Ngân hàng trung ương Nhật Bản giữ nguyên lãi suất

Thứ sáu, 17/06/2022 19:14
(ĐCSVN) - Ngày 17/6, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda tham dự phiên họp của Hội đồng chính sách kinh tế tại Tokyo ngày 7/6. (Ảnh: Kyodo)
Theo đó, kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày, BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức - 0,1%. Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định tiếp tục chương trình mua vào tài sản để duy trì lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục giữ lãi suất đi vay ở mức “hiện tại hoặc thấp hơn” nếu lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu mà Ngân hàng đề ra.

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng chính sách kinh tế tại Tokyo ngày 7/6 vừa qua Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khẳng định thắt chặt tiền tệ không phải là biện pháp “phù hợp” đối với BoJ trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang trong quá trình hồi phục từ đại dịch COVID-19 và tình trạng giá cả hàng hóa leo thang đang làm tăng áp lực suy thoái. Thống đốc BoJ cho rằng, ngay cả khi lạm phát tại Nhật Bản hồi tháng 4 vừa qua đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái thì điều đó không có nghĩa BoJ đã đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Vì vậy, BoJ chưa từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Quyết định giữ nguyên lãi suất được đưa ra ngay cả khi nhiều ngân hàng trung ương lớn khác, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Ngày 15/6 vừa qua, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75%, lên mức 1,25% để đối phó với tình hình lạm phát tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu cùng một số hàng hóa gia tăng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, FED nâng lãi suất ở mức này.

Tỷ giá đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD, mức giảm mạnh nhất trong số các loại tiền tệ thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yen tiếp tục mất giá so với đồng USD là do khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng được nới rộng.

Với quyết định giữ nguyên lãi suất trên của BoJ, trong phiên giao dịch sáng 17/6, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền đã tăng từ mức khoảng 133 yen/USD lên mức trên 134 yen/USD. Trước đó, ngày 15/6, trên thị trường New York, đồng nội tệ của Nhật Bản có lúc đã giảm xuống mức 135,60 yen/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1998.

Đồng yen cũng chịu áp lực giảm giá so với các ngoại tệ mạnh khác. Hồi đầu tháng này, đồng yen giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng euro và đô la Australia sau khi Ngân hàng Trung ương Australia tăng lãi suất mạnh hơn dự báo và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố kế hoạch triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ./.

H.Hà (Theo Reuters, Kyodo)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực