Thứ hai, 17/10/2022 17:31 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Ngày 17/10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda đã tái khẳng định cam kết duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ nền kinh tế, mặc dù đồng yen tiếp tục trượt giá xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng USD.
|
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda. (Ảnh: Bloomberg) |
Ông Kuroda nhấn mạnh: "Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi cho rằng việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là phù hợp bởi đây là điều cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát một cách bền vững, ổn định đi cùng với việc tăng trưởng tiền lương".
Trong khi đó, phát biểu với các phóng viên tại Washington vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda tuyên bố Chính phủ Nhật Bản và BoJ sẽ không ngần ngại can thiệp vào thị trường một lần nữa nếu các biến động quá mức trên thị trường ngoại hối vẫn tiếp tục. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn sẵn sàng có hành động quyết định”.
Tại phiên giao dịch trên thị trường châu Á sáng ngày 17/10, tỷ giá giữa đồng yen và USD được giao dịch ở mức 1 USD đổi được gần 149 yen, thấp nhất trong 32 năm qua. Con số này vượt xa tỷ giá 1 USD đổi được 145,9 yen, mức khiến Bộ Tài chính Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường ngoại hối thông qua thực hiện việc bán USD mua yen. Đây là lần can thiệp đầu tiên trong vòng 24 năm để trợ đỡ đồng tiền này do chi phí nhập khẩu tăng đã kéo nền kinh tế đang đi xuống.
Đồng yen đã liên tục suy yếu so với đồng USD trong nhiều tháng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để chống lạm phát đang tăng phi mã nhưng BoJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng để bảo vệ đà tăng trưởng kinh tế mong manh của quốc gia. Chính những khác biệt về chính sách này đã khiến đồng yen kém hấp dẫn hơn so với đồng USD.
“Chúng ta cần phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến khi chúng ta đạt mục tiêu lạm phát 2%. Kinh tế hiện vẫn đang hồi phục từ đại dịch COVID-19, chính vì vậy chúng ta cần phải tiếp tục để nền kinh tế có thể giữ vừng đà đi lên”, ông Kuroda nhấn mạnh.
Ngân hàng Trung ương Nhật là một trong số ít các Ngân hàng Trung ương trên thế giới hiện vẫn giữ chính sách lãi suất siêu thấp trong khi phần lớn các Ngân hàng Trung ương đều nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát và theo kịp tốc độ nâng lãi suất của FED.
Đồng yen hiện đã mất giá khoảng hơn 20% so với đồng USD kể từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy đà giảm giá của đồng yen sẽ chưa dừng lại, và tỷ giá của đồng tiền này so với đồng USD có thể sẽ sớm vượt mốc 150 yen/USD bất chấp các nỗ lực can thiệp vào thị trường tiền tệ của Chính phủ Nhật Bản.
Theo giới phân tích, đồng yen mất giá thường là một lợi ích cho xuất khẩu vì các sản phẩm của Nhật Bản trở nên rẻ hơn ở nước ngoài, làm tăng giá trị doanh thu ở nước ngoài tính theo đồng yen, nhưng lại đẩy giá nhập khẩu tăng, từ đó tác động tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh của quốc gia này./.
H.Hà (Theo Japan Times, Bloomberg)