình hình đang ổn định trở lại ở một số vùng then chốt của Syria, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria đang được bảo đảm bằng những giải pháp chính trị, quân sự, ngoại giao, việc mà trước đây hai năm là rất khó thực hiện.
Ngày 31/7, trong cuộc họp tại Cairo (Ai cập), đại diện Bộ Quốc phòng Nga cùng phe đối lập ôn hòa tại Syria đã đạt được thỏa thuận thiết lập vùng giảm leo thang thứ 3 ở Syria, với 84 khu định cư và hơn 147.000 người dân. Đây được đánh giá là một thắng lợi của chính sách ngoại giao của Nga.
Quan trọng nhất, Nga đã tạo ra cơ hội hợp tác với phương Tây – dựa trên các điều kiện của mình. Ngày 19/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định việc tìm ra hướng giải quyết cho cuộc xung đột quân sự ở Syria cần có sự hợp tác của Nga. Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định Nga là một đối tác và các nước cần phải phối hợp với Moskva. Ông còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp hành động với Nga trong vấn đề Syria. Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Pháp bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Nga trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Trước đó, một thành viên trong Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Pháp đã kêu gọi châu Âu tăng cường can dự quân sự vào cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố ở Syria trong khi phối hợp nỗ lực với Nga, cho rằng Moskva có vai trò tích cực ở Syria, đặc biệt trong cuộc chiến chung với quân đội Syria chống IS.
Đánh giá về sự trợ giúp của Nga đối với chính thể hợp pháp ở Syria, ông Sharif Shehadeh, một nhà phân tích chính trị và từng là một nhà lập pháp ở Syria, cho rằng sự hỗ trợ của Nga đã đem lại những kết quả tích cực. Ông nói: “Chiến dịch can thiệp của Nga đã bảo vệ Chính quyền Syria và ngăn chặn nguy cơ đất nước bị chia rẽ”.
Nhà phân tích Osama Danura cho rằng, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria là nhằm vào các nhóm khủng bố đang đe dọa sự an nguy của cả thế giới chứ không chỉ riêng Syria. Ông nói thêm: “Nga đang thay mặt toàn thế giới chống lại những kẻ khủng bố và đã giúp Damascus tránh khỏi sự sụp đổ vào thời điểm quân nổi dậy đã kiểm soát được một số khu vực trọng yếu dọc đất nước”.
Hai năm trước, khi bình luận về những gì không quân Nga đã đạt được tại Syria, Bộ trưởng Thông tin Syria Muhammad Ramez Turjman đã nói: “Syria đang phải đối mặt với một âm mưu xâm lược nhằm phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn, có rất nhiều thế lực bên ngoài muốn chia rẽ đất nước này”.
Sau hai năm tham chiến, không những bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, bảo vệ được chính quyền hợp hiến ở quốc gia này khỏi nguy cơ bị lật đổ, không sa vào “bãi lầy” Syria, mà Nga đã giành những thắng lợi chiến lược, tạo ra thế đứng, củng cố ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Đông./.