Nga kêu gọi Tajikistan và Kyrgyzstan giải quyết xung đột bằng giải pháp ngoại giao

Thứ hai, 19/09/2022 14:49
(ĐCSVN) - Ngày 18/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov và Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon để thảo luận về các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực biên giới giữa hai nước cộng hòa Trung Á.
Xung đột Tajikistan - Kyrgyzstan bùng phát trong nhiều ngày qua đã khiến gần 100 người thiệt mạng. (Ảnh: AP Photo/Vladimir Voronin)

Văn phòng báo chí điện Kremlin cho biết, trong các cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Putin đã đề cập tới tình hình ở khu vực biên giới Tajikistan – Kyrgyzstan, đồng thời kêu gọi các bên ngăn chặn tình hình leo thang, thực hiện các bước đi hạ nhiệt căng thẳng thông qua các biện pháp hòa bình, chính trị và ngoại giao sớm nhất có thể. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời khẳng định Moscow sẵn sàng đưa ra những hỗ trợ cần thiết để đảm bảo sự ổn định ở khu vực biên giới giữa hai đồng minh Trung Á. Các cuộc điện đàm ngày 18/9 đã kết thúc với việc các bên nhất trí sẽ tiếp tục duy trì liên hệ.

Tranh chấp biên giới kéo dài đã khiến quan hệ giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô bị kéo căng trong suốt ba thập kỷ. Giao tranh thường xảy ra trên tuyến biên giới dài 970 km còn một nửa chưa phân định giữa Tajikistan và Kyrgyzstan. Các cuộc đụng độ được đánh giá là “nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ” giữa hai bên đã xảy ra hồi tháng 4/2021 đã làm hơn 50 người thiệt mạng.

Ngày 14/9, lực lượng biên phòng Kyrgyzstan đã báo cáo về một vụ đấu súng nữa trong ngày tại biên giới với Tajikistan. Trước đó vào rạng sáng cùng ngày lực lượng biên phòng Kyrgyzstan và Tajikistan đã nổ súng vào nhau, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Kyrgyzstan cáo buộc phía Tajikistan chiếm các vị trí tại phần biên giới chưa được phân định. Ngược lại, Dushanbe tuyên bố lực lượng của Bishkek nổ súng “vô cớ” vào tiền đồn của họ.

Trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan, ngày 16/9, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov và người đồng cấp Tajikistan Emomali Rahmon đạt thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn vào tối cùng ngày và kéo dài sang ngày 17/9 tại một số đoạn biên giới chung.

Các tình nguyện viên hỗ trợ người sơ tán khỏi Batken, Kyrgyzstan, ngày 17/9. (Ảnh: AFP-JIJI )

Theo số liệu cập nhật ngày 18/9, giao tranh giữa Tajikistan và Kyrgyzstan bùng phát giữa tuần qua đã khiến gần 100 người thiệt mạng, đánh dấu đợt bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm qua giữa hai quốc gia Trung Á láng giềng thuộc Liên Xô trước đây. Hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng xe tăng, súng cối, pháo phản lực và máy bay không người lái tấn công tiền đồn và các khu định cư gần đó.

Phía Kyrgyzstan ngày 18/9 thông báo, 59 công dân nước này đã thiệt mạng tại khu vực biên giới Batken ở miền Nam, cùng 144 người bị thương và 4 binh sĩ mất tích. Trong số nạn nhân có cả dân thường, phụ nữ và trẻ em. Kyrgyzstan cũng cho biết sẽ tổ chức quốc tang trong ngày 19/9 cho những người bị thiệt mạng bởi xung đột. Các nhà chức trách Kyrgyzstan đã sơ tán hơn 136.000 công dân trong bối cảnh đụng độ tiếp diễn. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại vùng Batken.

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan cho biết Bishkek coi xung đột biên giới với Tajikistan là một hành động gây hấn vũ trang được tính toán trước. Bishkek yêu cầu Dushanbe "từ bỏ các kế hoạch vô ích xâm phạm lãnh thổ của Kyrgyzstan và các mục tiêu làm leo thang tình hình ở khu vực biên giới”. Cơ quan này quan ngại, hành động của Tajikistan có thể gây ra một cuộc xung đột quy mô lớn và làm mất ổn định tình hình trong khu vực.

Cũng trong ngày 18/9, Tajikistan cho biết đã có 35 công dân nước này thiệt mạng. Đây là số liệu chính thức đầu tiên về thương vong được nước này công bố sau khi xung đột giữa hai láng giềng bùng phát.

Trên trang Facebook chính thức, Bộ Ngoại giao Tajikistan thông báo có 35 người thiệt mạng bao gồm dân thường, phụ nữ và trẻ em. Các cuộc giao tranh diễn ra ở khu vực biên giới phía Tây Nam trong vài ngày qua cũng khiến hơn 139 người khác bị thương.

Trước bối cảnh trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã Antonio Guterres vào cuối tuần qua đã kêu gọi lãnh đạo Kyrgyzstan và Tajikistan cùng ngồi vào bàn đối thoại để đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài. Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric  khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ một giải pháp bền vững cho tranh chấp biên giới nếu nhận được yêu cầu từ các bên liên quan./.

Thu Lan (Theo TASS, aljazeera, japantimes)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực