Thứ sáu, 20/09/2024 16:30 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ngày 20/9, sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 0,25% như nhiều chuyên gia dự báo trước đó.
|
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 0,25%.
(Ảnh: Reuters) |
Trong tuyên bố, BoJ cho biết, các thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng đã bỏ phiếu và đưa ra quyết định mới nhất sau khi đánh giá nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi ở mức vừa phải, dù một số lĩnh vực còn yếu.
Mặc dù quyết định này phù hợp với dự báo, nhưng phần lớn các nhà kinh tế dự đoán BoJ sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay.
BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm bằng đợt nâng lãi suất đầu tiên vào tháng 3 năm nay. Tiếp đó, đợt tăng lãi suất thứ 2 của ngân hàng trung ương này diễn ra vào tháng 7 với quan điểm rằng khả năng lạm phát đạt mục tiêu 2% một cách bền vững đang tăng cao. Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã nhấn mạnh rằng, BoJ sẵn sàng tăng lãi suất thêm nếu lạm phát duy trì xu hướng đạt mục tiêu 2% một cách bền vững.
Quan điểm cứng rắn này của BoJ đi ngược lại xu hướng của các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới vốn đang xoay trục sang một chu kỳ nới lỏng.
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát đang dần hạ nhiệt và lo ngại ngày càng gia tăng về sức khỏe của thị trường lao động. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED kể từ tháng 3/2020.
Trước đó, ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng thông báo cắt giảm lãi suất thêm 0,25%, xuống còn 3,5%. Đây là lần thứ 2 trong năm, ECB quyết định cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế trong khu vực đang tránh được nguy cơ suy thoái. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng nằm trong số những ngân hàng trung ương lớn bắt đầu thực hiện chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Xu hướng đối lập giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác trong chính sách tiền tệ dự kiến thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa các nhóm quốc gia này, có khả năng hỗ trợ giá đồng yen và tạo đà phục hồi đáng kể sau nhiều năm giảm giá./.
H.Hà (Theo Reuters, US News)